Nguyên nhân bệnh truyền nhiễm ngày càng nguy hiểm

GD&TĐ - Nếu vi khuẩn thay đổi một số đặc điểm sinh học của mình bằng các biến dị, thì hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ không vô hiệu được chúng.

Nhiều loại vi khuẩn gây bệnh ở trẻ nhỏ đã thay đổi để kháng kháng sinh. Ảnh minh họa.
Nhiều loại vi khuẩn gây bệnh ở trẻ nhỏ đã thay đổi để kháng kháng sinh. Ảnh minh họa.

Tình trạng đó sẽ gây bệnh ở con người.

Vi khuẩn và virus liên tục biến đổi

Những năm gần đây, thế giới đang phải đương đầu với nguy cơ xuất hiện và lan truyền của các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc tái bùng phát ở người, vật nuôi và động vật hoang dã. Những bệnh này xuất phát từ mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái.

Chúng có khả năng gây hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người, sinh kế, sự phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra bằng chứng khoa học cho thấy, có khoảng 70% bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật.

Đặc biệt, Việt Nam được xác định là một trong những “điểm nóng” toàn cầu có nguy cơ rất cao xuất hiện các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới nổi. Trong đó, bao gồm các bệnh lây truyền từ vật nuôi, động vật hoang dã hoặc hệ sinh thái.

Bệnh truyền nhiễm được ghi nhận ở Việt Nam trong những năm qua bao gồm Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS, 2003), cúm gia cầm A/H5N1 năm 2003 với tỷ lệ tử vong khoảng 50%, cúm đại dịch (cúm A/H1N1, 2009) và gần đây nhất là Covid-19.

Bên cạnh đó, nước ta vẫn đang phải đối mặt với các bệnh truyền nhiễm lưu hành từ lâu như bệnh dại. Đặc biệt, bệnh dại hiện là một trong những bệnh truyền nhiễm đáng quan tâm với số ca gây tử vong đứng hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm.

Đây là bệnh có thể dự phòng hiệu quả bằng biện pháp tiêm vắc-xin kịp thời, đúng và đủ liều. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết, từ năm 2020 - 2021, bệnh dại có xu hướng tăng rõ rệt tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Nam. Thời gian xảy ra rải rác vào các tháng trong năm, cao hơn vào các tháng nắng nóng (từ tháng 5 - 8).

Ngoài ra, bệnh liên cầu lợn trên người cũng diễn biến phức tạp do người dân vẫn giữ thói quen ăn tiết canh. Bệnh gây tỷ lệ tử vong cao và nếu khỏi cũng để lại nhiều di chứng nặng.

Chia sẻ về lý do các bệnh truyền nhiễm ngày càng phức tạp, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - giải thích, trong quá trình tiến hóa các vi khuẩn và virus liên tục biến đổi. Những thay đổi về bản chất trên bộ gen được gọi là “biến thể”.

Sau khi biến đổi có những biểu hiện cụ thể, rõ ràng thì gọi là “biến chủng”. Tức là, một tác nhân vi sinh có những thay đổi trên bộ gen và đã thành một chủng mới khác với chủng ban đầu - lúc đó là biến chủng.

Ở giai đoạn thay đổi bản chất trên bộ gen được gọi là biến thể, chưa được gọi là biến chủng. Lý do vì có thể những biến thể này sẽ còn có những biến đổi nữa trước khi ổn định thành biến chủng mới để được đặt tên mới.

Đột biến là nguồn biến thể chính trong bất kỳ sinh vật nào. Không có nó, chọn lọc tự nhiên không thể hoạt động và các sinh vật không thể thích nghi với môi trường mới.

Trong khi đó, vi khuẩn rất dễ phát sinh biến đổi nhờ các biến dị. Bởi, thường là đơn bào, sinh sản nhanh, số lượng nhiều, tiếp xúc trực tiếp với môi trường sống. Tần suất biến dị ở vi sinh vật thường là 10 mũ 5 đến 10 mũ 10.

Hình thức biến dị thường gặp là đột biến gen (genemutation) và dẫn đến những thay đổi về hình thái, cấu tạo, kiểu trao đổi chất, sản phẩm trao đổi chất, tính kháng nguyên, tính đề kháng...

“Để chống lại những vi khuẩn (các kháng nguyên) gây bệnh xâm nhập vào cơ thể thì hệ thống miễn dịch khi bị chúng tấn công lần đầu tiên sẽ ghi nhận được các đặc điểm kháng nguyên. Sau đó, sản xuất ra các kháng thể để chống lại.

Nếu lần tiếp theo các vi khuẩn đó tiếp tục tấn công, chúng sẽ bị vô hiệu hóa bởi những kháng thể đặc hiệu. Tuy nhiên, nếu vi khuẩn thay đổi một số đặc điểm sinh học của mình bằng các biến dị thì hệ thống miễn dịch của cơ thể lại không vô hiệu được chúng và con người lại bị bệnh”, PGS Nga giải thích.

Trẻ em có nguy cơ bị tấn công

Theo chuyên gia này, ở trẻ em, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện. Vì vậy, sức đề kháng trẻ thường kém và dễ bị nhiễm bệnh do vi sinh vật. Đặc biệt, hiện nay, các vi sinh vật đó thường xuyên tiến hóa và biến đổi ngày càng nguy hiểm hơn.

Thêm vào đó, hiện nay, nhiều loại vi khuẩn gây bệnh ở trẻ nhỏ đã thay đổi để kháng với kháng sinh. Các loại vi khuẩn gây bệnh thường biến đổi không ngừng để thích nghi và làm mất tác dụng của thuốc điều trị. Trong đó, chúng có thể đột biến gen, tạo ra enzyme phân hủy hoặc tạo ra những thay đổi trong cấu trúc của thuốc kháng sinh.

Cụ thể, thuốc kháng sinh nhóm Betalactam có nguy cơ bị mất tác dụng dưới tác động của men Beta Lactamase. Đây là nhóm thuốc tạo phức bền vững với transpeptidase với mục đích ức chế tạo vách vi khuẩn cũng như làm ly giải hoặc biến dạng vi khuẩn. Bên cạnh đó, một số vi khuẩn có khả năng làm giảm nồng độ thuốc kháng sinh có trong tế bào hoặc làm thay đổi đích tác động của thuốc.

“Ngày nay, số lượng trẻ em bị kháng kháng sinh có dấu hiệu gia tăng nhanh chóng. Đây là vấn đề đáng lo ngại của cha mẹ và các y bác sĩ. Nếu con số này càng tăng lên, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhi khoa có thể giảm sút nghiêm trọng. Trước mắt, tình trạng bệnh của các bé có thể diễn biến nặng và phức tạp hơn rất nhiều. Bệnh nhân mất rất nhiều thời gian để bình phục sức khỏe”, PGS Nga cảnh báo.

Đặc biệt, theo chuyên gia này, trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trẻ có thể nhiễm virus SARS-CoV-2 và bị giảm sức đề kháng. Khi đó, các vi khuẩn biến đổi lại càng dễ tấn công trẻ hơn. Đồng thời, gây ra những bệnh cảnh nặng nề, nguy hiểm hơn.

Bên cạnh đó, trên nền một cơ thể suy giảm miễn dịch, các vi khuẩn còn có thể kết hợp với virus. Từ đó, cùng tấn công các tế bào niêm mạc đường hô hấp và nhanh chóng làm tổn thương hệ hô hấp. Sau đó, gây ra tình cảnh bệnh tái phát nhiều lần ở trẻ em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.