Từng là phóng viên chiến trường vào sinh ra tử ở những thời khắc lịch sử cùng cả dân tộc làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam giữ nguyên “lửa” nghề, “lửa” tình người sau mỗi chặng đường ông đã trải qua, đầy thử thách, cam go nhưng cũng đậm giá trị lịch sử, dấu ấn thời đại…
Khoảnh khắc lịch sử
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam Trần Mai Hưởng có mặt kịp thời và chụp được khoảnh khắc lịch sử xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30/4/1975. Sự kiện đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài hơn hai thập niên (1954 -1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Phong thái điềm tĩnh, mang đậm chất hào hoa của người Hà thành pha lẫn chút phong trần của “dân báo”, nhà báo Trần Mai Hưởng nhớ lại khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời làm nghề.
Ông kể: Ngày 30/4/1975, những phóng viên trong tổ mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam hành quân cùng mũi đột kích thọc sâu của quân đoàn 2 từ hướng Đông tiến vào trung tâm Sài Gòn. Xe của nhóm phóng viên đi dọc theo những đông đặc người dân đổ ra đường chào đón các chiến sĩ giải phóng.
Khi chúng tôi đến Dinh Độc Lập, những xe tăng đi đầu đã đến đó trước. Cánh cửa sắt của Dinh Độc Lập đã bị hất tung. Vừa vào trong sân dinh, tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của Dinh.
Nhà báo xúc động nhớ lại: Một hình ảnh rất đẹp. Nắng trưa rực rỡ. Xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập trên mặt đất, lá cờ nửa đỏ nửa xanh trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Sư đoàn 304 cùng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo.
Tôi đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó. Đấy chính là bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng chiếm Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975”. Chiếc xe tăng đó mang số hiệu 846, một trong bảy chiếc xe thuộc đội hình thọc sâu của Lữ đoàn 203.
Ông rạng ngời kể lại ngày mà tổ mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam - Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, Trần Mai Hưởng và Mạnh Hùng (báo Quân đội nhân dân) có dịp gặp lại các chiến sĩ xe tăng 846.
Ông bảo, đó là vào ngày 22/4/2016. Một buổi gặp mặt rất thân mật, ấm cúng trong ngôi nhà của anh Nguyễn Quang Hòa, Đại đội phó kiêm trưởng xe 846 giữa những người làm báo và những người chiến sĩ may mắn có mặt tại Dinh Độc Lập trong một một thời khắc lịch sử.
Thật xúc động và đáng trân trọng khi những chiến sĩ xe tăng 846 như muôn vàn người lính khác, làm xong nhiệm vụ của mình, trở về cuộc sống bình thường. Trong nhiều năm không hề biết rằng, chính chiếc xe và hình ảnh của họ có mặt trong một bức ảnh của Thông tấn xã Việt Nam được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng cho những ngày tháng lịch sử đó.
Chỉ đến khi anh Nguyễn Bá Tứ, pháo thủ số hai, người ở trên tháp pháo trong bức ảnh, nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước được vào Sài Gòn, ghé thăm Dinh Độc Lập, nhìn thấy bức ảnh xe tăng đang qua cổng dinh phóng to treo tại đấy và nhận ngay ra xe 846 mới mừng rỡ gọi điện báo cho đồng đội biết.
Dõi theo cuộc sống của các chiến sĩ, nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ: Rất mừng thấy các anh vẫn mạnh khỏe, bình an, gia đình con cháu có nhiều tin vui. Chỉ tiếc rằng, Thượng úy Nguyễn Quang Hòa, chỉ huy xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập đã về với đất mẹ...
Đi qua cuộc chiến thêm sắc ngòi bút, vững tâm nghề
Thời điểm xung kích ra mặt trận, phóng viên Trần Mai Hưởng mới 23 tuổi, vừa vào Thông tấn xã Việt Nam được ít thời gian. Ông thuộc diện được ưu tiên không phải ra mặt trận vì đã có anh trai là nhà báo Trần Mai Hạnh đang tham gia ở chiến trường.
Nhưng khi Thông tấn xã Việt Nam cần một mũi phóng viên để cùng đơn vị Quân đội tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã xung phong lên đường.
“Thời hoa lửa” hào hùng ấy đã góp phần tạo nên một nhà báo “lòng trong, tâm sáng, trí bền” cho làng báo Việt Nam trong thời chiến và sau khi đất nước hòa bình, báo chí mạnh mẽ đổi mới và khẳng định sức mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếng nói của nhân dân.
Phóng viên Trần Mai Hưởng đã tới những mặt trận nóng bỏng nhất như Quảng Trị năm 1972, theo các cánh quân “thần tốc” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975.
Và sau này, ông còn đi cùng các cánh quân tình nguyện sang Campuchia diệt trừ quân Pol Pot, giúp giải phóng đất nước Angkor khỏi họa diệt chủng năm 1978, rồi tiếp đến lại lên biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới…
Có lẽ, ông cũng không nhớ mình đã qua bao nhiêu con đường, chiến trường, đã sáng tác bao nhiêu bức ảnh, tác phẩm, bài viết mà chỉ đau đáu một điều là lên đường để phụng sự cho Tổ quốc, với một niềm tin chiến thắng mãnh liệt.
Ông kể, có lần một mình phóng xe máy hàng trăm cây số từ thành phố Đà Nẵng về thị xã Đông Hà (Quảng Trị) với khẩu súng ngắn bên mình để mang toàn bộ phim của tổ phóng viên về căn cứ rồi gửi ra Hà Nội.
Đến nơi, ông không kịp nghỉ ngơi, một tiếng viết xong ngay bài ký Đà Nẵng ngày giải phóng để kịp gửi về Tổng xã. Nhưng khi vừa chợp mắt, lại nhận được thông tin từ Hà Nội gửi vào do thời tiết xấu nên cần phải gửi lại bài viết, thế là ông lại cặm cụi cùng tổ kỹ thuật, xuyên đêm chuyển bài.
Nơi chiến trường, ngọn lửa đam mê và trách nhiệm với nghề báo của ông đã gửi gắm vào trong nhiều trang thơ, truyện ngắn, hay bút ký, phóng sự đầy ắp ý nghĩa, giàu chất nhân văn.
Những tác phẩm như “Bích La Đông giải phóng”, “Trên vành đai điện tử”, “Huế đỏ cờ bay”, “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng”, “Ngày vui ở khu phố Bàn Cờ”… viết từ trái tim nhiệt thành của người phóng viên chiến trường đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc, trong đó có cả xương máu và nước mắt của tác giả.
“Tuổi đôi mươi có sức trẻ, nhiệt huyết phải xung kích làm điều Tổ quốc cần. Phóng viên chúng tôi xác định mình cũng như những người lính, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước. Sự hy sinh trong suy nghĩ của chúng tôi lúc bấy giờ rất bình thường, vì ai cũng có thể ngã xuống bất cứ lúc nào.
Ngày hôm nay có thể làm việc, ngày mai có thể qua một trận B52, qua một trận càn, vướng phải một bãi mìn, nhưng tất cả sự hy sinh đều cao cả. Tôi còn may mắn, không như đồng đội có nhiều người đã nằm lại, không về” – nhà báo Trần Mai Hưởng tâm tình.
Vẹn nguyên những cảm xúc đi qua cuộc chiến anh hùng của dân tộc, nhà báo Hà thành bộc bạch, người phóng viên chiến trường xông pha vào trận mạc, để ghi lại, chụp lại những khoảnh khắc lịch sử, coi nhiệm vụ cung cấp thông tin một cách chân thực, khách quan, sống động nhất là một lẽ sống. Tư liệu có được quý giá hơn cả tính mạng và sự hy sinh vì thế cũng trở nên bình thường…
Nghề báo cần lắm hai chữ “tâm - tài”
Cho rằng mình “may mắn” được vẹn nguyên trở về với gia đình, công việc, nhà báo Trần Mai Hưởng luôn trân trọng những giá trị của cuộc sống, của nghề báo. Dù ở công việc nào, từ phóng viên đến cương vị người lãnh đạo đứng đầu Thông tấn xã Việt Nam, ông luôn giữ phẩm chất của người lính chiến trường, với phong cách giản dị, điềm tĩnh nhưng cũng đầy quyết liệt, phản xạ nhanh và chuẩn xác cho mỗi quyết định.
Và hơn cả đó là những quyết định từ trái tim, từ tình người của nhà báo chiến trường. Cuộc chiến đi qua nhưng tình người, tình nghề còn đọng mãi trong mỗi tác phẩm, mỗi đường hướng chỉ đạo của ông.
Nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam nhìn nhận: “Nhà báo không chỉ biết mỗi viết tin bài, mà cần biết định hướng dư luận xã hội trong mỗi tác phẩm của mình. Ngoài việc phản ánh chân thực tình hình đời sống xã hội, đồng thời cũng cần mang lại cho họ niềm tin và hi vọng, sự động viên về tinh thần đó chính là giá trị cốt lõi của mỗi tác phẩm”.
Ông nói: “Làm báo trong thời nào cũng có những thách thức riêng. Trong chiến tranh có sự hi sinh vất vả, nguy hiểm bởi bom đạn. Có khó khăn trong hoạt động tác nghiệp, trang thiết bị hỗ trợ không đủ.
Làm báo trong thời bình thì lại có những khó khăn riêng, bởi hiện nay thông tin, nhất là mạng xã hội cập nhật liên tục đòi hỏi đội ngũ phóng viên phải nhanh nhẹn, hoạt bát, biết nắm bắt thông tin và chọn lọc thông tin để đưa tới bạn đọc. Ngoài những khó khăn còn có cả những cám dỗ, vì thế mỗi phóng viên nhà báo ngoài cái tầm thì cũng phải có tâm, có nhiệt huyết và sự yêu nghề”.
Theo ông, dù làm báo trong thời chiến hay thời bình, tính xây dựng theo hướng tích cực qua mỗi bài viết là cần thiết và quan trọng. Nền báo chí phải có chất nhân văn mới là nền báo chí vì con người và phát triển bền vững…
Rời công việc quản lý cơ quan báo chí gần chục năm nhưng nhà báo Trần Mai Hưởng vẫn luôn quan tâm đến những vấn đề thời sự trong và ngoài nước; đến đời sống báo chí… Thay bằng những bài báo như trước đây, nay ông chuyển thể những tâm tư, nhìn nhận của mình về hiện tượng xã hội đang được dư luận quan tâm bằng thơ với ngôn ngữ thời sự, sống động, ngắn gọn xúc tích nhưng cũng không kém phần hóm hỉnh, sâu sắc, góp phần định hướng dư luận xã hội.
Chiêm nghiệm tập thơ “Tuổi heo may” của Trần Mai Hưởng, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thấy lòng điềm tĩnh lại. Nhà thơ bộc bạch: “Ngỡ đấy là bình thường nhưng đấy chính là bản lĩnh của người viết.
Không dễ dàng có thể vượt qua tư duy của một chính khách, khi anh đã có sự nghiệp của một chính khách. Bản lĩnh chính là anh đã thoát xác một cách nhẹ nhàng, một cách như không để nhận thấy cuộc đời là vô hạn, là bao trùm lên sự hữu hạn của từng thời đại, từng thăng trầm lịch sử”.
Ở tập thơ “Lời người bán rong”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, ông Trần Mai Hưởng là một nhà báo có những năm tháng đi qua chiến tranh cận kề cái chết.
Chính thế một đặc điểm nổi trội trong thơ của Trần Mai Hưởng là chính luận thời sự. Nhưng chính trị mà ông mang vào thơ là chính trị lương tâm, thời sự mà ông mang vào thơ ông là thời sự của một lịch sử dân tộc, của nhân dân...
Con người Trần Mai Hưởng đã đi qua bao thách thức, bao buồn vui và có những năm tháng đi qua chiến tranh cận kề cái chết, nhưng khi nhìn lại những năm tháng ấy, ông đã cảm nhận đời sống này trong một cảm xúc nâng niu, trân trọng và run rẩy…
Trong tất cả mọi điều đang diễn ra trong cuộc sống này mà ông là một nhân chứng, lúc nào ông cũng đi tìm lại những gì đã làm nên vẻ đẹp của cuộc sống đó.