Nguy cơ hít sặc do bất cẩn trong ăn uống

GD&TĐ - Hít sặc thường xảy ra do sơ suất, bất cẩn trong ăn uống. Tai nạn này gây tình trạng viêm phổi hít nặng, nguy kịch, thậm chí tử vong.

Bệnh nhân 90 tuổi đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM). Ảnh: BVCC
Bệnh nhân 90 tuổi đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM). Ảnh: BVCC

Hít sặc thường xảy ra do sơ suất, bất cẩn trong ăn uống. Tai nạn này gây tình trạng viêm phổi hít nặng, nguy kịch, thậm chí tử vong. Người già thường có tỷ lệ hít sặc cao hơn.

Liên tiếp 2 ca tử vong trước nhập viện

Hiện tượng người già bị hít sặc còn gọi là viêm phổi do rối loạn nuốt. Khi ăn uống không tập trung, vừa ăn vừa nói chuyện, các dị vật như: Nước bọt, đờm, thức ăn, dịch vị trào ngược vào đường hô hấp, tác động gây phản ứng viêm nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn vào phổi.

Nằm một chỗ do di chứng tai biến, trong quá trình ăn, bệnh nhân N.V.N (90 tuổi, ngụ Vĩnh Long) có biểu hiện hít sặc, sốt, ho, khó thở, tím tái, được gia đình đưa đến Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cấp cứu.

BS.CKI Trịnh Hải Hoàng - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thống Nhất cho biết, bệnh nhân N. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, phải hỗ trợ thở máy. Các bác sĩ tiến hành nội soi súc rửa phế quản, ghi nhận có nhiều thức ăn bên trong. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân N. tỉnh táo hơn, tim mạch tạm ổn, còn thở máy.

ThS.BS Nguyễn Thụy Trang - Phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thống Nhất cho hay, tuần qua có 2 ca tử vong do hít sặc nặng trước khi nhập viện. Trong đó có trường hợp ngưng tim hoặc phải điều trị ICU.

Theo thống kê, thời gian gần đây, số người hít sặc đường thở tăng, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 1 - 2 ca. Trong đó, các trường hợp hít sặc thức ăn, nước uống hầu hết đều là người lớn tuổi, có bệnh nền suy giảm khả năng ho, rối loạn chức năng nuốt gây hít sặc.

Liên quan đến vấn đề rối loạn nuốt, BS Trang cho biết thêm, đây là một trong những rối loạn khá phổ biến ở người lớn tuổi, đặc biệt là những người có vấn đề về sa sút trí tuệ, những người có sức khỏe suy giảm do bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, các loại bệnh ung thư…).

“Rối loạn nuốt cũng có thể là di chứng của đột quỵ não, u não, bệnh Parkinson, lạm dụng thuốc an thần, thuốc ngủ. Người được chăm sóc, sinh hoạt trên giường, đặt ống thông dạ dày cũng là một trong những yếu tố gây tăng tỷ lệ hít sặc”, BS Trang nói.

Người trẻ cũng hít sặc do nghiện rượu bia

Có đến 52% bệnh nhân bị rối loạn nuốt sau đột quỵ não cấp. Sau đột quỵ não một tuần, rối loạn nuốt xảy ra ở 25 - 30% bệnh nhân. Sau đột quỵ não 6 tháng, rối loạn nuốt xảy ra ở 11 - 50% bệnh nhân. 30% bệnh nhân hít sặc sẽ dẫn đến viêm phổi. Viêm phổi do hít sặc làm tử vong 3 - 6% bệnh nhân trong năm đầu tiên. Các tai biến khác của rối loạn nuốt là gây sụt cân, mất nước, suy dinh dưỡng, thay đổi thói quen ăn uống, gây trầm cảm và giảm khả năng hòa nhập xã hội.

Thực tế, người trung niên, người trẻ thường xuyên sử dụng rượu bia gây rối loạn khả năng nuốt. Những người này lúc không tỉnh táo, khó kiểm soát cơ thể sẽ dễ hít sặc nước, thức ăn.

Người lạm dụng rượu bia cũng có nguy cơ sặc nước bọt cao do việc tiêu thụ quá nhiều chất cồn có thể làm giảm phản xạ cơ. Việc không kiểm soát được mức độ bia rượu có thể gây nên ứ đọng nước bọt ở phía sau họng thay vì trôi xuống dưới. Tuy nhiên, nhóm người dễ hít sặc nhất vẫn là người già và trẻ nhỏ.

Đối với người già, nhất là những người có bệnh nền, di chứng của bệnh tật, để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra, khi chăm sóc phải chú ý lúc ăn uống. Người già phải ngồi thẳng 90 độ, có tựa lưng.

Trường hợp không ngồi được, có thể nằm nhưng độ dốc ít nhất 60 độ, cằm hơi cúi xuống. Người chăm sóc cho ăn lượng thức ăn nhỏ, quan sát để điều chỉnh tốc độ ăn, cho ăn luân phiên giữa thức ăn lỏng và thức ăn đặc; không nên cho ăn quá nhiều cùng một lúc, chia nhỏ phần ăn và ăn nhiều lần trong ngày.

Đối với trẻ nhỏ, BS.CKII Nguyễn Trần Nam - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cho rằng, đặc điểm phát triển của trẻ nhỏ là nhai chưa kỹ và nuốt dễ dàng. Do đó, thức ăn dễ bị mắc kẹt trong đường thở. Những loại như hạt, đậu phộng, nho, xúc xích… dễ làm bé hít sặc. Lý do, đây là thực phẩm dạng cứng, tròn, nhỏ, dễ bị trôi về phía sau họng khi có nước bọt.

Đặc biệt, với trẻ nhỏ vừa ăn vừa chơi, chạy nhảy, nói chuyện, nguy cơ hít sặc sẽ tăng. “Chăm sóc trẻ nhỏ cần chú ý và hướng dẫn trẻ cẩn thận. Đó là ăn uống đúng cách, phải nhai kỹ mới nuốt, nuốt thức ăn trước khi nói chuyện hoặc cười đùa.

Phụ huynh cần chọn lựa thực phẩm phù hợp với lứa tuổi, cắt nhỏ thức ăn, nấu chín mềm. Đặc biệt, giám sát trẻ khi ăn. Người lớn tuyệt đối không để trẻ vừa ăn vừa chạy nhảy và phải theo dõi quá trình ăn uống và biểu hiện của trẻ để có hướng xử lý sớm, kịp thời”, BS Nam lưu ý.

ThS.BS Nguyễn Thụy Trang cho rằng, khi một bệnh nhân hít sặc, việc xử trí nhanh chóng, đúng cách là vô cùng quan trọng để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm. Đầu tiên, cần đánh giá tình trạng sặc để xác định mức độ nghiêm trọng.

Trường hợp bệnh nhân không có dấu hiệu suy hô hấp nghiêm trọng, hãy yêu cầu bệnh nhân không nói, tránh làm tắc nghẽn đường hô hấp nhiều hơn. Tiếp theo, dùng dụng cụ hoặc tay khều các dị vật nhìn thấy ra; không dùng dụng cụ hoặc đưa tay sâu vào đường thở của bệnh nhân để tìm kiếm dị vật. Điều này có thể vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn trong đường thở.

“Nếu bệnh nhân tỉnh táo, có khả năng ho thì cần hướng dẫn và khuyến khích bệnh nhân ho mạnh bằng bụng để cố gắng tự đẩy chất lỏng, thức ăn hoặc dị vật ra khỏi đường hô hấp. Nếu bệnh nhân khó thở nghiêm trọng, không tỉnh táo, tím tái, có dấu hiệu suy hô hấp, mất ý thức, cần gọi người hỗ trợ, tiến hành cấp cứu và đưa đến cơ sở y tế gần nhất”, BS Trang nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ