Nguy hiểm khi tài liệu kỹ thuật về chiến đấu cơ KF-21 của Hàn Quốc bị lộ

GD&TĐ -Kênh Telegram bị cáo buộc có liên quan đến việc bán tài liệu kỹ thuật của máy bay chiến đấu KF-21 "Boramae" của Hàn Quốc và trực thăng KUH-1 Surion.

Chiến đấu cơ KF-21 của Hàn Quốc
Chiến đấu cơ KF-21 của Hàn Quốc

Chính quyền Hàn Quốc hiện đang tiến hành một cuộc điều tra chung về một kênh Telegram bị cáo buộc có liên quan đến việc bán "tài liệu kỹ thuật" của máy bay chiến đấu KF-21 "Boramae" của Hàn Quốc và trực thăng KUH-1 Surion.

Cuộc điều tra, có sự tham gia của nhiều cơ quan quốc gia, bao gồm quân đội, cảnh sát và tình báo quốc gia, được thúc đẩy bởi những lo ngại rằng, thông tin nhạy cảm có thể đã bị xâm phạm.

Theo tờ The Korea Times, kênh Telegram đang bị nghi ngờ tuyên bố có mối liên hệ trong quân đội Hàn Quốc và Cơ quan Phát triển Quốc phòng (ADD).

Vào tháng 2/2024, kênh Telegram đã công bố các tài liệu liên quan đến KUH-1 Surion, trực thăng đầu tiên do Hàn Quốc sản xuất trong nước.

Cùng với thông báo, kênh này cũng đăng tải hình ảnh của nhiều bộ phận trực thăng khác nhau. Korea Aerospace Industries (KAI), công ty hàng không vũ trụ chịu trách nhiệm phát triển những chiếc máy bay này, đã đầu tư khoảng 178 triệu USD để đưa vào sản xuất.

Kênh Telegram này cũng tuyên bố sở hữu các tài liệu kỹ thuật về máy bay chiến đấu KF-21, với kế hoạch bán chúng sau cái gọi là "quy trình xác minh chéo”. Ngoài ra, người điều hành kênh này còn đề cập đến việc nắm giữ các tài liệu liên quan đến Freedom Shield, một cuộc tập trận quân sự chung do Hàn Quốc và Mỹ tiến hành.

Mối lo ngại về sự ổn định tài chính của dự án KF-21 nổi lên vào ngày 13/6/2024, sau khi nguồn tài trợ từ Indonesia giảm đáng kể.

Khoản đóng góp của Indonesia đã giảm từ 1,16 tỷ USD ban đầu được cam kết xuống còn 437 triệu USD, dẫn đến câu hỏi liệu Hàn Quốc có thể duy trì được tiến độ của dự án hay không.

Suk Jong-jun, người đứng đầu Cơ quan Quản lý Chương trình Mua sắm Quốc phòng (DAPA), đã bày tỏ sự lo ngại rằng, những hạn chế về ngân sách có thể gây ra thách thức. Tuy nhiên, ông tái khẳng định cam kết của DAPA trong việc hoàn thành KF-21 vào năm 2026.

KAI cũng đang hướng đến mục tiêu tiếp thị KF-21 “Boramae” cho những người mua quốc tế sau khi đáp ứng các yêu cầu của Không quân Hàn Quốc.

Cho đến nay, KAI đã sản xuất 300 chiếc cho cả mục đích quân sự và dân sự tại Hàn Quốc.

Cuộc điều tra về vụ rò rỉ Telegram bị cáo buộc đã làm dấy lên lo ngại về tác động tiềm tàng đến hợp tác quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Các báo cáo chỉ ra rằng, thông tin liên quan đến máy bay chiến đấu KF-21 và các cuộc tập trận quân sự chung giữa hai quốc gia có thể đã bị xâm phạm.

Điều này dẫn đến những câu hỏi về tính bảo mật của các giao thức chia sẻ thông tin tình báo và liệu các lỗ hổng trong hệ thống của Hàn Quốc có thể gây ra rủi ro cho các hoạt động hợp tác hay không.

Để ứng phó, các quan chức quốc phòng Mỹ có thể xem xét lại các thỏa thuận chia sẻ dữ liệu để đảm bảo an ninh chặt chẽ hơn, nhấn mạnh nhu cầu tăng cường an ninh mạng và các thủ tục kiểm tra chặt chẽ hơn đối với thông tin nhạy cảm.

Sự cố này cũng làm nổi bật những tác động tiềm tàng đối với các nhà thầu quốc phòng Mỹ làm việc với các đối tác Hàn Quốc.

Là nhà phát triển chính của KF-21 và KUH-1, KAI đã thiết lập nhiều mối quan hệ hợp tác với các công ty quốc phòng Mỹ. Trước những mối đe dọa nội gián có thể xảy ra, các nhà thầu Mỹ có thể yêu cầu các tiêu chuẩn an ninh cao hơn khi làm việc với các nhà thầu phụ Hàn Quốc.

Điều này có thể bao gồm kiểm tra lý lịch nghiêm ngặt hơn, giao thức an ninh mạng được tăng cường và giám sát chặt chẽ hơn trong các dự án quốc phòng chung.

Các cuộc thảo luận giữa chính quyền Washington và Seoul có thể tập trung vào việc thiết lập các hướng dẫn an ninh rõ ràng hơn cho các hoạt động hợp tác quốc phòng trong tương lai để bảo vệ công nghệ nhạy cảm.

Theo Bulgarian Military News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ