(GD&TĐ) - “Nghệ thuật không có sự thông cảm, dù khi bị khuyết tật”, đó là câu nói của Nguyễn Thế Vinh, một “quái kiệt” trong làng âm nhạc TP.Hồ Chí Minh. Tuy bị thiếu mất một cánh tay, nhưng Nguyễn Thế Vinh đã trở thành nghệ sĩ tài hoa nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Và điều đáng cảm phục hơn ở nghệ sĩ chơi đàn bằng tay trái này: đây cũng là nghề “tay trái” của anh.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh sinh năm 1970, ở một vùng quê nghèo thuộc tỉnh Bình Thuận. Năm lên 4 tuổi, Vinh bị mồ côi cha vì bom đạn chiến tranh. Mẹ dắt díu mấy anh em Vinh về ở với ông bà ngoại. Ba năm sau, mẹ anh cũng theo chồng về chín suối, bỏ lại đàn con thơ cho ông bà ngoại. Ngoài giờ học, cậu bé Vinh 7 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ đã biết giúp ông bà ngoại chăn dắt 2 con bò của hợp tác xã để có thêm thu nhập cho gia đình. Năm 1978, khi 8 tuổi, Vinh bị gãy cánh tay phải do ngã từ trên lưng bò. Nhà nghèo, ở xa bệnh viện và chữa trị không đúng cách, nên cánh tay đã hoại tử phải cắt bỏ đến tận bả vai...
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh |
Kể từ đó, tuổi thơ của Vinh vẫn là những buổi chăn bò, giúp ông ngoại ra sông bắt cá bằng lưới, mọi việc đều làm một tay. Hè năm lên lớp 3 ấy, Vinh cũng bắt đầu phải tập viết bằng tay trái. Nhọc nhằn, cực khổ nhưng Vinh vẫn cố gắng khắc phục những trở ngại từ sự khiếm khuyết của cơ thể để học tập. Cậu tập viết bằng tay trái và lên lớp đều đặn từ bậc tiểu học cho đến tốt nghiệp THPT. Sau những chật vật cuộc đời đẩy đưa, Vinh luôn ý thức: mình là trụ cột còn lại trong gia đình chỉ còn một chị, một em trai.
Năm lớp 6, khi người cậu đem từ TP. Hồ Chí Minh về một cây guitar, Vinh đã bị cây đàn này "mê hoặc". Lúc nào cậu cũng mày mò, tìm đủ cách chinh phục cây đàn, bắt nó phải phát ra những âm thanh như ý mình. Không đánh được như người bình thường thì Vinh thử nghiệm bằng nhiều cách: buộc phím, buộc chân nhang vào mỏm tay bị cụt, thậm chí đánh đàn bằng... chân! Sau những thất bại, cuối cùng cậu nghĩ ra cách đánh đàn riêng là lật ngửa mặt đàn lên, dùng các ngón giữa, áp út và ngón út để bấm nốt còn ngón trỏ để gảy, mọi thao tác đều diễn ra chỉ trên một đoạn cần đàn. Với kiểu đánh đàn này, Vinh đã có thể solo được dăm ba bản nhạc. Từ nhỏ, Vinh cũng đã rất thích thổi kèn harmonica bởi nhận thấy đây là một loại nhạc cụ dễ sử dụng, rất thích hợp với mình.
Theo học xong THPT ở Bình Thuận, năm 1988, Vinh không dám nghĩ đến chuyện thi đại học, mà chỉ vào TP.Hồ Chí Minh học nghề vẽ quảng cáo để mưu sinh. Vinh ở trọ cùng những sinh viên Đại học Kinh tế. Thấy chàng trai thông minh, họ động viên anh nên thi vào đại học. Với sự nỗ lực bản thân và sự giúp đỡ của bạn bè, một năm sau Vinh trúng tuyển vào Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh. Để có thể theo đuổi việc học, Vinh đã phải làm thêm rất nhiều nghề: vá xe, giữ xe, dạy kèm... Không chỉ vậy, Vinh còn trợ giúp cho cả cậu em từ quê vào. Vì vậy, có khi Vinh phải bảo lưu kết quả học trong một năm để đi dạy kèm kiếm tiền, rồi mới học tiếp. Ra trường, Vinh làm nhiều công việc, rồi dừng lại với nghề điện tử, kinh doanh, sửa chữa điện thoại di động. được một thời gian, với vốn liếng kinh nghiệm từ những ngày dạy kèm thời sinh viên, Vinh quay lại nghề dạy học.
Khi việc kiếm sống đã tạm ổn, niềm đam mê âm nhạc lại trỗi dậy trong Vinh. Sau ba năm kiên trì khổ luyện tập gẩy đàn bằng ngón trỏ và bấm phím bằng các ngón còn lại cùng nhiều lần ngón tay bị bật máu, lột da, Vinh đã "khuất phục" được cây đàn guitar và thỏa mãn được cái ước mơ cháy bỏng ngày xưa.
Cùng với việc khổ luyện đàn guitar, Vinh cũng tập thổi kèn harmonica một cách thành thạo. Sau khi đã có được “ngón đàn” điêu luyện, anh nảy ra ý định song tấu cùng một lúc 2 loại nhạc cụ này. Vinh nghĩ cách gắn cố định cây harmonica ở vị trí ngang miệng bằng 2 cọng thép từ thùng đàn để anh có thể vừa chơi đàn vừa thổi kèn. Qua nhiều lần thử nghiệm, anh đã thành công. Và thế là, chỉ với một tay còn lại, Vinh có thể hòa tấu guitar và Harmonica một cách điêu luyện.
Cho đến nay, tên tuổi của nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh đã không còn xa lạ trong các hoạt động ca nhạc ở TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong giới yêu thích nhạc Trịnh. Vinh thích diễn tấu những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như Cát bụi, Diễm xưa, Ngụ ngôn mùa đông, Biển nhớ, Thương một người... Những bản nhạc tài hoa của Trịnh trên ngón đàn long đong này trở thành những dòng chảy tình cảm thật mượt mà. Năm 2004, anh đã gia nhập Hội quán Hội ngộ, nơi chính thức trở thành Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn và diễn ra những đêm nhạc Trịnh thu hút hàng ngàn người.
"Vinh đặc biệt vì một tay chơi guitar – phải có trình độ kỹ thuật cao mới có thể dùng kỹ thuật Coule’ (vừa bấm vừa móc bằng một tay), lại là tay trái. Hơn thế, vừa chơi guitar, vừa chơi harmonica mà không cần người đệm là một sự khó khăn; chơi hai tuyến giai điệu độc lập sẽ rất khó vì đòi hỏi khả năng tập trung rất cao. Phải có có năng khiếu thực thụ mới có khả năng tập luyện những “ngón đàn” đó, nếu không, có tập luyện mấy chục năm cũng sẽ thất bại mà thôi", nhà báo, nhạc sĩ Hữu Trịnh đã nhận xét về anh như vậy.
“Quái kiệt” Nguyễn Thế Vinh và nghệ sĩ Richard Fuller biểu diễn bài Biển Nhớ tại Festival Huế 2008. |
Nguyễn Thế Vinh cùng những người bạn tâm giao của anh, là nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương và ca sĩ khuyết tật Thuỷ Tiên đã cùng lập ra nhóm hát để đưa lời ca tiếng đàn của mình về với khán giả, nhất là những khán giả khuyết tật. Nghe Vinh biểu diễn, ai cũng hiểu trong tiếng đàn ấy, ngoài năng khiếu, ngoài sự kiên trì còn là một chiều sâu trong tâm hồn của người nghệ sĩ. Tiếng đàn điêu luyện của anh đã được nhiều khán giả trong nước và quốc tế hoan nghênh nhiệt liệt trong dịp Festival Huế bên cạnh những nghệ sĩ tên tuổi khác.
Từ lâu, Nguyễn Thế Vinh ước mơ, nỗ lực xây dựng một trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật – mồ côi. Tháng 9/2010, ước mơ của anh đã thành hiện thực khi Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương với sự hỗ trợ Ngân hàng Deutsche (Đức) đã được khánh thành tại thị trấn Phước Mỹ, huyện Bến Cát (Bình Dương). Đến chia vui với Vinh có các văn nghệ sĩ: nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhà văn Nguyễn Đông Thức, ca sĩ Ánh Tuyết, nhóm Nối Vòng Tay Lớn…
Ngày ngày, Nguyễn Thế Vinh vẫn ngược xuôi trên đường phố TP. Hồ Chí Minh cùng chiếc xe cà tàng tay ga đã đổi sang bên trái và cây guitar đeo trên lưng để đến các nơi có những người cùng đam mê dòng nhạc trữ tình với mình và gửi tới họ giai điệu những khúc tình ca. Cùng với nhóm nhạc của anh, Nguyễn Thế Vinh đã đi nhiều nơi từ Miền Trung đến miền Tây Nam Bộ để biểu diễn. Vinh, chơi nhạc chỉ là để thỏa mãn sự đam mê của mình và cũng để chia sẻ với những tâm hồn đồng cảm nên anh ít quan tâm đến chuyện cát-sê. Với dáng người thấp nhỏ, nước da ngăm đen đã trở thành quen thuộc với nhiều người dân thành phố mang tên Bác, nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh vẫn ngược xuôi đi về như một con ong cần mẫn đem đến những mùa xuân ngọt ngào cho cuộc đời.
Vũ Anh Tuấn