Cụ thể hơn, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bệnh nhân vào cấp cứu trong đêm trong tình trạng nổi ban đỏ toàn thân, khó thở, gọi hỏi đáp ứng chậm, mạch nhanh nhỏ khó bắt, đau bụng từng cơn, huyết áp không đo được.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, khai thác tiền sử và triệu chứng các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị phản vệ mức độ nguy kịch với tôm và áp dụng phác đồ cấp cứu phản vệ. Sau tiêm bắp adrenaline, tình trạng bệnh nhân không cải thiện, bác sĩ chỉ định truyền tĩnh mạch liên tục. Bệnh nhân dần ổn định và duy trì huyết áp trong giới hạn.
Người nhà bệnh nhân cho biết, người bệnh có tiền sử dị ứng với tôm, cua, lạc nên nghĩ ăn tôm biển sẽ không sao nên bệnh nhân vẫn ăn.
20 phút sau khi ăn tôm biển, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau quặn bụng. Sau 2 giờ, bệnh nhân nổi ban đỏ, sẩn cục toàn thân, ngứa, người nhà cho uống thuốc chống dị ứng nhưng triệu chứng không thuyên giảm.
Sau 4 giờ, người bệnh tiếp tục đau bụng, nôn và đại tiện phân lỏng 2 lần, lúc này gia đình đốt vỏ tôm thành tro và cho bệnh nhân uống (theo kinh nghiệm của người quen). Sau khi uống, bệnh nhân xuất hiện nôn nhiều và lịm đi gia đình mới đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.
Sau 3 ngày điều trị tại đây, người bệnh đã bình phục hoàn toàn và xuất viện trở về nhà.
Qua sự việc này, các bác sĩ nhấn mạnh, người dân cần đặc biệt cẩn trọng trong việc ăn uống. Nếu bản thân đã có tiền sử phản ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh xa, phòng trường hợp bị dị ứng như trường hợp nêu trên.
Và một điều quan trọng cần lưu ý nữa là nếu cơ thể bị dị ứng sau khi ăn uống thì cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Tuyệt đối không được chữa trị bằng các mẹo dân gian, truyền miệng thiếu căn cứ khoa học sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.