Nguy cơ nhiễm kim loại nặng từ cần sa

GD&TĐ - Nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Trường Đại học bang Pennsylvania dẫn đầu đã vạch ra một số chiến lược, nhằm giảm khả năng hấp thụ kim loại nặng từ cây cần sa.

Cần sa có khả năng hấp thụ lượng lớn kim loại nặng.
Cần sa có khả năng hấp thụ lượng lớn kim loại nặng.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc tiêu thụ cần sa bị nhiễm kim loại nặng có thể dẫn đến các bệnh mãn tính, bao gồm cả rối loạn thần kinh như Alzheimer.

Xử lý ô nhiễm là một quá trình mà thực vật được dùng để loại bỏ một số chất gây ô nhiễm môi trường khỏi đất. Cần sa là một loại cây thường được sử dụng trong quá trình này. Bởi, nó có đặc tính là phát triển nhanh, cần ít chất dinh dưỡng bổ sung. Trong khi đó, cần sa có khả năng hấp thụ một lượng lớn kim loại nặng bao gồm chì, cadmium và crom.

Đặc biệt, cây cần sa vận chuyển các kim loại nặng này vào lá và hoa của nó. Những kim loại nặng sẽ tập trung trong các cấu trúc giống như lông của cây, được gọi là “trichome”. Đây là những bộ phận của cây chứa các chất cannabinoid như THC và CBD.

Các nhà khoa học đã phân tích tổng hợp và xem xét 25 nghiên cứu đã được công bố trước đây. Qua đó, họ mở một cuộc điều tra quy mô lớn về ô nhiễm kim loại nặng trong cây cần sa. Đồng thời, thảo luận về những tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe của việc tiêu thụ kim loại nặng trong cần sa. Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các chiến lược để giúp giảm thiểu những nguy cơ tiềm ẩn này.

Ông Louis Bengyella - tác giả nghiên cứu mới - cho biết: “Thật đáng lo ngại khi các sản phẩm cần sa đang được sử dụng bởi người tiêu dùng, đặc biệt là bệnh nhân ung thư. Chúng có thể gây tổn hại không đáng có đối với cơ thể”.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, những kim loại nặng này hiếm khi được chuyển hóa bởi cơ thể con người. Thay vào đó, một khi được tiêu thụ, chúng có thể tích tụ ở các bộ phận khác nhau của cơ thể. Từ đó, dẫn đến một số vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

Các nhà nghiên cứu đã đề xuất một số biện pháp, bao gồm: “Kiểm tra không khí và đất toàn diện khi bắt đầu trồng cần sa; Tránh sử dụng đất trước đây vào mục đích công nghiệp; Chính thức hóa chứng nhận “không chứa kim loại nặng” trên các sản phẩm cần sa để bán thương mại.

Các quy định hiện hành của Mỹ đối với việc trồng cần sa là khác nhau giữa các tiểu bang. Tuy nhiên, hầu hết khu vực đều có một số quy trình để kiểm tra mức độ ô nhiễm trong thực vật. Song, những quy định này vẫn còn “lỏng lẻo”.

Theo New Atlas

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ