Nguyên nhân kháng kháng sinh gây nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Khi lạm dụng thuốc kháng sinh, các vi khuẩn sẽ phát triển lại, ghi nhớ loại thuốc đó và thay đổi gen cũng như protein.

Tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng kháng sinh. Ảnh minh hoạ
Tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng kháng sinh. Ảnh minh hoạ

Từ đó, khiến thuốc không còn tác dụng.

Dùng kháng sinh sai còn có thể… đến từ bác sĩ

Theo Bộ Y tế, kháng kháng sinh là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Tình trạng này xảy ra khi các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) cho biết, một số loài vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Enterobacterales, Pseudomonas aeruginosa đều vô cùng nguy hiểm. Những thuốc kháng sinh trên thị trường không có tác dụng với những vi khuẩn này.

“Mỗi năm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Mỹ dành 4.600 triệu USD để tìm biện pháp tiêu diệt những vi khuẩn này. Có nhiều lý do dẫn đến vấn đề này. Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên tự mua thuốc kháng sinh. Đó là yếu tố góp phần gây nhờn thuốc”, PGS Trần Huỳnh dẫn chứng.

Chuyên gia này giải thích, xung quanh chúng ta có rất nhiều vi khuẩn, virus, nấm. Kết quả từ một nghiên cứu cho thấy, số lượng vi khuẩn trên bồn cầu tương đương mật độ ở môi chúng ta.

Ngoài ra, bàn tay cũng là nơi tồn tại rất nhiều vi khuẩn, đặc biệt là trong móng tay. Trong lần đầu uống thuốc kháng sinh, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt nếu cùng họ nhau. Tuy nhiên, sẽ có một vài con vi khuẩn thoát khỏi tác dụng của thuốc.

“Thông thường, sau 3 ngày, nhiều người ngưng thuốc kháng sinh vì thấy tình trạng bệnh đỡ. Song, thực tế, cần uống 5 - 7 ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Khi dừng thuốc sau 3 ngày, các vi khuẩn sẽ phát triển lại, nhớ kháng sinh và thay đổi gen cũng như protein. Từ đó, khiến thuốc không còn tác dụng”, PGS Huỳnh giải thích.

Ông cho biết, từ năm 1950 đến nay, không có nhiều loại thuốc kháng sinh mới. Trong khi đó, khi một con vi khuẩn thay đổi gen và tương tác với nhau, những con vi khuẩn khác cũng vậy. Khi siêu vi khuẩn mạnh nhiễm vào cơ thể, sẽ không thuốc kháng sinh nào có thể điều trị. Người bệnh dù uống thuốc gì cũng không có tác dụng.

“Đó là điều vô cùng nguy hiểm. Tại Việt Nam, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho thấy, tỷ lệ kháng kháng sinh ở nước ta cao nhất thế giới. Tại các tỉnh phía Nam, tỉ lệ Ecoli (vi khuẩn đường ruột) kháng kháng sinh lên tới 74,6%; tỷ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K.pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%…”, PGS Huỳnh nêu.

Ngoài ra, với carbapenem - nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay cũng có tỷ lệ lên tới 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm mang gen kháng thuốc như Beta lactamase. Theo khảo sát của Bệnh viện Chợ Rẫy, khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết…

Trong khi đó, tốc độ tìm ra kháng sinh mới trên thế giới không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng kháng sinh.

“Vấn đề dùng kháng sinh sai không phải chỉ từ bệnh nhân, mà còn có thể cả bác sĩ. Đa số các ca bệnh nhẹ nên dùng thuốc điều trị triệu chứng, hạn chế tối đa kháng sinh. Các trường hợp nặng như có vấn đề về hệ miễn dịch mới cần sử dụng thuốc kháng sinh”, PGS Trần Huỳnh nhận định.

Loại bỏ vai trò của hệ miễn dịch

Tính đến năm 2050, cứ 3 giây có 1 người tử vong do siêu vi khuẩn kháng thuốc

“Trong hơn 5 năm (từ 1983 - 1987), cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh. Trong bối cảnh này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định, tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong”.

Trong khi đó, BS.CK2 Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cảnh báo, lạm dụng kháng sinh tương đương với việc tước đoạt cơ hội tự tăng cường miễn dịch của trẻ cũng như người lớn.

Chúng ta có hệ thống bảo vệ cơ thể rất tốt, chuyên nghiệp, được luyện tập từ khi còn trong bào thai. Đó là hệ thống miễn dịch. Hệ thống này phát hiện và chống lại nhanh chóng các tác nhân bất thường khi xâm nhập vào cơ thể.

Đồng thời, hệ miễn dịch cũng ghi nhớ lại tất cả các tác nhân từng xâm nhập. Từ đó, giúp nhận diện nhanh, mạnh hơn, đáp ứng nhanh và chính xác, hiệu quả cho bất kỳ tác nhân nào khác tương tự như vậy xâm nhập vào cơ thể những lần sau.

“Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh bừa bãi sẽ góp phần loại bỏ vai trò của hệ thống miễn dịch. Bởi, chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố bên ngoài, đó là thuốc. Sử dụng thuốc quá sớm, quá nhiều, quá lớn làm tiêu diệt vi trùng trước khi hệ thống miễn dịch nhận diện, làm cho tế bào nhớ không kịp ghi nhận tác nhân đã tấn công. Đồng thời, hệ miễn dịch không được luyện tập để đáp ứng cho những lần nhiễm trùng sau”, bác sĩ Nam giải thích.

Chuyên gia nhấn mạnh, cần sử dụng kháng sinh một cách thận trọng. Cân nhắc trong mọi tình huống khi nào cần sử dụng kháng sinh, dùng đúng chỉ định của nhân viên y tế. Đồng thời, dùng đúng liều, đủ thời gian để không ảnh hưởng sức khỏe sau đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cờ Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc Kharkov

Cờ Nga tung bay ở Kharkov

GD&TĐ - Lá cờ của Liên bang Nga được nhìn thấy kéo lên ở khu vực Kotlyarovka thuộc vùng Kharkov hôm 4/5/2024.
Công cụ trí tuệ nhân tạo giải quyết nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên.

Singapore thận trọng sử dụng AI

GD&TĐ - Các trường đại học Singapore áp dụng cởi mở nhưng thận trọng với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy và thực hành.