Nguyên nhân người trẻ diễn biến nặng khi mắc Covid-19

GD&TĐ - Theo Tiểu ban Điều trị Covid-19, thời gian qua, không ít bệnh nhân trẻ trở nặng rất nhanh sau khi dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch trước đó.	Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch trước đó. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp

Đặc biệt, nhiều người trong số đó không có bệnh nền. Sáng 3/6, Tiểu ban Điều trị hội chẩn ca bệnh Covid-19 nặng trên toàn quốc. Trường hợp đầu tiên là BN7117 (23 tuổi) ở Thuận Thành (Bắc Ninh).

Ngày 25/5, bệnh nhân sốt 40 độ C, khó thở, không đau họng, không đau ngực, tự mua thuốc uống không rõ loại. Tình trạng khó thở tăng, bệnh nhân vào Bệnh viện Ngã Tư Hồ chụp siêu âm. Kết quả cho thấy, hình ảnh mờ lan tỏa 2 phổi. Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

BN7117 có thể trạng béo phì, khó thở nhiều, co kéo cơ hô hấp, được chẩn đoán viêm phổi nặng. Bệnh nhân được thở oxy qua mặt nạ, thở máy không xâm nhập. Sau một giờ không đáp ứng, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì kháng sinh.

Ngày 2/6, nam thanh niên 23 tuổi này có kết quả dương tính với Covid-19. Bệnh nhân được lọc máu, tiếp tục an thần giãn cơ, thở máy. Sáng 3/6, hình ảnh siêu âm phổi cho thấy tình trạng đông đặc thùy dưới 2 phổi.

Một trường hợp khác là bệnh nhân nữ 37 tuổi ở Bắc Giang, được ghi nhận mắc Covid-19 ngày 25/5. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Phổi Bắc Giang trong tình trạng thở nhanh vào ngày 26/5. Đồng thời, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa dài ngày. Ngày 2/6, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, gắn máy thở, lọc máu liên tục.

Trường hợp bệnh nhân trẻ mắc Covid-19 nặng khác là nam sinh 22 tuổi, quê tại Long An. Đây là BN7445 và được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Long An lên Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Hiện, bệnh nhân đang trong tình trạng rất nặng.

Kết quả CT - scan ngực, phổi của nam sinh này đông đặc toàn bộ phần bên trái và 2/5 phía dưới phổi phải. Đồng thời, bệnh nhân bị rối loạn đông máu. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, lọc máu Oxiris, can thiệp ECMO, sử dụng kháng sinh.

Đây là trường hợp bệnh nhân trẻ nhưng có nền béo phì nên nguy cơ cao. GS.TS Nguyễn Gia Bình - Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu và Chống độc Việt Nam nhận định, nếu chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM muộn hơn một chút, BN7445 sẽ rơi vào chết não. Đây là trường hợp được cho là tương tự tình trạng của nam phi công - BN91.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, 80% bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam ở tình trạng nhẹ, không triệu chứng. 20% còn lại là những người tiên lượng nặng. Trong đó, 5% bệnh nhân rất nặng, phải thở máy, ECMO.

Theo ông Khuê, đối với nhóm có triệu chứng nhẹ, quan trọng nhất là thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn và nâng cao thể trạng. Với những ca tiên lượng nặng, thầy thuốc phải tập trung điều trị, theo dõi sát, tránh để sức khỏe của bệnh nhân chuyển biến xấu.

Theo ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong làn sóng thứ 4 lần này, các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân khác so với những đợt dịch có biến chủng trước.

Cụ thể, ngay cả những người trẻ không bệnh nền vẫn có diễn biến tổn thương phổi rất nhanh. Tình trạng này thường xuất hiện từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10. Ngoài ra, hai bên phổi bệnh nhân có thể xuất hiện vết mờ trắng sau khi có triệu chứng vài ngày.

Trong khi đó, bác sĩ CKII Trần Thanh Linh - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, Đội trưởng Đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bắc Giang, đánh giá, đợt dịch lần này khác so với khi Covid-19 tấn công Đà Nẵng.

“Đợt dịch trước tại Đà Nẵng , bệnh nhân nặng chủ yếu đều lớn tuổi và có nhiều bệnh nền. Những ca bệnh của Bắc Giang khiến chúng tôi căng thẳng hơn vì bệnh nhân nặng tăng nhanh và các bệnh nhân còn quá trẻ. Bệnh nhân trẻ, không bệnh nền vẫn tiến triển suy hô hấp rất nhanh”, bác sĩ Linh cho biết.

Bác sĩ Linh cho rằng, đặc thù của đợt dịch ở Bắc Giang là gây tổn thương phổi rất nhanh so với những đợt trước. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, những người bệnh trẻ hầu như không có triệu chứng, không có hình ảnh tổn thương phổi, hoặc phải chụp CT mới thấy rõ tổn thương. Hiện tại, chỉ vài ngày sau khi chụp X-quang, phổi bệnh nhân có thể trắng xóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.