Trên thực tế, Newton cũng giống nhiều nhân vật xuất chúng khác. Chẳng hạn, Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa, từng mắc hội chứng nôn mửa và rối loạn tiêu hóa do căng thẳng.
Charles Darwin, cha đẻ của thuyết tiến hóa. |
Tình trạng căng thẳng của ông xuất hiện thường xuyên đến nỗi giới tâm lý ngày nay đoán ông mắc chứng rối loạn hoảng sợ (panic disorder). Winston Churchill, thủ tướng Anh trong Thế chiến II, từng dùng từ "chó mực" để mô tả tâm trạng trầm uất của mình, khiến người ta nghi ngờ ông thường xuyên bị trầm cảm.
Nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ mối liên hệ giữa khả năng sáng tạo và xu hướng loạn thần kinh. Giờ đây một số nhà nghiên cứu người Anh đã đề xuất một giả thuyết để giải thích cho mối liên hệ giữa khả năng sáng tạo và loạn thần kinh, chúng giống như hai mặt của một đồng xu.
Loạn thần kinh là một đặc điểm tính cách khiến con người thường xuyên lo lắng và dễ rơi vào trạng thái cô lập. Những người có xu hướng loạn thần kinh cao dễ mắc những bệnh thần kinh hơn người bình thường.
Họ cũng đối diện với nguy cơ rủi ro lớn hơn nếu đảm nhiệm những công việc đòi hỏi thần kinh thép như lái máy bay quân sự hay phá bom. Thế nhưng, dường như xu hướng loạn thần kinh lại tăng khả năng sáng tạo.
Chẳng hạn, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, họa sĩ và những người làm công việc sáng tạo đạt điểm cao hơn trong những bài kiểm tra nguy cơ loạn thần kinh so với những đối tượng khác.
"Đây là điều khiến tôi trăn trở trong thời gian dài", Adam Perkins - một giảng viên về sinh học thần kinh của Đại học King ở London, Anh thổ lộ. Perkins là đồng tác giả của một bài chia sẻ ý kiến trên tạp chí Trends in Cognitive Sciences ngày 27/8. Trong bài viết, ông nêu mối liên hệ tiềm năng giữa xu hướng loạn thần kinh và khả năng sáng tạo.
Loạn thần kinh và khả năng sáng tạo
Winston Churchill, cố thủ tướng Anh, được cho là mắc chứng trầm cảm. |
Bài viết của Perkins dựa trên một bài giảng của Jonathan Smallwood, một nhà tâm lý và chuyên gia về giấc mơ tại Đại học York ở Anh. Trong bài giảng, Smallwood nói rằng vùng não trước trán của những người thường xuyên nghĩ tiêu cực hoạt động rất mạnh.
Hiện tượng ấy bộc lộ ngay từ khi họ mới chỉ nằm vào máy chụp cắt lớp não. Vùng não trước trán tham gia vào quá trình đánh giá các mối họa.
"Chúng ta có thể nói họ có một cỗ máy sản xuất mối đe dọa trong đầu. Họ có thể nằm xuống giường hay ngồi lên ghế trong một phòng hoàn toàn bình thường, nhưng vẫn cảm thấy đang bị đe dọa", Perkins nói với Live Science.
Những ý nghĩ do bản thân tưởng tượng có thể khiến người ấy đau khổ, Perkins nhận định. Về mặt bản chất, họ luôn tưởng tượng những vấn đề không tồn tại. Nhiều nghiên cứu chứng minh người loạn thần kinh có hạch hạnh nhân – khu vực nằm ở tâm của não và xử lý yếu tố cảm xúc. Vì thế, người loạn thần kinh không chỉ "tự phát minh" vấn đề, mà còn trở nên căng thẳng vì chúng.
Song những ý nghĩ tiêu cực cũng có mối quan hệ với kỹ năng lên kế hoạch và khả năng trì hoãn cảm giác hài lòng.
"Những người loạn thần kinh có thể rơi vào trạng thái khốn khổ vào bất kỳ thời điểm nào, song họ cũng có xu hướng nảy ra giải pháp sáng tạo cho mọi vấn đề", Perkin nói.
Chẳng hạn, Isaac Newton từng tiết lộ rằng ông giải quyết các vấn đề bằng cách luôn nghĩ về chúng. "Tôi suy nghĩ không ngừng về vấn đề", Newton nói, "chờ đến khi nó mở ra, từng chút một, đến khi đầy đủ và rõ ràng."
Do đó, xu thế loạn thần kinh là gốc rễ của khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề, Perkin kết luận.
Mặc dù vậy, chưa ai có thể thực hiện một thử nghiệm để chứng minh việc suy nghĩ liên tục về vấn đề có thể khiến con người loạn thần kinh và tăng khả năng sáng tạo.
Đo lường mức độ sáng tạo trong phòng thí nghiệm là việc cực khó. Trong phần lớn bài kiểm tra, tình nguyện viên nhận một vật thể bình thường rồi nghĩ thật nhiều cách sử dụng nó.
"Cách đó không hề giống với việc đề ra thuyết tiến hóa hay thiết kế động cơ phản lực", Perkins thừa nhận. Frank Whittle, người phát minh động cơ phản lực, cũng mắc bệnh tâm thần.
"Người có khả năng sáng tạo rất hiếm, song dường như rất nhiều người trong số họ có xu hướng loạn thần kinh", Perkins kết luận.