(GD&TĐ) - Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đại dịch kép sẽ xảy ra bởi “thù trong” là virus H5N1 đang diễn biến phức tạp, còn “giặc ngoài” là H7N9 đang chờ cơ hội để xâm nhập. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.
Tiêm vacxin ngừa cúm là biện pháp bảo vệ đàn gia cầm, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Ảnh: H. Thu |
Cúm A/H5N1 có khả năng lan rộng
BS Nguyễn Ngọc Ẩn, GĐ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp cho biết: Tỉnh vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do cúm A/H5N1 là một cháu bé. Điều tra dịch tễ cho thấy cháu bé và các thành viên trong gia đình có tiền sử sử dụng gia cầm bệnh. Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN& PTNT) Phạm Văn Đông chia sẻ: Tỷ lệ đàn gia cầm, thủy cầm nhiễm virus cúm A ở nước ta rất cao với gần 97% tỉnh, thành phố có virus cúm A, 76% địa phương có virus cúm H5 và 67% tỉnh, thành phố có virus cúm A/H5N1. “Các xét nghiệm đã phát hiện 2 mẫu vịt tại An Giang và Đồng Tháp dương tính với virus cúm H7. Tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn chưa có mẫu virus cúm H7 nào của Việt Nam giống với virus H7N9 đang gây bệnh tại Trung Quốc”, ông Đông cho biết.
Bên cạnh nỗi lo về khả năng bùng phát của dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm, thủy cầm, theo ông Đông, Cục Thú y cũng vừa phát hiện virus trên gây bệnh ở đàn chim yến (Ninh Thuận) và chim trĩ (Tiền Giang). Kết quả xét nghiệm cho thấy chim yến của 17/54 hộ ở Ninh Thuận dương tính với virus cúm A/H5N1. Bộ trưởng Bộ NN PTNT Cao Đức Phát lo ngại, việc phát hiện chim yến, trĩ khiến cho việc xử lý ổ dịch và ngăn chặn nguy cơ phát tán cúm gia cầm càng khó khăn hơn.
Phòng chống dịch bệnh: Không để trên nóng dưới lạnh
Trong khi cúm A/H5N1 diễn biến đang diễn biến phức tạp thì tại các tỉnh có đường biên với Trung Quốc, tình trạng buôn lậu gia cầm, sản phẩm từ gia cầm vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Lào Cai, Lạng Sơn là hai trong những tỉnh “nóng” về tình trạng buôn bán gia cầm lậu. Phó Chủ tịch UBND Lào Cai, Hà Thị Nga cho biết: Với gần 200 km đường biên, 1 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia cùng nhiều lối mở dọc biên giới nên lưu lượng khách du lịch có hoạt động xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế rất lớn (khoảng 10 ngàn người/ ngày). Tuy nhiên, với địa hình núi liền núi, sông liền sông cộng với 26/164 xã dọc biên giới nên sự kết giao của người dân hai nước sống tại khu vực biên giới rất thân thiết, việc di cư qua lại của gia cầm, động vật, đặc biệt là chim di cư vô cùng thuận lợi. Mặc dù đã phân công cán bộ trực 24/24h, tăng cường kiểm tra tại đầu mối giao thông, chợ giáp biên… nhưng vừa qua, đơn vị chức năng cũng đã phát hiện, tiêu hủy 320 kg thịt gà và trên 2.000 quả trứng nhập lậu từ Trung Quốc. “So với năm 2012, việc buôn lậu gia cầm, sản phẩm từ gia cầm qua biên giới ở Lào Cai có giảm nhưng chưa chấm dứt. Theo đại diện tỉnh này, trong 3 tháng qua, cơ quan chức năng đã xử lý 247 vụ kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, tiêu hủy 52 ngàn kg gà thịt và trên 2.000 con chim bồ câu. Tuy nhiên, việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu cũng chỉ như “muối bỏ bể” bởi các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, thậm chí dùng cả xe du lịch, xe hạng sang để vận chuyển gia cầm qua biên giới vào ban đêm…
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: Phải giải quyết được vấn đề từ gốc là bệnh dịch trên gia cầm, thủy cầm. “Muốn làm được điều này thì cơ sở, địa phương phải là chính, phải đi đầu. Nhất quyết không để tình trạng trên “nóng” dưới “lạnh” khiến dịch bệnh trên gia cầm bùng phát và lây lan nhanh dẫn đến số mắc và tử vong trên người cũng tăng”.
Minh Ngọc