Nhưng thực tế, sở vật chất của trường THPT Phúc Yên hiện vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ. Để có một cái nhìn khách quan nhất, PV báo Lao Động có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vĩnh Long – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Yên để làm rõ một số vấn đề liên quan.
Thưa ông, về việc khối cấp 3 của trường THCS&THPT Hai Bà Trưng sẽ sáp nhập vào trường THPT Phúc Yên, nhà trường đã tiếp nhận thông tin này từ khi nào và có sự chuẩn bị gì khi năm học mới sắp đến gần?
Chúng tôi chính thức tiếp nhận thông tin trên vào ngày 13.7 trong một cuộc họp của UBND tỉnh mà Ban giám hiệu nhà trường được mời dự. Tại đó, đồng chí Vũ Việt Văn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thông báo kết luận và chỉ đạo tiếp tục thực hiện đề án sáp nhập.
Tuy nhiên cho đến thời điểm này (21.7 - PV), Ban giám hiệu nhà trường vẫn đang chờ đợi quyết định chính thức của cấp trên về việc cụ thể sẽ sáp nhập như thế nào, đội ngũ quản lý ra sao, các thầy cô giáo cũng như học sinh của cả hai trường số lượng sẽ như thế nào… Tất cả những điều đó chúng tôi vẫn đang chờ để xây dựng kế hoạch chuẩn bị cụ thể cho năm học mới.
Số lượng giáo viên của nhà trường hiện tại đáp ứng đủ cho số học sinh đang có của nhà trường, nếu có việc sáp nhập thì sẽ kết hợp với cả số lượng giáo viên khối THPT của Trường THCs&THPT Hai Bà Trưng, tôi nghĩ rằng số lượng giáo viên là đầy đủ để giảng dạy các em – ông Long cho biết.
Trường THPT Phúc Yên sẽ gặp phải những khó khăn gì khi sáp nhập khối cấp 3 của trường Hai Bà Trưng?
Diện tích của nhà trường là 17.820m2, với số học sinh hiện tại là 587 em với 23 phòng học, mỗi lớp không quá 45 học sinh. Để có thể đáp ứng được về phòng học chúng tôi sẽ phải bố trí học tại một số phòng chưa lắp đặt thiết bị.
Nếu không đủ nữa thì chúng tôi sẽ cho sửa chữa một số phòng học cũ đang để chứa đồ để đảm bảo đủ số lượng phòng học. Nếu có việc sáp nhập, chúng tôi sẽ cố gắng điều chỉnh, sửa chữa để đáp ứng đủ số phòng học và cơ sở vật chất để sử dụng cho năm học mới. Về lâu dài chúng tôi sẽ có tờ trình để đề nghị với Sở GDĐT cung cấp thêm cơ sở vật chất còn hiện tại chúng tôi sẽ có phương án khắc phục theo đúng yêu cầu cấp trên.
Bên cạnh đó, chúng tôi xác định công tác tâm lý của học sinh sẽ có những khó khăn nhất định. Nếu như các em học sinh của Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng chuyển sang bên này thì chắc chắn sẽ có sự xáo trộn về tâm lý do đó chúng tôi có những phương án để hạn chế sự xáo trộn này. Về giáo viên chúng tôi sẽ chọn những thầy cô phù hợp với từng lớp, từng đối tượng học sinh cho phù hợp với năng lực của các em.
Khi có sự sáp nhập thì trường chúng tôi sẽ tăng lên về số lượng, như thế nhà trường cũng cần có sự sâu sát hơn để phân công, quản lý mọi việc hợp lý.
Bên cạnh đó, Trường THPT Phúc Yên được thành lập vào 9/2001 với mô hình bán công do đó các em học sinh có học lực yếu, trung bình. Đến năm 2009 trường chuyển đổi thành mô hình công lập. Khó khăn của chúng tôi là do học sinh có chất lượng đầu vào không cao, mà điều này thì quyết định đến chất lượng giáo dục của nhà trường ở chỗ đầu ra. Với tình hình như vậy chúng tôi cũng cố gắng hết sức để làm tròn sứ mệnh của mình.
Dự kiến ngày tựu trường cho năm học mới sẽ là bao giờ, thưa ông?
Theo kế hoạch năm học, ngày 1.8 sẽ là ngày học sinh tập trung tại trường để nhận lịch mới cho năm học. Chúng tôi đang chờ các quyết định chính thức để có kế hoạch sớm nhất cho công tác dạy và học.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!