“Xóa sổ” trường 25 tuổi ở Vĩnh Phúc: Cớ gì đang ổn định phát triển lại phải tách, sáp nhập?

Trước chủ trương "xóa sổ" ngôi trường THCS&THPT Hai Bà Trưng có bề dày thành tích 25 năm dạy và học, gây bức xúc cho hàng nghìn phụ huynh và học sinh ở Vĩnh Phúc, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Hùng - nguyên PGĐ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc về vấn đề này.

“Xóa sổ” trường 25 tuổi ở Vĩnh Phúc: Cớ gì đang ổn định phát triển lại phải tách, sáp nhập?

Quan điểm của ông như thế nào trước chủ trương tách, sáp nhập Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng?

- Thứ nhất, tôi cho rằng, làm gì cũng cần phải xuất phát từ mục tiêu giáo dục, giáo dục là đào tạo dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Thứ hai, tôi thấy rằng quy mô, hệ thống của giáo dục Vĩnh Phúc hiện nay đang ổn định và phát triển. Thứ ba, chất lượng giáo dục Vĩnh Phúc hiện nay đang ở top cao, đào tạo có hiệu quả.

Điều đó cho thấy quy mô, hệ thống của ngành giáo dục Vĩnh Phúc đang đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu, mục đích mà giáo dục nước nhà đặt ra. Trường THCS&THPT Hai Bà Trưng lại là một trường đào tạo có chất lượng của Vĩnh Phúc, nằm trong top 200 các trường THPT trên cả nước.

Với tình hình như thế, tôi cho rằng, cần cân nhắc lại cho phù hợp với thực tiễn, quan điểm của tôi là không nên tách hay sáp nhập ngôi trường Hai Bà Trưng.

“Xóa sổ” trường 25 tuổi ở Vĩnh Phúc: Cớ gì đang ổn định phát triển lại phải tách, sáp nhập? ảnh 1
Ông Nguyễn Quang Hùng - Nguyên PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần cân nhắc lại chủ trương tách, sáp nhập trường THCS&THPT Hai Bà Trưng. (Ảnh: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc).

Một trong những lý do mà UBND thị xã Phúc Yên và UBND tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra cho việc tách, sáp nhập trường này là do số lượng học sinh thi vào THPT trên địa bàn chỉ cần 2 trường là tuyển hết, nên cần phải giảm 1 trường THPT, ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Nếu chỉ nhìn trước mắt thì có vẻ như số lượng học sinh thi vào học THPT có vẻ không nhiều, nhưng thực tiễn nó chỉ không nhiều ở hiện tại, còn về tầm nhìn lâu dài khoảng 2, 3 đến 5 năm sau thì số lượng, quy mô học sinh sẽ phát triển, tăng lên rất nhiều so với bây giờ và nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ vỡ trận.

Vĩnh Phúc có những giai đoạn số lượng học sinh tăng, giảm. Tôi lấy ví dụ, thời kỳ tỉnh Vĩnh Phúc chưa tách khỏi Vĩnh Phúc thì có 35 học sinh/lớp, sau khi tách tỉnh, Vĩnh Phúc có lúc giảm còn 30 học sinh/lớp thậm chí có giai đoạn chỉ có 26 học sinh/lớp nhưng chúng tôi vẫn giữ quan điểm báo cáo với UBND tỉnh là giữ nguyên số lớp, giảm quy mô số học sinh/lớp để có điều kiện nâng cao chất lượng. Chính vì điều này đã tạo thêm điều kiện xây dựng nền móng cho giáo dục Vĩnh Phúc, lớp có số học sinh ít thì giáo viên có điều kiện quan tâm đến học sinh hơn.

Việc chúng ta chấp nhận quy mô như hiện tại ở thị xã Phú Yên là một sự chấp nhận thông minh bởi đây là cơ hội để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục THPT bởi bậc học THPT là giai đoạn gần như quyết định nguồn nhân lực có chất lượng. Nếu như học sinh khối THPT có chất lượng sẽ tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cho Vĩnh Phúc nói riêng và cả nước nói chung. Tại sao trong khi chúng ta đang rất cần nguồn nhân lực có chất lượng mà lại có chủ trương sáp nhập, giảm 1 trường đi?

Việc giảm trường, trước mắt có thể đạt được yêu cầu giảm đầu mối, tinh giản biên chế nhưng thực chất nó sẽ bị phá vỡ trong tương lai. Chẳng nhẽ đến 5 năm nữa, khi học sinh tăng lên, chúng ta lại đi xây trường, xây lớp mới? Như thế là rất lãng phí.

Mô hình liên cấp liệu có khó quản lý như lý do mà UBND thị xã Phúc Yên đưa ra hay không thưa ông?

- Ở các nước, họ còn đào tạo liên thông từ mầm non cho tới phổ thông, mô hình liên cấp 2,3 đã có từ rất lâu chứ không phải bây giờ mới có. Những năm cuối 80, đầu 90 ở Vĩnh Phúc có nhiều trường xây dựng theo mô hình này như cấp 2, 3 Xuân Hòa, cấp 2 ,3 Liên Châu, cấp 2 ,3 Nguyễn Viết Xuân. Việc đào tạo theo mô hình này sẽ tạo nên sự nối tiếp và thực tiễn cho thấy, mô hình này được áp dụng rất tốt ở trường Hai Bà Trưng với chất lượng vượt bậc. Cớ sao đang ổn định và phát triển lại tách ra?

Tôi cho rằng, chủ trương này nghĩ chưa tới nơi. Đề án, chủ trương không phải một cái bất biến. Cái gì quan trọng nhất để giải quyết cho cộng đồng, cho người dân thì là điều nên làm. Nhiều người nói về giáo dục nhưng không phải ai cũng hiểu về giáo dục, tôi thấy rằng hiện nay UBND thị xã Phúc Yên cũng như UBND tỉnh chỉ đang giải quyết vấn đề trước mắt, nhưng điều quan trọng là vấn đề về lâu dài thì nghĩ chưa tới nơi.

Rất cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo laodong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ