Nếu như với người lớn, việc sử dụng thang máy rất đơn giản và an toàn thì với trẻ em, không ít sự cố có thể xảy ra mà trẻ không biết cách nào để xử lý một cách an toàn.
Một số tai nạn có thể xảy ra với trẻ khi tự sử dụng thang máy là: Kẹt cửa thang máy gây kẹp tay, chân…
Không cho trẻ dưới 10 tuổi tự đi thang máy.
Thông thường, cửa thang máy đều có bộ cảm biến để mở ra khi có người chặn lại nhưng đôi khi thang máy gặp sự cố, hoặc trẻ em có chiều cao quá thấp, bộ cảm biến không nhận diện được, nên dù trẻ đang đứng ngay “ngưỡng” cửa thang máy thì cánh cửa vẫn tiếp tục đóng lại, khiến cho trẻ bị kẹp tay, chân, có khi còn nguy hiểm đến tính mạng.
Thang máy có thể bị rơi tự do, dừng đột ngột do sự cố hay mất điện, khi đó nếu trẻ em không có người lớn đi cùng thì dễ bị hoảng loạn, không biết làm cách nào để thoát ra ngoài một cách an toàn. Mọi tác động của trẻ lên bộ điều khiển trong thang máy vào lúc này hoặc không có tác dụng, hoặc thậm chí có thể dẫn tới những hệ quả rất nguy hiểm.
Ngay cả khi thang máy hoạt động bình thường, nếu chỉ có trẻ nhỏ tự điều khiển thì còn có khả năng xấu xảy ra là trẻ sẽ tự bấm để leo lên những tầng cao ngoài tầm kiểm soát của người lớn, khi đó có rất nhiều mối nguy hiểm vây quanh, vì trẻ không đủ khả năng nhận thức những nguy cơ khi một mình ở trên tầng cao mà không có sự quản lý của người lớn.
Vì vậy để con em chúng ta được an toàn thì các bậc phụ huynh cùng những người lớn trong gia đình nên chú ý đến việc hướng dẫn cho bọn trẻ những kỹ năng cần thiết để giữ cho các con được an toàn khi tiếp xúc, sử dụng thang máy.
Khi cho trẻ đi thang máy, phụ huynh cần luôn để mắt đến con, không để trẻ đi một mình, phải có người lớn đi kèm; không cho trẻ đứng gần cửa thang máy; khi vào bên trong thang máy không cho trẻ dựa vào cửa thang máy; không cho trẻ em bấm nghịch các nút điều khiển trong thang.