Bộ đội biên phòng cùng nhân dân xây dựng xã hội học tập

GD&TĐ - Song song với các nhiệm vụ chính trị khác, Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương biên giới đẩy mạnh chương trình phát triển kinh tế, xây dựng xã hội học tập, định hướng nghề giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo.

Chiến sĩ Đồn biên phòng Bắc Sơn tư vấn pháp luật cho đồng bào địa phương.
Chiến sĩ Đồn biên phòng Bắc Sơn tư vấn pháp luật cho đồng bào địa phương.

Phổ biến giáo dục pháp luật

Xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) là xã vùng cao biên giới, tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, địa hình đồi núi phức tạp, chủ yếu là đất lâm nghiệp, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, giao thông còn nhiều khó khăn.

Bắc Sơn có 4 thôn (Thán Phún, Pẹc Na, Phình Hồ, Lục Phủ), trong thôn có các bản, khu, xóm nhỏ nằm sâu trong đồi núi, với tổng số 403 hộ, 1.793 nhân khẩu. Với đặc thù xã biên giới, Bắc Sơn có 4 dân tộc sinh sống gồm: Dao, Tày, Sán Chỉ, Kinh, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 86,2%.

Trung tá Mai Văn Thể, Chính trị viên Đồn biên phòng Bắc Sơn, cho hay: Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều; còn nhiều hủ tục lạc hậu. Việc định hướng nghề nghiệp, phát triển kinh tế giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo ổn định cuộc sống luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương và Đồn biên phòng Bắc Sơn đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện.

Hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể xã Bắc Sơn đã phối hợp với Đồn biên phòng Bắc Sơn tổ chức tuyên truyền pháp luật, tuyên truyền định hướng nghề nghiệp, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội... Ngoài việc tuyên truyền trong hội nghị của địa phương, chính quyền địa phương cùng BĐBP còn lồng ghép trong các sinh hoạt tổ, nhóm thông qua loa truyền thanh.

Kết quả, năm vừa qua, địa phương đã tuyên truyền được 3 buổi ở những hội nghị của xã với 210 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên tham gia. Bên cạnh đó, Đồn biên phòng phối hợp với Trường Tiểu học và THCS xã Bắc Sơn tổ chức tuyên truyền 3 buổi cho 156 học sinh về nội dung pháp luật, định hướng nghề nghiệp, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các em với việc học tập, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội.

Thông qua cán bộ vận động quần chúng, Đồn biên phòng Bắc Sơn tuyên truyền đến từng hộ gia đình, phối hợp vận động được 509 hộ gia đình đăng ký tham gia phong trào tự quản bảo vệ đường biên, cột mốc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới.

Kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đơn vị đã định hướng chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, xã hội cho nhân dân. Đồn biên phòng Bắc Sơn đã phối hợp vận động đồng bào tham gia thực hiện Đề án trồng tre bảo vệ biên giới; cùng giúp dân làm đường, khơi thông kênh mương nội đồng, sửa chữa, dọn vệ sinh nhà văn hóa thôn và trường học. Đồng thời tham mưu cho UBND thành phố xây dựng mô hình chuồng trâu tập trung tại thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn ra xa khu dân cư, đảm bảo vệ sinh; tham gia thực hiện 5 “Vườn mẫu”, 1 nhà tình nghĩa và các mô hình khác góp phần xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm cho nhân dân.

Bộ đội biên phòng Bắc Sơn đồng hành cùng đồng bào “an cư lập nghiệp”.

Bộ đội biên phòng Bắc Sơn đồng hành cùng đồng bào “an cư lập nghiệp”.

Giúp dân phát triển kinh tế, định hướng nghề cho con nuôi

Thực hiện phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, nhiều năm qua, Đồn biên phòng Bắc Sơn đã tích cực tham gia chương trình phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Nhiều chương trình hiệu quả cao như: “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”; phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”.

Trong những năm qua, đơn vị đã phối hợp với địa phương xây 4 nhà “Mái ấm biên cương” cho các gia đình chính sách hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc; huy động 250 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia giúp dân xây nhà, giúp dân làm đường, khơi thông kênh mương nội đồng, dọn vệ sinh nhà văn hóa thôn và trường học, môi trường, thu hoạch hoa màu.

Trung tá Mai Văn Thể cho hay, đơn vị nhận đỡ đầu 5 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi Đồn biên phòng”, nhận hỗ trợ 1 cháu tàn tật. Với những con nuôi biên phòng, đơn vị phấn đấu hỗ trợ các con học hết đại học; phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội định hướng nghề cho các con.

Nói về định hướng nghề nghiệp cho bà con đồng bào tại xã Bắc Sơn, Trung tá Mai Văn Thể cho hay, bà con đồng bào chủ yếu làm nông, lâm nghiệp điều kiện khó khăn. Địa phương cũng như các đoàn thể, Đồn biên phòng kết nối cho con em lao động địa phương vào các khu công nghiệp Hải Yên, Móng Cái làm nhưng họ không chịu được áp lực, nhiều người bỏ dở giữa chừng.

Xác định thế mạnh của bà con dân tộc là chăn nuôi, trồng chè hoa vàng, cây ăn quả nên nhiều năm nay BĐBP phối hợp cùng định hướng nghề cho bà con phát triển kinh tế. Mô hình trồng chè hoa vàng, vườn màu trồng cây ăn quả của hộ anh Má Ngọc Thanh (ở thôn Pẹc Na), Chỏng Văn Bình (Phình Hồ) đạt hiệu quả và được phổ biến, nhân rộng cho bà con.

Nhiều bà con trước kia chỉ trồng khoai, sắn, nay đã kết hợp trồng chè hoa vàng. Mỗi năm vào dịp lễ hội tâm linh, du khách qua địa bàn thường tìm mua đặc sản địa phương nên sản phẩm của bà con làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Hiện nay, bài toán phát triển kinh tế địa phương gắn với những sản phẩm nông nghiệp lợi thế và phát triển du lịch tâm linh, trải nghiệm đang là bài toán mà chính quyền địa phương cùng các đơn vị trên địa bàn trăn trở tìm lời giải giúp dân xóa đói giảm nghèo.

Ngoài việc đồng hành cùng bà con dân bản phát triển kinh tế địa phương, Đồn biên phòng Pò Hèn, thành phố Móng Cái còn quan tâm đến việc chăm lo đời sống, an sinh xã hội và định hướng nghề cho con nuôi biên phòng.

Thiếu tá Phùn Văn Dũng - Chính trị viên phó Đồn biên phòng Pò Hèn - chia sẻ, Đồn nhận 1 con nuôi là cháu Phùn Văn Hạnh (hiện đang học lớp 12) và cháu Phùn Thị Mai (lớp 10) theo chương trình “Nâng bước em đến trường”. Hoàn cảnh của các con rất khó khăn, ngoài việc hỗ trợ kinh phí hàng tháng, các chiến sĩ của Đồn thường xuyên nắm bắt tình hình học tập và định hướng lựa chọn nghề cho con. Phùn Thị Mai là học sinh chăm ngoan, chịu khó học tập, nên được định hướng học sư phạm để ra trường cống hiến cho địa phương. Với Phùn Văn Hạnh, chiến sĩ Đồn định hướng, động viên con học tiếp lên cao đẳng, đại học để sau này có công việc ổn định, cuộc sống bớt khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ