Bộ Y tế thống kê tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam cho biết, kể từ đầu dịch đến nay (sáng 20/1) Việt Nam có 2.078.087 ca mắc Covid-19, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.056 ca nhiễm).
Mới đây, Ban Chỉ đạo Quốc gia (BCĐ) đã có báo cáo về kết quả 2 năm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Theo đó, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát dịch với quy mô, địa bàn và mức độ lây lan có xu hướng phức tạp hơn.
Ban chỉ đạo nhận định so với thời kỳ tháng 8, 9/2021, ở thời điểm hiện tại, số ca tử vong đã giảm song vẫn ở mức cao (khoảng trên 200 ca/ngày). Các trường hợp tử vong chủ yếu là người già, có bệnh nền, trong đó, phần lớn chưa tiêm đủ vắc xin.
Theo thống kê số ca tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang,... 85% trường hợp qua đời do Covid-19 chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin.
Nguyên nhân thứ 2 là số ca mắc Covid-19 trong giai đoạn vừa qua tăng rất nhanh do biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, đột ngột, dẫn đến tăng lượng người diễn biến nặng, tử vong và gây quá tải hệ thống y tế ở một số địa phương.
Trong làn sóng dịch Covid-19, hệ thống y tế Việt Nam, nhất là tại tuyến cơ sở, đã bộc lộ sự bất cập trong năng lực tiếp nhận, điều trị khi số ca diễn biến nặng tăng cao.
Một số địa phương chưa chủ động trong thực hiện phương châm "4 tại chỗ", hạn chế về nhân lực, trang thiết bị, vật tư, thuốc. Một số địa phương phía Nam gặp khó khăn về nhân lực điều trị bệnh nhân diễn biến nặng.
Cụ thể, do dựa nhiều vào lực lượng hỗ trợ của Trung ương, các địa phương đã gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi nhóm này rút về.
Qua 2 năm chống dịch, nhiều cán bộ, nhân viên y tế cũng đã rất mệt mỏi do phải liên tục làm việc trong môi trường áp lực cao, thời gian dài, đối diện trực tiếp với nguy cơ lây nhiễm cao.
Trong thời gian qua, ngành y tế Việt Nam cũng đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp xin nghỉ việc, thôi việc, dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực.
Nhân lực y tế dự phòng cũng đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, sau khi sáp nhập, mỗi trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tuyến tỉnh chỉ có khoảng 161 cán bộ nhưng chưa ổn định, sắp xếp không phù hợp nên nhiều vị trí chuyên môn còn thiếu lao động, đặc biệt là bác sĩ.
Cả nước đang thiếu khoảng 23.866 nhân lực y tế dự phòng. Trong đó, bác sĩ thiếu 8.075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu 3.993 người. Ngược lại, nhu cầu nhân lực lại tăng thêm tới 22,4% tại tuyến tỉnh.
Hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. CDC của nhiều tỉnh, thành phố không có đủ điều kiện làm việc, nhiều trang thiết bị đã có niên hạn trên 8-10 năm, quá cũ và không thể đáp ứng tình hình dịch.
Khoảng 53,5% CDC tuyến tỉnh báo cáo có đủ điều kiện làm việc. Khoảng 41,7-50% CDC có đủ diện tích làm việc cho khu phòng khám, khoa xét nghiệm và những khu vực khác. Chỉ 75% các phòng xét nghiệm sinh hóa, huyết học đạt an toàn sinh học cấp độ 2.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhiều cơ sở khám, chữa bệnh cũng chưa đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận, điều trị Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch.
Nhiều địa phương chưa triển khai sát với hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2, dẫn đến trường hợp có nguy cơ cao, rất cao vẫn phải điều trị tại nhà.
Bản thân việc quản lý F0 tại nhà cũng chưa tốt. Một số trường hợp F0 tự phát hiện nhưng không báo cơ sở y tế. Nhiều người thậm chí báo nhưng vẫn không được can thiệp kịp thời.
Thực tế cũng cho thấy nhiều bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng đến các cơ sở tầng 3 ở giai đoạn muộn do tự điều trị tại nhà hoặc chuyển tuyến chậm. Việc điều phối chuyển viện, tầng chưa hợp lý. Một số tỉnh, thành phố vẫn chưa quản lý tại nhà các F0 không có triệu chứng, diễn biến nhẹ, từ đó gây quá tải hệ thống bệnh viện.
Người dân cũng còn gặp khó khăn khi tiếp cận với các dịch vụ y tế khi dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng nguy cơ tử vong khi nhiễm SARS-CoV-2.
Hạn chế nữa là việc sử dụng thuốc tại nhà vẫn chưa theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nhiều F0 dùng thuốc chống đông, kháng viêm quá sớm. Một số địa phương cũng chưa đầu tư tăng cường cho năng lực hồi sức tích cực.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo cũng đưa ra nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó đây là một đại dịch mới, chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra trên quy mô toàn cầu, ảnh hưởng lớn, nhiều mặt, hầu hết các nước chưa có nhiều kinh nghiệm và có các cách ứng xử khác nhau; Chủng vi rút SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 liên tục biến đổi với
những biến chủng lây nhiễm nhanh, mạnh, khó kiểm soát đối với tất cả các nước và kéo dài như chủng Delta, gần đây nhất là chủng Omicron ảnh hưởng nghiêm trọng tới thành quả của các nước đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch;
Dịch tấn công vào các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư cao làm số nhiễm tăng rất nhanh trong thời gian ngắn gây áp lực lớn cho hệ thống y tế trong bối cảnh năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở còn nhiều hạn chế; nhân lực, trang thiết bị, hạ tầng cơ sở chưa chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống nhiều người mắc nên xảy ra quá tải cục bộ, dẫn đến số tử vong tăng trong thời gian ngắn....
Xem đầy đủ báo cáo về kết quả 2 năm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam tại đây