Nhà đấu giá quốc tế cần nghiêm túc với tranh Việt

GD&TĐ - Đem tranh giả, tranh nhái lên sàn đấu giá đã là một lỗi nghiêm trọng. Nhà đấu giá quốc tế còn tùy tiện gán tên tác giả - đem “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Nhà đấu giá Aguttes khẳng định bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” của Lương Xuân Nhị. Ảnh cắt từ video.
Nhà đấu giá Aguttes khẳng định bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” của Lương Xuân Nhị. Ảnh cắt từ video.

Sau 6 tháng tìm kiếm, nhà nghiên cứu mỹ thuật Kevin Vương đã tìm ra manh mối về tác giả bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” là một nữ họa sĩ.

Sự thật này đã bóc mẽ nhà đấu giá Aguttes (Pháp), khi cho rằng đó tranh của Lương Xuân Nhị. Đáng nói, đây là lần thứ 2 liên tiếp nhà đấu giá mắc phải lỗi nghiêm trọng này.   

Râu ông nọ cắm cằm bà kia

“Với tầm quan trọng và giá trị kinh tế lớn, tôi hi vọng mọi việc sẽ được làm triệt để nhằm bảo đảm tính minh bạch cho thị trường nghệ thuật, bảo vệ quyền lợi của các nhà sưu tập. Đồng thời cũng là tiếng nói cảnh tỉnh các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam, phải làm việc thật sự nghiêm túc, có bằng chứng đầy đủ chứ không thể chạy theo lợi nhuận” - Nhà nghiên cứu Kevin Vương.

Theo nhà nghiên cứu Kevin Vương, tại phiên đấu giá “Họa sĩ châu Á – Tác phẩm quan trọng” của nhà Aguttes ngày 29/11/2021, bức tranh sơn dầu “Cô gái bên chim bồ câu” được cho là của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị.

Nội dung được chọn in lên trang bìa catalogue, khẳng định tầm quan trọng và độc đáo của bức tranh này. Bức tranh sau đó được gõ búa 539,520 EUR đã bao gồm phí giao dịch.

“Tháng 11/2021, trước phiên đấu giá, trong thư trao đổi với đại diện nhà Aguttes là bà Charlotte Aguttes - Reynier, tôi nhấn mạnh rằng, nhà đấu giá đã vội vàng khi khẳng định đây là bức tranh của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị”, anh Kevin Vương cho hay.

Nhà nghiên cứu người Việt đưa ra một số lý do: Bức tranh không có chữ ký của họa sĩ, thủ pháp sử dụng trong tranh không giống Lương Xuân Nhị từng thực hiện. Tuy nhiên, bà Charlotte với nhiều năm kinh nghiệm tổ chức đấu giá tranh họa sĩ Đông Dương - đã khẳng định chắc chắn đây là tác phẩm của cố họa sĩ Lương Xuân Nhị.

“Tôi cũng đã kiểm tra bức tranh với chuyên gia phục chế của mình và các vết nứt, mặt sau, độ mòn, khung… tất cả đều khẳng định bức tranh được hoàn thành trong giai đoạn 1935 - 1940”, thư hồi đáp của bà Charlotte.

Vào thời điểm đó, trên mạng xã hội diễn ra cuộc thảo luận của các chuyên gia: Hà Vũ Trọng, Nguyễn Đức Hòa, Trần Lương, Lê Huy Tiếp. Các ý kiến đều đưa ra nhận định, những gì thể hiện trong bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” không phải là thủ pháp của họa sĩ Lương Xuân Nhị.

“Bức tranh của nhà Aguttes không có một chút thần thái nào của Lương Xuân Nhị trong nét bút, màu sắc và độ xốp của sơn”, họa sĩ Lê Huy Tiếp khẳng định.

Ông Lương Xuân Trình – con trai họa sĩ Lương Xuân Nhị - cũng cho rằng, không có bức tranh nào như này trong bản thống kê di sản mỹ thuật của cố họa sĩ. Đồng thời, việc không có chữ ký trên bức tranh là vô lý, bởi tất cả các tranh của cụ Nhị công bố ra ngoài (như bán hoặc triển lãm) đều đã ký.

Cần nghiêm túc với tranh Việt

Dòng lạc khoản cho thấy tên tác giả là Dung Đoan.

Dòng lạc khoản cho thấy tên tác giả là Dung Đoan.

Để lấy lại công bằng cho tranh Việt, nhà nghiên cứu Kevin Vương đã tới Paris xem tận mắt tác phẩm “Cô gái bên chim bồ câu”, để tìm ra tác giả.

Sau 6 tháng tìm kiếm thông tin, giữa tháng 5/2022, anh Kenvin Vương đã công bố manh mối để khẳng định những nhầm lẫn nghiêm trọng của nhà đấu giá Aguttes.

Theo chuyên gia này, chi tiết đầu tiên nằm ở phần lạc khoản của bức tranh. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Châu Hải Đường đã đọc ra như sau: “Vọng mỹ nhân hề, thịnh vượng tảo tri thiên hữu Á/ Tướng bỉ điểu hĩ, hòa bình hỉ dật hải chi Đông” (Dung Đoan tác).

Theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng, dấu mốc ra đời của bức tranh vào năm 1938 như thông tin của nhà Aguttes không khớp. Bởi “chim câu hòa bình” chưa bao giờ trở thành biểu tượng chung về hòa bình thế giới trước năm 1949 - khi Hội đồng Hòa bình Thế giới chọn bức “Paloma” của Picasso để in poster.

“Tôi để ý hai câu thơ được sáng tác bởi người tên Dung Đoan - cái tên phần nhiều nữ tính. Tôi phát hiện một số bức ảnh được chụp vào năm 1952, trong đó có ảnh triển lãm tranh của nữ họa sĩ Dung Đoan, tại Nha thông tin Bắc Việt”, anh Kevin Vương cho biết.

Cũng theo Kevin Vương, một người bạn của anh cho xem tập ảnh chụp năm 1953, với chi tiết đáng chú ý. Trong tập ảnh xuất hiện bức tranh vẽ một cô gái đang cầm hoa có khuôn mặt giống với nhân vật được miêu tả trong bức “Cô gái bên chim bồ câu”. Tức là, hai bức tranh này được vẽ từ cùng một người mẫu.

“Như vậy, thời điểm sáng tác của bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” có thể diễn ra trước hoặc sau năm 1953, không phải vào năm 1938 như thông tin của nhà đấu giá Aguttes.

Quan trọng hơn, dựa vào bức ảnh chụp bức tranh cô gái cầm hoa, ta có bằng chứng để khẳng định người họa sĩ vẽ bức tranh “Cô gái bên chim bồ câu” chính là bà Dung Đoan - một nữ họa sĩ, chứ không phải là họa sĩ Lương Xuân Nhị”, anh Kevin Vương cho hay.

Trong hai phiên đấu giá liên tiếp tháng 11/2021 và tháng 4/2022, nhà đấu giá Aguttes đều sai tên tác giả. Điều này dấy nên nghi ngờ, đó không phải do vô tình mà có chủ ý từ đầu.

Bức tranh “Cô gái chải đầu” của họa sĩ Trần Tấn Lộc lại được gắn tên Trần Bình Lộc từng được chuyên gia Kevin Vương phát hiện trước phiên đấu giá. Việc nhà đấu giá Aguttes tiếp tục gán Lương Xuân Nhị cho bức “Cô gái bên chim bồ câu” là một lỗi sai nghiêm trọng.

Trước các vấn đề này, giám tuyển Ace Lê cho rằng, nhà đấu giá Aguttes cần có lời xin lỗi bằng văn bản, thừa nhận sai sót cho cả hai vụ việc. Nhà đấu giá quốc tế cần thuê hoặc ít nhất là tham khảo chuyên gia văn hóa Việt trong việc đọc chữ Nôm. Bên cạnh đó, các nhà sưu tập - nhất là nhà sưu tập nội địa hãy tiếp tục cẩn trọng, cân nhắc thật kỹ trước khi mua tranh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.