“Tấm lòng với đất nước”- bản lĩnh và trí tuệ của một nhà lãnh đạo tâm huyết

GD&TĐ -Nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 90 của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tấm lòng với đất nước”.

Bìa cuốn sách “Tấm lòng với đất nước”
Bìa cuốn sách “Tấm lòng với đất nước”

Cuốn sách dày dặn với hơn 600 trang, đó không phải là sức nặng khối giấy mà là sức nặng của tấm lòng, tâm huyết, ý thức trách nhiệm của người viết với đất nước, dân tộc, nhân dân, của những đóng góp, cống hiến của bà Nguyễn Thị Bình với cách mạng Việt Nam.

Được tuyển chọn một số bài phát biểu, bài viết, bài trả lời phỏng vấn của bà Nguyễn Thị Bình trong những năm gần đây, cuốn sách tập trung vào ba  nội dung chính là: Những suy nghĩ của bà về đất nước, Nhân dân và Đảng; về ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn mới và những bài học kinh nghiệm; về sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Dù đã nghỉ hưu nhưng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn say mê với công việc nghiên cứu
Dù đã nghỉ hưu nhưng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vẫn say mê với công việc nghiên cứu 

 Tuy mỗi bài viết, bài trả lời phỏng vấn đề cập đến một vấn đề khác nhau, trong nhiều thời điểm và cương vị khác nhau, nhưng đều thể hiện những suy nghĩ mang tầm chiến lược; dám chấp nhận cái mới, dám thay đổi; sự kiên định, vững vàng của một nhà lãnh đạo, một đảng viên có gần 70 năm tuổi Đảng.

Và trên tất cả, đó là tấm lòng vì nước vì dân, là nỗi niềm đau đáu trăn trở đối với sự nghiệp xây dựng và đất nước, niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc, như đoạn hồi ký bà đã viết: “Cuộc sống của tôi gắn với cuộc sống của dân tộc, đã giúp tôi hiểu giành chính quyền, đòi độc lập dân tộc là cực kỳ khó, nhưng giữ chính quyền, xây dựng đất nước, nhất là xây dựng đất nước theo nguyện vọng của nhân dân,…còn khó hơn biết bao lần. Tôi thích ví đất nước ta như con thuyền. Qua bao thác ghềnh, con thuyền Tổ quốc đã ra biển cả, phía trước là chân trời mới”.

Chân dung một con người gắn bó với cuộc sống của dân tộc

Mở cuốn sách, người đọc sẽ hình dung về chân dung một con người gắn bó với cách mạng Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử, gắn bó mật thiết với nguyện vọng của quần chúng nhân dân.

Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật là Nguyễn Châu Sa, sinh ngày 26/5/1927, tại xã Tân Hiệp, huyện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông nội tham gia phong trào Cần Vương, chiến đấu và hi sinh tại quê nhà, ông ngoại là nhà chí sĩ  yêu nước Phan Châu Trinh.

Bà Nguyễn Thị Bình từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Bà là Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam... Bà cũng là người phụ nữ duy nhất đại diện cho Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký Hiệp định Paris năm 1973.

Sau 50 năm hoạt động liên tục, những tưởng đã đến lúc được nghỉ ngơi, lo việc gia đình, đi chơi với bạn bè, nhưng bà vẫn bận rộn và làm việc mỗi ngày. Bà xuất hiện nhiều trên các diễn đàn, hội thảo khoa học trong nước cũng như quốc tế, vẫn phát biểu sôi nổi về hòa bình, phát triển về giáo dục, vì những trẻ em bất hạnh, vì quyền bình đẳng của phụ nữ.

Bà vẫn viết sách, viết báo và góp ý cho chính phủ về chiến lược giáo dục, đào tạo con người; có nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giới thiệu về đường lối đối ngoại của Việt Nam, củng cố, tăng cường hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè thế giới…

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình 

  Cuốn sách đan xen những bài tham luận tại Hội thảo, những bài trả lời báo chí...là những dòng hồi ký, nhẹ nhàng, xúc động mà sâu sắc. Những câu văn luôn chất chứa đầy ắp nỗi lòng, suy nghĩ, băn khoăn chen lẫn lo lắng và hi vọng. “Thế hệ chúng tôi, có thể nói là lớp thế hệ cuối cùng của những con người tham gia hai cuộc kháng chiến, và sau đó, trong 30 năm liên tục được sống và đóng góp cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt đầu xây dựng lại đất nước, may mắn hơn bao nhiêu anh chị em, đồng chí đã ngã xuống giữa đường…

Tôi hiểu thế nào là đau thương trong chiến tranh và gian khổ trong hòa bình…Tôi mong ước một ngày không xa, chúng ta sẽ có được một thế hệ người Việt Nam đầy tự tin, nhân ái và có trí tuệ dồi dào…sống trong một xã hội dân chủ và văn minh, một đất nước vững mạnh, tự chủ mà tự tay mình xây lên”…

Luôn trăn trở với vấn đề cải cách giáo dục

Đất nước thống nhất, năm 1976, bà Nguyễn Thị Bình được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục của nước Việt Nam thống nhất. Trong thời gian suốt 11 năm (1976-1987) điều hành cả bộ máy giáo dục chuyển động đi lên cùng kinh tế - xã hội của đất nước, vấn đề con người luôn là mối quan tâm trăn trở  của bà.

Cũng chính trong giai đoạn này, với sự tham mưu của bà, Nhà nước đã có nhiều chính sách được ghi nhận và khẳng định vị thế của nhà giáo. Đó là cải tiến thang lương, tính thâm niên cho giáo viên, thực hiện chính sách đề bạt cán bộ nữ, tôn vinh ngày Nhà giáo VN 20-11, tôn vinh các danh hiệu NGND, NGƯT, ghi nhận sự cống hiến của các nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình đã ghi “Dấu ấn giáo dục Nguyễn Thị Bình” bằng tình yêu thương với con người, vì con người.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhận hoa chúc mừng khi tham gia họp mặt anh chị em từng dự Hội nghị Paris về Việt Nam
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhận hoa chúc mừng khi tham gia họp mặt anh chị em từng dự Hội nghị Paris về Việt Nam 

 Lật giở từng trang sách, người đọc có thể hình dung ra một con người với lối tư duy sắc sảo, khúc triết trong từng câu chữ, và trên hết là những trăn trở đối với sự nghiệp giáo dục nước nhà. “Sự nghiệp GD&ĐT của chúng ta phát triển được như ngày nay có sự đóng góp to lớn của ngành sư phạm đã đào tạo ra đội ngũ giáo viên đông đảo. Trong đó, có nhiều nhà giáo yêu nước, yêu nghề, và tận tuỵ với trách nhiệm xã hội”.

Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Những khuyết tật của giáo dục cũng như của văn hóa là khuyết tật của các hệ thống xã hội, trong đó có sự khập khiếng về cơ chế vận hành với con người được coi là phương tiện hơn là mục đích. Bởi thế, để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, cần có sự đổi mới cả về tư duy và hành động, trong đó, phát triển nhân cách người học được coi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tiến trình đổi mới”.

Có thể nói đây là một công trình tập hợp trí lực và tâm huyết của một nhà lãnh đạo, một đảng viên có gần 70 năm tuổi Đảng.  Hơn 600 trang sách với gần 70 bài viết tuy không thể kể ra hết, nhưng đã gói trọn tình yêu đất nước, thể hiện ý chí sắt đá của mỗi người con đất Việt.  Cuốn sách không chỉ là tư liệu báo chí, nó còn có cả những sử liệu quý giá về những đổi thay của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, đặc biệt là những đổi thay về giáo dục nước nhà.

Tuy mỗi bài viết, bài trả lời phỏng vấn đề cập đến một vấn đề khác nhau, trong nhiều thời điểm và cương vị khác nhau, nhưng đều thể hiện những suy nghĩ mang tầm chiến lược; dám chấp nhận cái mới, dám thay đổi; sự kiên định, vững vàng của một nhà lãnh đạo, một đảng viên có gần 70 năm tuổi Đảng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ