Bữa tối thường là bữa cơm duy nhất trong ngày cả nhà đoàn tụ và quây quần bên nhau. Đó cũng là lúc chúng ta luôn có tâm lý chuẩn bị một bàn ăn chật kín.
Dĩ nhiên, với những món ăn phong phú và nhiều như thế, chúng ta không thể tránh được tình trạng thức ăn thừa. Một phần vì tiếc của, tiết kiệm, chúng ta không muốn cho chúng vào thùng rác.
Không những thế, những bà nội trợ còn có suy nghĩ cho vào tủ lạnh để ăn tiếp, đỡ mất công nấu cho bữa ăn sau.
Cuối năm 2015, có thông tin cho rằng, một phụ nữ ở Malaysia bị ung thư vì nhiều năm ăn thức ăn thừa trong tủ lạnh. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh thức ăn thừa hâm nóng lại có nguy cơ gây ung thư.
Nhưng chị em không nhận ra, chính họ và cả những người thân yêu sẽ đối mặt với một số căn bệnh khi ăn đồ ăn thừa không được bảo quản đúng cách.
Ngộ độc thực phẩm
Theo Cục An toàn thực phẩm và Kiểm dịch, Bộ Nông nghiệp Mỹ, thức ăn đã nấu chín chỉ an toàn 2 giờ sau khi nấu và dễ hư hỏng ở nhiệt độ từ 4 - 60oC.
Sau khoảng thời gian này, bảo quản nóng hay lạnh không đúng đều tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển, gây ngộ độc thực phẩm.
Rối loạn tiêu hóa
Sự tăng trưởng của vi khuẩn sẽ gây rối loạn tiêu hóa và chứng khó tiêu. Ngoài ra, chúng còn khiến thức ăn lên men, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.
Ợ chua
Bạn đang trải qua những cơn ợ chua không giải thích được? Thói quen ăn uống của bạn có thể lí giải được tình trạng này. Ợ chua là một triệu chứng thường gặp ở những người hay sử dụng các loại thực phẩm thừa.
Nôn mửa
Cho dù thực phẩm có tươi ngon như thế nào nữa, cơ hội vi khuẩn phát triển trong thức ăn thừa vẫn rất cao. Tình trạng này có thể gây ra nôn mửa, một triệu chứng của ngộ độc thực phẩm.
Điều này có thể xảy ra sớm thì chỉ trong vòng 2 tiếng sau khi ăn, muộn thì 1 hoặc 2 ngày. Nguyên nhân cũng chính từ vi khuẩn sản xuất ra các độc tố.
Tiêu chảy
Một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến mà ăn thức ăn thừa gây ra là tiêu chảy. Nếu là bị ngộ độc thực phẩm, tình trạng này dẫn đến mất nước. Lúc đó, hãy xem xét lại những gì mà bạn vừa ăn.
Đau bụng
Một vấn đề sức khỏe nữa mà bạn sẽ mắc phải khi ăn đồ ăn thừa là đau bụng. Hiện tượng này xảy ra chủ yếu là do sự hình thành của khí và co thắt ruột.
Thức ăn còn nóng mà cho vào tủ lạnh ngay cũng là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm và đau bụng.
Sốt nhẹ
Nhiễm khuẩn sẽ gây sốt nhẹ và khó chịu. Nếu gặp bất kỳ triệu chứng vừa được nêu trên kèm theo sốt nhẹ hoặc vừa, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.