Nguy cơ khi trẻ mắc biến chủng Omicron

GD&TĐ - Chủng Omicron tác động nhiều tới đường hô hấp trên. Dịch viêm, chất nhầy… dễ làm tắc, ngạt, ảnh hưởng tới đường thở chưa phát triển hoàn thiện ở trẻ.

Số ca mắc Covid-19 ở trẻ có xu hướng tăng.
Số ca mắc Covid-19 ở trẻ có xu hướng tăng.

Tình trạng đó dẫn tới tăng khả năng phải nhập viện, đặc biệt ở nhóm nhỏ tuổi.

Tác hại chưa lường hết của Covid-19 với trẻ

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp, tỷ lệ mắc ở trẻ em đang có xu hướng ngày càng tăng. Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia dịch tễ tại Maryland (Mỹ) - nhận định: “Ngoài lý do mở cửa, nới lỏng và nhiều khả năng chủng Omicron đã thống trị ở khắp nơi, thì mở cửa trường học, đa số trẻ em chưa được tiêm vắc-xin là lý do quan trọng.

Như ở Mỹ, số ca nhiễm Covid ở trẻ em tăng cao trong vài tháng gần đây. 60% số nhiễm ở trẻ em Mỹ là từ tháng 9/2021, lúc Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại trường học toàn quốc. Cùng với đó là số ca nhập viện tăng cao”.

Chuyên gia này dẫn chứng, ở giai đoạn đỉnh điểm khi Omicron xuất hiện, tỷ lệ nhập viện của trẻ em Mỹ chiếm ưu thế cao gấp 4 lần trong giai đoạn Delta. Trẻ dưới 5 tuổi (nhóm chưa được tiêm vắc-xin ở Mỹ) phải nhập viện chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong khi đó, tỷ lệ nhập viện ở thiếu niên 12 - 17 tuổi trong nhóm chưa tiêm vắc-xin cao gấp 6 - 7 lần nhóm đã chủng ngừa.

“Từ trước tới giờ, quan niệm của mọi người vẫn là Covid nhẹ ở trẻ em. Tuy nhiên, khi Covid lan rộng ở trẻ em do mở cửa trường hay do Omicron, dù tỷ lệ nhập viện thấp, con số tuyệt đối cũng không hề nhỏ”, TS Trung cho biết.

Ông nhận định, chủng Omicron tác động nhiều tới đường hô hấp trên. Dịch viêm, chất nhầy… dễ làm tắc, ngạt, ảnh hưởng tới đường thở vốn nhỏ hơn và chưa phát triển hoàn thiện ở trẻ em. Tình trạng đó dẫn tới tăng khả năng phải nhập viện, đặc biệt với nhóm nhỏ tuổi.

“Omicron có nhóm BA.2 (dưới chủng) đang lan mạnh ở Mỹ, dễ lây hơn, tránh miễn dịch (cả do vắc-xin và tự nhiên) tốt hơn. Có vẻ BA.2 có độc lực cao hơn BA.1. Việt Nam cần chuẩn bị đối đầu với BA.2 của Omicron trong tương lai gần, đặc biệt nguy hiểm cho trẻ em chưa được tiêm vắc-xin”, chuyên gia này cảnh báo.

Theo TS Trung, những lý do này chứng tỏ, chúng ta chưa thể lường được tác hại của Covid đối với trẻ em, cả ngắn và dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh các chủng mới xuất hiện. Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, cách tốt nhất vẫn là đảm bảo giữ vệ sinh, khoảng cách, hạn chế tiếp xúc và tiêm chủng cho trẻ em.

Lý do trẻ nên tiêm vắc-xin Covid-19

Ngày 1/3, Bộ Y tế có văn bản phê duyệt vắc-xin Pfizer dùng để tiêm cho trẻ em. Theo quyết định này, người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vắc-xin mRNA Covid-19.
Trong khi đó, vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg. Về dạng bào chế, vắc-xin cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm. Vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

TS Trung nêu, hai hậu quả nghiêm trọng của Covid ở trẻ em là hội chứng viêm đa hệ thống (MISC) và Covid kéo dài. Trong khi đó, vắc-xin giúp giảm nhiễm Covid và giảm khả năng mắc bệnh nặng. Về nguyên tắc, vắc-xin cũng sẽ giúp giảm khả năng trẻ gặp hai hậu quả này.

“Những kiến thức về vắc-xin, miễn dịch… và kinh nghiệm của tất cả các vắc-xin khác tới nay cho thấy, các nguy cơ dài hạn là không có. Tất cả các biến chứng nếu có đều xảy ra dưới 2 tháng sau tiêm và chúng ta đã qua thời điểm này từ lâu. Khi Covid lan tỏa mạnh ở trẻ em thì nhiều khả năng, biến chứng do Covid là thường gặp hơn tác dụng phụ từ vắc-xin”, TS Trung cho biết.

Bên cạnh đó, chuyên gia này nhấn mạnh, tiêm vắc-xin cũng giúp giảm các tác hại gián tiếp của dịch Covid với trẻ em. Ví dụ, vắc-xin giúp giảm các biện pháp phong tỏa, khả năng phải đóng cửa trường… Trong khi đó, những biện pháp này có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt, học tập, sự phát triển của trẻ em.

“Về khía cạnh cộng đồng, tiêm vắc-xin trên nhóm 5 - 11 cũng giúp giảm lây nhiễm nói chung. Qua đó, làm giảm khả năng tạo biến thể mới có thể nguy hiểm với trẻ em, chưa kể tác dụng bảo vệ người già và người có bệnh nền. Những gia đình có trẻ em sống cùng người già/bệnh nền thì rất nên tiêm cho trẻ để tạo bong bóng bảo vệ họ”, chuyên gia khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ