“Quan tiết bất đáo” là bốn chữ đại tự do chính tay Trương Công Giai viết lên bức hoành phi treo trước cửa công đường Hình bộ. Khi kiêm chức Tế tửu Quốc Tử Giám, ông dốc sức đào tạo và tuyển chọn nhân tài làm nguyên khí cho quốc gia.
Thông kinh thấu chữ
Theo các tư liệu lịch sử, Trương Công Giai (sinh năm 1665) người làng Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm (nay thuộc xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Cha ông là danh y Trương Chí Tường nổi tiếng đương thời. Từ nhỏ, Trương Công Giai đã nổi tiếng thần đồng, thông kinh thấu chữ, ứng xử tài hoa.
Ông ra đời trong bối cảnh nhà Lê đã giành lại ngôi báu từ nhà Mạc nhờ công Nguyễn Kim, Trịnh Kiểm và nhiều cựu thần khác. Ngai vàng đã được dựng lại ở Thanh Hoa từ năm 1533, nhưng cũng từ đây cuộc nội chiến giữa nhà Lê và nhà Mạc tiếp tục diễn ra.
Trương Công Giai lần lượt trải qua các kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Khoa thi năm Ất Sửu (1685), ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân đời vua Lê Hy Tông.
Sau khi thi đỗ, vua Lê vời Trương Công Giai vào làm việc trong triều đình. Trải qua 43 năm cống hiến sức lực trí tuệ cho đất nước, phục vụ bốn đời vua Lê và ba đời chúa Trịnh, cuộc đời ông trải nhiều sóng gió thăng quan – hạ chức.
Từ tháng 3 năm Đinh Hợi (1707) đến tháng 3 năm Tân Mão (1711), Trương Công Giai được triều đình giao giữ chức Công bộ Hữu thị lang - chức quan thứ ba trong Bộ Công chuyên lo quản lý điều hành việc phát triển sản xuất nông phẩm và các ngành nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp, trao đổi buôn bán.
Thời kỳ này cũng đánh dấu những thành quả bước đầu của nền sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thời Lê Trung hưng, để phát triển việc hình thành các đô thị sầm uất về sau.
Tháng Ba năm Tân Mão (1711), Trương Công Giai giữ chức Phó Đô ngự sử. Năm Mậu Tuất (1718), tháng Giêng mùa xuân mở khoa thi cử nhân, Trương Công Giai được cử làm Thượng trung thư giám cẩm Sơn Nam Hạ tức là người duyệt quyển thi hương.
Sau đó, ông được giữ chức Thượng trụ quốc Thượng trật tướng công. Gần mười năm sau, tháng Sáu năm Canh Tý (1720), ông được thăng chức Thượng thư Bộ Hình.
Đứng đầu Quốc Tử Giám
Tháng 4 năm Mậu Tuất (1718), Trương Công Giai đang giữ chức Thượng trụ quốc, Thượng trật Tướng công, triều đình đã cử Binh bộ Hữu Thị lang Nguyễn Công Hãng làm Chánh sứ và Phụng thiền Phủ doãn Nguyễn Bá Tông làm Phó sứ sang nhà Thanh báo việc vua Lê Hy Tông qua đời và dâng biểu cầu phong cho vua Lê Dụ Tông.
Tháng Chạp năm Kỷ Hợi (1719), nghĩa là phải hơn 1 năm sau, nhà Thanh mới cử sứ sang ta tấn phong Lê Dụ Tông. Nhà Thanh sai nội các điện học Đặng Đình Triết và Hàn lâm viện Biên tu Thành Văn sang phong vua Lê làm An Nam quốc vương, họ bắt vua An Nam phải làm lễ tam quỵ cửu khấu (ba quỳ, chín vái).
Các quan trong triều viện cớ theo nghi lễ trong nước thì vua Nam xưa nay chỉ làm lễ ngũ bái tam khấu (năm lạy, ba vái). Hai bên tranh biện ba bốn lần, cuối cùng Đặng Đình Triết miễn cưỡng phải tuân thủ nghi thức An Nam.
Nhân việc này Trương Công Giai viết bài thơ “Nhập gia tùy tục” – tạm dịch: Lạy ba lần, vái năm lần là nghi lễ Đại Việt/ Vái chín lần quỳ ba lần là nghi lễ Đại Thanh/ Hai bên tranh luận căng thẳng/ Nhập gia tùy tục để tỏ tình thân thiện.
Theo “Văn Miếu – Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ” của Ngô Đức Thọ, tại khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718), triều đình cử “Bồi tụng Ngự sử đài Đô Ngự sử Nhập thị Kinh diên thự Trung thư giám Cẩm Thượng nam Trương Công Giai làm Tri cống cử”.
Sau đó, vào khoa thi Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái 2 (1721), triều đình lại: “Sai Phó tướng thiếu bảo Thự quận công Trịnh Quế làm Đề điệu, Bồi tụng Công bộ Thượng thư kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu Lỵ Quận công Trương Công Giai làm Tri cống cử”. Đến khoa thi năm Giáp Thìn (1724), “Tri cống cử là Bồi tụng Hình bộ Thượng thư kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu Lỵ Quận công Trương Công Giai”.
Như vậy, liên tiếp trong ba khoa thi Tiến sĩ vào các năm 1718, 1721, 1724, triều đình đều cử Trương Công Giai giữ chức Tri cống cử (tức Phó chủ khảo của kỳ thi). Những khoa thi này đã tuyển dụng được nhiều nhân tài xuất chúng, bổ sung cho bộ máy quan chức nhà nước lúc bấy giờ.
Điển hình như khoa Mậu Tuất (1718) chọn được Vũ Công Tể người huyện Đông Anh (Hà Nội) đỗ Thám hoa, làm quan đến chức Tham tụng, Thượng thư Bộ Lại. Hoặc như Hà Tông Huân, người Yên Định (Thanh Hóa) đỗ Bảng nhãn khoa Giáp Thìn (1724) làm quan đến chức Tham Tụng, Thượng thư Bộ Binh, Tế tửu Quốc Tử Giám.
Năm 1721, Trương Công Giai được bổ nhiệm giữ chức Tế tửu - quan đứng đầu Quốc Tử Giám. Vào thời gian này, nhà Lê - Trịnh rất chú trọng đến việc đào tạo nhân tài, tổ chức các kỳ thi. Chúa Trịnh cũng quy định: Quan Tế tửu và Tư nghiệp phải trực tiếp làm chức quan giảng dạy cho học trò trường Giám.
Với tri thức và đức độ của mình, Trương Công Giai đã đào tạo và tuyển chọn được nhiều nhân tài làm nguyên khí cho quốc gia. Ông là một trong những vị quan có đức nghiệp, một người thầy mẫu mực và là một nhà giáo dục lỗi lạc với nhiều cống hiến.
Trung thần hiếu tử, quan tiết bất đáo
Năm Bính Ngọ (1726) chúa Trịnh Cương sai các quan đi kiểm tra tiền thu thuế của quan chức các trấn vì có hiện tượng biển lận. Bộ Công cử Tô Thế Huy và Nguyễn Công Dũng xuống điều tra xét hỏi. Bọn quan lại tham nhũng ở địa phương lo lót, biếu lễ vật, tiền bạc cho hai vị quan trên. Hai vị tìm mưu kế tha cho lũ sâu mọt. Dân chúng không đồng tình, kêu ca phàn nàn.
Tả Thị lang Bộ Lại Trương Công Giai bác việc nghị án tha tội cho bọn quan tham nhũng. Tô Thế Huy và Nguyễn Công Dũng đều bị cách chức. Nhà vua phục chức Thượng thư Bộ Hình cho Trương Công Giai. Nhận lại chức cũ được hai năm sau thì ông mất ngày 8 tháng 2 năm Mậu Thân (1728) thọ 63 tuổi.
Vua Lê, chúa Trịnh vô cùng thương tiếc Trương Công Giai. Câu đối của vua Lê Dụ Tông: Trung thần hiếu tử thông minh, cầu thi sinh, đắc sinh, trường sinh khả ái/ Tiến sĩ Thượng thư tài trí, bất nghi tử, nhi tử, kỳ tử giã thương (Trung thần hiếu tử thông minh, thuở cầu sinh đã sinh, mong trường sinh mến mãi/ Tiến sĩ Thượng thư tài trí, chưa nên tử đã tử, nay bất tử thương ôi!).
Chúa Trịnh Cương cũng có câu đối, rằng: Kỷ niên sơn hải phụng trì an đắc vị trung thần hiếu tử/ Nhất đán tang thương… nan tầm suy phục hoãn y quan (Bao năm thờ phụng núi sông, được yên tĩnh trung thần hiếu tử/ Một sớm tang thương buồn não, khó bình tâm thay áo đổi y).
Thi hài Trương Công Giai được ướp quàn tại viện Thiên Thanh, 100 ngày sau thì đưa về quê cho dân chúng kính viếng. Bảy ngày sau đưa lên an táng tại lưng núi A Hồ (huyện Thanh Liêm). Vua đặt tên thụy cho Trương Công Giai là Hiên Hoát tiên sinh, người Trà Châu suy tôn ông là Thành hoàng làng rồi lập đền thờ phụng.
Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, Trương Công Giai luôn đề cao phẩm chất đạo đức của một vị quan thanh liêm và nêu gương thực hiện triết lý “Quan tiết bất đáo”, ngăn chặn quốc nạn tham nhũng.
Bên cạnh công việc triều chính, Trương Công Giai còn là một người yêu thích văn chương. Ông để lại một số bài thơ và câu đối chữ Hán, trong sách “Quế Sơn thi tập” của Tam nguyên Nguyễn Khuyến có chép bài thơ “Phú ích thánh mẫu từ”. Trong gia phả họ Trương ở Trà Châu còn chép hai bài: Về nhà ăn Tết, Xuân.