Không khí ô nhiễm dễ dẫn đến các bệnh lý về hô hấp, dị ứng, tim mạch tăng cao và đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ nhỏ, người già, đặc biệt với nhóm mắc sẵn các bệnh lý này sẽ khiến bệnh nặng hơn, nguy cơ dẫn đến khó thở, đột quỵ và tử vong.
Ô nhiễm không khí vượt chuẩn có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đối với học sinh, có thể làm chậm sự phát triển của não bộ, dễ cáu gắt, gia tăng trầm cảm, lo âu…
Làm chậm sự phát triển của não bộ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí đe dọa sức khỏe của người dân ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ô nhiễm không khí cả ở bên ngoài và trong nhà gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn cầu; chỉ tính riêng khu vực Tây Thái Bình Dương, khoảng 2,2 triệu người tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam, khoảng 60 nghìn người chết mỗi năm có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Không khí bị ô nhiễm nặng, cùng với thời tiết chuyển mùa đang ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hải (Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương), những người tiếp xúc thời gian dài với không khí bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe do hít phải các hạt mịn. Chúng thâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch, gây ra các bệnh nguy hiểm.
Bác sĩ Hải cũng lưu ý một số bệnh có thể mắc do ô nhiễm không khí nhất là với trẻ em vì có thể làm chậm sự phát triển não bộ và hành vi. Ở người cao tuổi, nó làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.
Các thành phần nguy hiểm nhất trong không khí ô nhiễm bao gồm các loại khói bụi; bụi mịn, bụi siêu mịn; hạt chất phóng xạ; các chất độc hại như oxit nitơ, oxit lưu huỳnh, cacbon monoxit, chì…
Khi hít thở, các chất độc hại trên vào cơ thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ở trẻ. Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với không khí ô nhiễm sẽ làm giảm sức đề kháng, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Trẻ thường xuyên ốm vặt, gầy yếu, chán ăn….
Tác hại nhẹ nhất của ô nhiễm không khí là các bệnh về da, ngứa ngáy, dị ứng, phát ban. Nặng hơn là các bệnh về hô hấp, thần kinh. Hệ hô hấp của trẻ chưa được hoàn thiện, dễ mắc các bệnh hô hấp khi sống trong môi trường không khí ô nhiễm.
Các triệu chứng ban đầu thường gặp như hắt hơi; sổ mũi; ho; khó thở… Lâu dần ảnh hưởng tới chức năng của phổi, gây ra hen suyễn, viêm phế quản ở trẻ… Thậm chí là gây ung thư phổi khi không khí ô nhiễm tích tụ trong phổi quá lâu.
Các loại bụi mịn, bụi siêu mịn như PM2.5 còn có khả năng luồn lách vào phế nang, đi vào tĩnh mạch phổi vào hệ tuần hoàn. Dẫn đến các chứng máu khó đông, các bệnh về tim mạch. Ngoài ra, chúng còn ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nếu thường xuyên tiếp xúc với các khí độc hại, não bộ của trẻ có nguy cơ chậm phát triển, giảm trí nhớ, dễ dẫn đến lo lắng, trầm cảm.
Ngoài ra, không khí ô nhiễm là nguyên nhân gây viêm phổi. Các triệu chứng có thể bao gồm đau ngực, ho, mệt mỏi, khó thở và sốt. Người lớn tuổi hoặc những người bị bệnh mãn tính có thể không bị sốt.
Trẻ em và người già đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh. Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em trên toàn thế giới. Người lớn tuổi có khả năng phải nằm viện vì bệnh viêm phổi sau khi tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Hải cũng lưu ý thêm, ô nhiễm không khí kéo dài có thể dẫn đến nguy cơ cao bị đau tim, nhịp tim không đều (loạn nhịp tim), suy tim và đột quỵ.
Những người sống gần các đường phố hoặc nhà máy đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Đối với học sinh, ô nhiễm không khí còn khiến các em dễ mắc các bệnh về mắt, ảnh hưởng tới chất lượng học tập. Thậm chí, chúng còn tác động lên hệ thần kinh trung ương, làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, Parkinson, tự kỷ hay dễ cáu gắt.
Biện pháp phòng tránh
Bác sĩ Hải khuyến cáo, với tình hình ô nhiễm không khí ở thành phố lớn như hiện nay, nhất là thời điểm miền Bắc đang chuyển mùa lạnh, người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường sống, đặc biệt phải tuyên truyền, chăm sóc trẻ thật tốt. Hậu quả của ô nhiễm môi trường không khí đối với con người là rất nghiêm trọng, là tác nhân chính khiến cho tỷ lệ người mắc bệnh về hô hấp, ung thư… ngày càng tăng.
Theo đó, hạn chế ra đường vào giờ cao điểm. Nếu phải ra đường cần đeo khẩu trang - loại có màng lọc bụi tốt, đeo kính để tránh bụi vào mắt. Không đi bộ hay tập thể dục trên những con phố đông đúc phương tiện giao thông. Việc này giúp tránh khỏi việc hít phải khí thải từ các phương tiện.
Luôn giữ nhà cửa thoáng mát, lưu thông không khí. Dùng máy lọc không khí trong những ngày nhiều khói, bụi sẽ giúp giảm đáng kể lượng bụi và chất gây dị ứng. Súc miệng, rửa mắt, rửa mũi bằng nước muối sinh lý thường xuyên.
Minh họa/INT |
Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, hắt hơi, sổ mũi, khó thở… nên tới các cơ sở y tế kiểm tra, tránh để những tác nhân gây viêm nhiễm tiến triển sẽ khiến việc điều trị trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, trồng cây xanh góp phần lọc không khí, do đó, nên tăng cường cây xanh quanh nhà, khu phố.
Hệ thống thông gió, điều hòa, quạt cần được bảo dưỡng định kì để hạn chế tối đa không khí bẩn vào nhà. Lau chùi các bề mặt bụi bẩn: Bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi của trẻ… Loại bỏ các loại lông của thú cưng. Khử nấm mốc và các mùi hôi khó chịu trong nhà như mùi đồ ăn, mùi khai nước tiểu, mùi thuốc lá, mùi cơ thể…
“Một trong những biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí, hiệu quả nhất chính là cải thiện thói quen sinh hoạt. Việc này có thể được thực hiên bằng cách xử lý rác thải đúng cách, không đốt rác hoặc những nhân tố dư thừa bừa bãi. Điều này giúp hạn chế lượng khí thải độc hại và bụi bẩn bị đẩy ra môi trường. Thay thế các nhiên liệu đốt từ than, củi, gas sang các thiết bị điện hiện đại, vừa an toàn vừa khắc phục được ô nhiễm không khí. Tắt các thiết bị điện không cần thiết. Sử dụng phương tiện công cộng cho việc di chuyển để giảm khí thải từ phương tiện giao thông”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Ý thức bảo vệ không khí trong trường học
Theo TS Nguyễn Thị Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, môi trường có vai trò quan trọng đối với sự sống và chất lượng cuộc sống của con người.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã phải gánh chịu những thiệt hại khủng khiếp do ô nhiễm môi trường gây ra, trong đó có vấn đề ô nhiễm không khí. Đây được coi là một kẻ giết người vô hình và thầm lặng.
Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí lại càng trầm trọng hơn, đặc biệt là môi trường ở khu vực đô thị, do quá trình đô thị hóa cùng với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội chưa được quản lý và kiểm soát tốt gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng môi trường không khí.
Để cải thiện được vấn đề này, giáo dục phòng chống ô nhiễm không khí và bụi mịn được xem là một giải pháp toàn diện và bền vững. Đặc biệt, việc giáo dục nội dung này cho học sinh có tầm quan trọng nhằm trang bị các kỹ năng phòng chống ô nhiễm không khí và bụi mịn để hình thành thói quen, lối sống lành mạnh cho các em.
Minh họa/INT |
“Xây dựng mục tiêu và nội dung giáo dục phòng chống ô nhiễm không khí và bụi mịn là một nhiệm vụ cần thiết với các nhà trường trong bối cảnh môi trường không khí ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay. Việc giáo dục phòng chống ô nhiễm không khí và bụi mịn có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của học sinh, giúp các em có cách hiểu đúng đắn về ô nhiễm không khí và bụi mịn, cập nhật được kiến thức, góp phần thực hiện các hành vi bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho bản thân và cộng đồng”, TS Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.
Theo TS Thanh, để triển khai, các nhà trường cần tổ chức cho học sinh tham gia nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian...
Điều này sẽ kích thích hứng thú, tính tò mò, ham hiểu biết và sáng tạo của học sinh, bồi dưỡng cho các em tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường sống nói chung và môi trường không khí nói riêng và có ý thức bảo vệ môi trường không khí xung quanh nơi các em sinh sống và học tập.
Không chỉ thế, việc lan tỏa, tác động gián tiếp tới nhận thức, thái độ, hành vi của những người xung quanh cũng giúp các em khẳng định được giá trị của bản thân, từ đó tích cực, chủ động hơn nữa trong việc thay đổi hành vi của mình, tuyên truyền, thuyết phục người khác thay đổi nhận thức, hành vi của họ trong việc phòng chống ô nhiễm không khí và bụi mịn.
Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam), lúc 9 giờ 30 phút ngày 8/12, chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 150 đơn vị, mức có hại cho sức khỏe, cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết.
Cùng thời điểm này, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) xếp Thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng đầu thế giới với chỉ số AQI trung bình 200 đơn vị. 3,5 triệu người dân Thủ đô bị ảnh hưởng bởi mức bụi gấp 5 lần tiêu chuẩn của WHO. 40% dân số của Thủ đô Hà Nội đã bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 ở mức trên 45 μg/m3, hơn gấp đôi mức quy chuẩn quốc gia.