Nguy cơ từ mẫu “âm tính giả” ở TP Hồ Chí Minh

GD&TĐ - Thiếu nhân lực và áp lực thời gian có thể dẫn đến việc lấy mẫu vội, từ đó không đảm bảo được kỹ thuật.

Người dân được hướng dẫn cách tự lấy mẫu. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).
Người dân được hướng dẫn cách tự lấy mẫu. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC).

Ngoài ra, khó đảm bảo việc giữ khoảng cách giữa những người được lấy mẫu. Hậu quả là dẫn đến “lây nhiễm chéo” giữa những người đến xét nghiệm và thậm chí cả nhân viên lấy mẫu.

Lấy mẫu theo khu vực

TP Hồ Chí Minh bắt đầu xét nghiệm từ ngày 23/8 với mục tiêu hoàn tất công tác xét nghiệm cho toàn bộ người dân vào ngày 25/8. Sau đó, thành phố sẽ lặp lại xét nghiệm lần 2.

Tại các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ), toàn bộ người dân trong vùng sẽ được xét nghiệm nhanh kháng nguyên mẫu đơn.

Các tổ dân phố, tổ nhân dân có mức nguy cơ thuộc vùng xanh, vùng cận xanh và vùng vàng, thực hiện như kế hoạch cũ. Theo đó, vùng xanh và vùng cận xanh xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 10 đại diện hộ gia đình, tần suất 2 lần cách nhau 7 ngày.

Đối với vùng vàng, thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp 5 đại diện hộ gia đình. Từ đó, từng bước tiến đến xét nghiệm đại diện toàn bộ người dân để chuyển từ vùng vàng thành vùng xanh.

Trước đó, vào đầu tháng 7, TP Hồ Chí Minh cũng triển khai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng toàn thành phố.

Tỷ lệ “âm tính giả” cao

Chia sẻ về phương pháp này, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ), cho biết, để có kết quả “mong đợi” cho chiến dịch toàn thành phố (khoảng gần 9 triệu dân), công tác xét nghiệm phải đạt hai mục tiêu là “chính xác” và “nhanh”.

Theo chuyên gia này, virus SARS-CoV-2 lây nhiễm lên người và gây bệnh Covid-19 là một “tiến trình”. Trong đó, có sự “thay đổi liên tục” về số lượng virus, vị trí phân bố của virus và sự thay đổi của kháng thể trong cơ thể người bệnh.

Do vậy, xét nghiệm có độ nhạy và đặc hiệu cao như RT-PCR vẫn có những thời điểm cho kết quả “âm tính giả” cao. Tình trạng này có xu hướng dễ xảy ra trong những ngày đầu mới nhiễm virus. Tỷ lệ âm tính giả có thể là gần 100% trong thời gian sớm sau khi nhiễm virus (ngày 1 hoặc 2).

Trong khi đó, với phương pháp xét nghiệm nhanh bằng kháng nguyên, chuyên gia cho rằng: “Các kháng nguyên trong xét nghiệm này chính là các protein của virus được tạo ra trong quá trình sống của chúng. Do vậy, các protein này chỉ được bắt đầu tạo ra nhiều đủ để đạt độ nhạy của xét nghiệm khi virus xâm nhập vào tế bào và bắt đầu sinh sản, nhân lên”.

Do đó, TS Vũ cho biết, thời gian tốt nhất để xét nghiệm kháng nguyên ở người nhiễm virus là 1 - 2 ngày trước khi có triệu chứng và trong 1 tuần sau khi triệu chứng xuất hiện.

Ngoài ra, bản chất của xét nghiệm này dựa trên sự nhận biết protein và sự thay đổi màu sắc được thấy bằng mắt thường. Do đó, độ nhạy thấp hơn xét nghiệm RT-PCR. Từ đó, dẫn đến khả năng cho kết quả “âm tính giả” cao hơn.

Chuyên gia này liệt kê, tỷ lệ âm tính giả sẽ cao hơn khi kết hợp với những sai số kỹ thuật do con người hoặc máy móc. Trong đó, bao gồm người lấy mẫu thiếu chuyên nghiệp có thể không chạm được vào nơi cần lấy mẫu.

Hoặc do bảo quản mẫu không đạt tiêu chuẩn, hay thao tác của nhân viên xử lý mẫu thiếu chuyên nghiệp không thu được mRNA của virus. Ngoài ra, các sai số do máy móc cũng có thể mang lại kết quả âm tính giả.

Nguy cơ lây nhiễm chéo

“Mặt khác, dựa vào tình hình thực tế ở Việt Nam, chúng ta đang thiếu nhân viên y tế trầm trọng. Để việc lấy mẫu trên diện rộng hàng triệu người trong thời gian ngắn, áp lực cho những nhân viên y tế còn lại sẽ là quá lớn.

Thậm chí, phải sử dụng những người không có chuyên môn. Tất cả những việc này sẽ càng làm sai số tăng cao hơn nữa”, TS Nguyễn Hồng Vũ cảnh báo.

Lý giải về điều này, chuyên gia cho biết, việc thiếu nhân lực, áp lực thời gian và áp lực chỉ tiêu đặt ra có thể dẫn đến việc lấy mẫu vội. Từ đó, không đảm bảo được kỹ thuật. Ngoài ra, khó đảm bảo việc giữ khoảng cách giữa những người được lấy mẫu.

Đồng thời, khó thực hiện tốt các công tác vô trùng giữa những lần lấy mẫu. Hậu quả là dẫn đến “lây nhiễm chéo” giữa những người đến xét nghiệm và thậm chí cả nhân viên lấy mẫu.

“Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay, TP Hồ Chí Minh nên tập trung vào việc xét nghiệm những người có nguy cơ cao bị nhiễm, những người trực tiếp tiếp xúc F0, những nhân viên y tế tuyến đầu, những người làm công việc tiếp xúc với nhiều người.

Từ đó, nâng cao chất lượng xét nghiệm, giảm sai số, giảm rủi ro lây nhiễm chéo, giảm sức ép cho nhân viên y tế và giảm chi phí tốn kém. Sử dụng những chi phí đó vào việc có ích hơn như mua vắc-xin tốt, điều trị F0, hỗ trợ kinh tế cho người dân…”, TS Vũ cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ