Bệnh phổ biến ở người nói nhiều
Chị P.T.B (1994, trú tại thành phố Vinh) - giáo viên mầm non, cho biết, nhiều năm qua, chị luôn trong tình trạng bị khàn tiếng, có lúc khó nói, hụt hơi thậm chí mất tiếng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống.
Là giáo viên mầm non, chị thường xuyên phải nói trong quá trình giảng dạy, tập cho học sinh múa hát, nhắc nhở các bé vào giờ học, giờ ngủ… Tuy nhiên, giọng nói bị khàn đục, tiếng hát của chị cũng dần mất đi sự trong trẻo vốn có.
Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh, qua thăm khám và dựa vào kết quả nội soi, bác sĩ kết luận 1/3 giữa dây thanh bên trái của người bệnh có khối polyp, kích thước 3x4 mm.
Polyp dây thanh là khối u lành tính ở dây thanh, kích thước của polyp to hoặc nhỏ, có cuống hoặc không có cuống, có thể bị xuất huyết bên trong. BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, ảnh hưởng của polyp dây thanh khiến giọng nói của người bệnh bị khàn tiếng liên tục, kéo dài.
Polyp dây thanh không trở thành u ác tính (ung thư). Tuy nhiên, để có thể khẳng định, bác sĩ cần sinh thiết khối u gửi giải phẫu bệnh để xác định chắc chắn không phải tổn thương ác tính.
“Bệnh polyp dây thanh thường là do tổn thương phù nề niêm mạc dây thanh kéo dài, dẫn đến thoái hóa niêm mạc tạo polyp dây thanh với nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các nguyên nhân như viêm nhiễm vùng họng thanh quản, nói nhiều, nói to kéo dài, lạm dụng giọng nói hoặc do nghề nghiệp như làm nghề giảng dạy, phát thanh viên, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh...”, bác sĩ Hằng giải thích.
Bên cạnh đó, những người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng vùng họng và dây thanh bị phù nề. Từ đó, bị viêm dây thanh kéo dài, tổn thương nặng dẫn đến hình thành polyp dây thanh.
Một yếu tố khác là do có sự kích thích cơ học bởi tác động làm dây thanh căng quá mức. Từ đó, dẫn đến các mạch máu nhỏ trên dây thanh bị vỡ gây tụ máu. Hậu quả là polyp xuất huyết dây thanh xuất hiện.
Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến polyp dây thanh là sự thay đổi nội tiết tố. Theo bác sĩ Hằng, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt thường có sự thay đổi về nội tiết tố, dây thanh xuất hiện xuất huyết nhẹ. Việc nói nhiều, nói to, la hét, hát liên tục sẽ làm dây thanh bị tổn thương và dễ phát sinh polyp dây thanh.
Triệu chứng nhận biết
“Rối loạn giọng là triệu chứng xuất hiện đầu tiên cảnh báo có polyp thanh quản. Nguyên nhân do hai dây thanh âm không khép kín được. Dây thanh rung động không đều, dẫn đến hiện tượng khàn tiếng khi người bệnh nói, giọng hát bị thay đổi.
Mức độ rối loạn giọng phụ thuộc vào kích thước của polyp. Polyp càng to thì càng làm cho khoảng hở thanh môn khi phát âm rộng hơn. Do đó, khi nói giọng khàn càng nhiều”, chuyên gia giải thích. Việc khàn tiếng khiến người bệnh càng nói càng mất hơi nhiều.
Do đó, người bị polyp dây thanh thường mệt, hụt hơi và không nói được lâu. Ban đầu, tình trạng khàn tiếng xảy ra từng đợt. Song, dần dần, khàn tiếng xảy ra liên tục. Mức độ nặng nhẹ của khàn tiếng tùy thuộc polyp dây thanh to hay nhỏ, mức độ ảnh hưởng sóng niêm mạc và rung động dây thanh.
“Với loại polyp có chân, khi nói, polyp có thể di động lúc thanh môn đóng mở. Do đó, người bệnh có cảm giác vướng vùng cổ họng như có sợi tóc hay dị vật cản trở nên hắng giọng nhiều.
Điều đó càng làm polyp phù nề và giọng càng khàn đặc”, bác sĩ Hằng cảnh báo. Theo chuyên gia này, để chẩn đoán polyp dây thanh, các bác sĩ sẽ nội soi thanh quản sử dụng ống mềm qua đường mũi hoặc ống cứng qua đường miệng.
Trong đó, nội soi thanh quản thường quy là sử dụng hệ thống nội soi tai mũi họng cùng ống nội soi thanh quản để quan sát tổn thương dây thanh. Nội soi hoạt nghiệm thanh quản sẽ sử dụng nguồn sáng sợi quang học quay lại hình ảnh di chuyển chậm của hoạt động dây thanh.
Kỹ thuật này giúp khảo sát được hình thể và chức năng dây thanh, các tổn thương dây thanh gây ảnh hưởng chức năng phát âm... Theo bác sĩ Hằng, không phải tất cả polyp dây thanh đều phải can thiệp điều trị bằng phẫu thuật. Tùy theo mức độ, giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất.
“Polyp dây thanh có thể phát hiện sớm khi người bệnh thăm khám tai mũi họng được nội soi thanh quản. Sau một thời gian xuất hiện, polyp sẽ tăng kích thước, tác động đến giọng nói, gây khàn tiếng nhẹ.
Lúc này, nếu người bệnh đi khám sẽ được bác sĩ tư vấn điều trị nội khoa trước khi phẫu thuật”, bác sĩ Hằng chia sẻ. Khi đó, người bệnh được khuyến cáo hạn chế nói nhiều, nói to. Đồng thời, điều trị bằng thuốc kháng sinh, chống viêm và tiếp tục theo dõi tái khám tại bệnh viện có chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Để hạn chế nhiễm trùng, nhanh chóng hồi phục sau khi phẫu thuật, người cắt polyp dây thanh được khuyến cáo hạn chế nói chuyện ít nhất trong 3 - 5 ngày đầu.
Đồng thời, không la hét, ca hát, tằng hắng, ho khạc. Nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh các thức ăn dị ứng. Kiêng thức uống có cồn và thuốc lá. Lưu ý, uống thuốc theo toa, tái khám đúng lịch hẹn.
Để phòng ngừa nguy cơ mắc polyp dây thanh quản, bác sĩ Thuý Hằng khuyến cáo, mọi người cần tránh sử dụng gắng sức dây thanh. Trong đó, bao gồm hạn chế nói nhiều, nói to, la hét, hát liên tục. Lưu ý, giảm hút thuốc, caffeine, uống rượu bia. Đồng thời, bổ sung đầy đủ nước, uống 2 lít nước mỗi ngày.
Tránh trào ngược dạ dày thực quản bằng cách ăn đúng bữa, tránh ăn khuya, uống thuốc dạ dày. Những người phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, ô nhiễm nên sử dụng khẩu trang phòng hộ và vệ sinh mũi họng thường xuyên.