Chiến dịch Mùa xuân 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Trong thời bình, tuy khó khăn nhưng ngành Giáo dục đã có những bước tiến vượt bậc và trong 60 năm xây dựng và phát triển của mình, Báo GD&TĐ đã có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, là người bạn đường tin cậy của đội ngũ giáo viên, HSSV.
Những năm công tác trong ngành Giáo dục, tôi luôn luôn chăm chú, theo dõi, đọc tin tức từ Báo GD&TĐ.
Tại Đại hội VI, tôi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ GD. Chính vì vậy, tôi càng có điều kiện được làm việc với báo nhiều hơn, trực tiếp hơn. Trung bình cứ vài tuần lại có lịch làm việc với Báo GD&TĐ. Chính trong thời kỳ tôi làm Bộ trưởng, Báo đã đổi tên từ “Người giáo viên nhân dân” thành “Giáo dục và Thời đại”. Tôi ủng hộ việc đổi tên này, vì sau Đại hội VI, đất nước ta chuyển sang thời kỳ đổi mới.
Tất nhiên cũng còn điều này điều khác cần phải rút kinh nghiệm, nhưng đó là chuyện thường tình. Báo có bài hay, nhiều bài hay, nhưng cũng có những bài chưa được hay. Tôi muốn nhấn mạnh rằng những số báo đặc biệt của Báo GD&TĐ có chất lượng tốt: Nội dung phong phú, văn phong giản dị, chính tả mẫu mực. Điều này chứng tỏ lãnh đạo báo, các phóng viên phải mất nhiều công sức mới có thể làm ra được những số báo chất lượng như vậy.
Trước tình hình mới, cách mạng thông tin bùng nổ, số người dùng mạng ở nước ta lên tới 50 - 60 triệu, Báo phải có cách viết mới, có những bài viết với nội dung phong phú, sâu sắc và ngắn gọn, có tác dụng thúc đẩy phong trào thi đua “Hai tốt”. Thực tế cho thấy, nước ta chỉ mới thoát nghèo, đầu tư cho GD chưa nhiều nhưng cả nước có tới 24 triệu người đi học và thành tích học tập rất khả quan, thể hiện đặc biệt qua các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Đó là truyền thống hiếu học vốn có từ lâu đời, Báo phải biết khai thác, động viên, cổ vũ và thúc đẩy tinh thần hiếu học đó.
Phải tuyên truyền để nền giáo dục của chúng ta giữ vị thế quan trọng trong cả 3 cuộc cách mạng chứ không riêng gì trong cách mạng văn hóa tư tưởng.
Đại hội Đảng lần thứ 13 đã cận kề, Báo phải đi đầu trong công tác tuyên truyền cho đường lối giáo dục của đất nước, phải khẳng định lại triết lý bất di bất dịch “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”.
Hiện ta có hơn 40 nghìn trường học, phải phát động sâu rộng phong trào đọc Báo GD&TĐ và làm theo Báo GD&TĐ. Tất nhiên, về phần mình, Báo GD&TĐ phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong việc đổi mới nội dung và hình thức, để xứng đáng hơn nữa với vai trò “người bạn đường tin cậy” của hàng triệu giáo viên và học sinh trong cả nước.
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày ra số báo đầu tiên, một lần nữa xin chúc Báo GD&ĐT ngày càng tiến bộ, trưởng thành, chúc đồng chí Tổng biên tập cũng như đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cán bộ công nhân viên của Báo dồi dào sức khỏe, tâm sáng, lòng trong, bút sắc để có những đóng góp tích cực trên con đường đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục nước nhà.