NGƯT Ngô Trần Ái: SGK phải được đưa đến tận tay từng em học sinh

NGƯT Ngô Trần Ái: SGK phải được đưa đến tận tay từng em học sinh

(GD&TĐ) - Vừa qua Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính đã có văn bản chấp thuận việc điều chỉnh giá bán SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGD VN) và Văn phòng Chính phủ cũng đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về việc điều chỉnh giá bán SGK. Mức giá bán SGK mới sẽ được áp dụng bắt đầu từ năm 2011. Nhân dịp này, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với NGƯT Ngô Trần Ái - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc NXBGD VN về tình hình cung ứng SGK cho năm học 2011 – 2012 cũng như các hoạt động chính sách xã hội của NXB hướng tới các đối tượng chính sách, đối tượng HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trước thềm mỗi năm học.

Phóng viên: Được biết vừa qua Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính đã có văn bản chấp thuận việc điều chỉnh giá bán SGK của NXBGD VN và Văn phòng Chính phủ cũng đã thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng về việc điều chỉnh này. Xin ông cho biết đâu là là căn cứ để NXBGD VN đề xuất đăng ký lại giá bán SGK năm 2011 theo hướng điều chỉnh tăng?

NGƯT Ngô Trần Ái: Theo quy định tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9/6/2008 của Chính phủ thì SGK do doanh nghiệp (ở đây là NXBGD VN - PV) quy định giá và thực hiện đăng ký giá với Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính).

Mức giá SGK hiện hành đã được NXBGD VN giữ ổn định từ năm học 2008 đến nay. Sau 3 năm thực hiện, có thể nói đến nay các yếu tố chi phí đầu vào biến động mạnh. Giá giấy đã tăng 30%, lãi vay vốn tăng từ 6% - 8%/ năm lên 18%/năm… chưa kể các chi phí dịch vụ khác. Các nhà in cùng đại diện là Hiệp hội in Việt Nam đã có ý kiến đề nghị tăng giá in vì đã thấp hơn chi phí khiến hợp đồng in SGK bị lỗ, gây khó khăn rất nhiều cho nhà in và thu nhập, đời sống của người lao động.

Nói một cách khác, giá SGK hiện hành không đủ bù đắp chi phí. NXB đã phải tận dụng các nguồn thu khác để bù đắp sự mất cân đối thu – chi của SGK. Có thể lấy dẫn chứng cụ thể: Doanh thu SGK năm 2010 của chúng tôi là 520 tỷ đồng, hạch toán ra lỗ SGK là 100 tỷ đồng, đơn vị phải cân đối từ các nguồn thu khác như tiền cho thuê nhà, cổ tức, quản lý xuất bản… Đây chỉ là các giải pháp tình thế và không thể kéo dài. Hiện nay chúng tôi đã không còn khả năng tiếp tục bù lỗ cho SGK. Để bảo toàn vốn nhà nước, duy trì khả năng tài chính, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xuất bản – phát hành SGK đầy đủ, đồng bộ phục vụ sự nghiệp giáo dục, NXBGD VN buộc phải điều chỉnh lại giá bán SGK năm 2011. Theo đúng quy định, chúng tôi đã thực hiện đăng ký lại giá sách với Cục Quản lý giá và được sự chấp thuận như anh đã biết.

 NGƯT Ngô Trần Ái: “Chủ trương của chúng tôi là không để em học sinh nào thiếu SGK, dù là một cuốn, khi tới trường”.
NGƯT Ngô Trần Ái: “Chủ trương của chúng tôi là không để em học sinh nào thiếu SGK, dù là một cuốn, khi tới trường”. Ảnh: gdtd.vn

Phóng viên: Có thể nói đây là đợt điều chỉnh giá bán SGK lần đầu tiên của NXB kể từ năm 2008, giữa lúc tình hình giá cả thị trường hàng hoá và dịch vụ liên tục tăng cao. Xin ông cho biết mức tăng bình quân sẽ được thực hiện tới đây? Mức điều chỉnh này được đưa ra trên cơ sở nào, thưa ông?

NGƯT Ngô Trần Ái: Tại hồ sơ đăng ký lại giá bán SGK chúng tôi gửi tới Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mức giá đề xuất và được thông qua là sẽ điều chỉnh tăng bình quân (theo số lượng in năm 2011) của 193 đầu sách là 16,9%. Mức tăng cụ thể mỗi bộ sách thấp nhất là 5.600đ/bộ (sách lớp 2), cao nhất là 20.700đ/bộ (sách lớp 12 chuẩn, tiếng Anh).

Đó là mức điều chỉnh tăng sẽ được áp dụng với SGK năm 2011. Những SGK từ năm 2010 trở về trước vẫn giữ nguyên giá cũ. Thực tế, nếu tính đủ chi phí đầu vào theo mặt bằng giá hiện nay, để bù đắp đủ cho các biến động chi phí, giá SGK sẽ phải cần điều chỉnh tăng 25 – 30%. Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương kiềm chế tăng giá ở mức độ nhất định, nhất là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về “Thực hiện các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội”, khi đề xuất điều chỉnh giá SGK năm 2011, NXBGD VN chỉ tính đến các yếu tố đầu vào làm tăng chi phí buộc phải điều chỉnh, từ đó chỉ đề xuất điều chỉnh 5 khoản chi phí theo biến động giá thị trường (giấy, công in, bao gói, hộp đựng, tem chống giả và chi phí lãi vay). Đối với 6 khoản chi phí còn lại (chế bản, nhuận bút, khấu hao tài sản cố định, lương, chi phí quản lý, bán hàng), chúng tôi chủ trương không điều chỉnh, mà giữ ổn định bằng năm 2008. Đây là các khoản đơn vị phải tiết kiệm chi phí, phải tiết giảm, hạn chế tăng và tìm các nguồn thu khác để bù đắp. Còn đối với 5 yếu tố chi phí theo biến động thị trường, chúng tôi tính toán các tác động làm tăng giá thành sản xuất  khoảng từ 7% đến 18% (tuỳ thuộc số trang sách, số màu in…).

Đó là căn cứ để chúng tôi đề xuất mức tăng bình quân giá SGK (theo sản lượng năm 2011) của 193 đầu sách tăng 16,9% so với giá hiện hành. Cục Quản lý giá (Bộ Tài Chính) cũng đã nhận định đây là mức tăng phù hợp, trên tương quan so sánh với biến động của một số yếu tố chi phí đầu vào như tôi đã nêu ra ở trên. Đó cũng là căn cứ để Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng khi đưa ra ý kiến về việc điều chỉnh giá bán SGK của NXBGD VN là đã thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Sách giáo khoa sẽ tăng bình quân 16,9% (theo số lượng in năm 2011)
Sách giáo khoa sẽ tăng bình quân 16,9% (theo số lượng in năm 2011). Ảnh: gdtd.vn

Phóng viên: Như vậy, có thể hiểu việc điều chỉnh tăng giá bán SGK trong thời điểm bùng phát giá cả và chi phí dịch vụ như hiện nay là không thể tránh khỏi và mức điều chỉnh tăng bình quân 16,9% là một cố gắng lớn của NXBGD VN trên cơ sở tự cân đối các khoản chi phí. Tuy nhiên, đã có một số ý kiến lo ngại về tác động xảy ra khi tăng giá sách mà rõ nhất là đông đảo con em các tầng lớp nhân dân, nhất là những người lao động có thu nhập thấp, phải gánh thêm khó khăn. Liệu phương án tăng giá bán SGK tới đây đã phải là phương án tối ưu, thưa ông?

NGƯT Ngô Trần Ái:
Như anh đã thấy, việc điều chỉnh tăng giá SGK là không thể tránh khỏi trong tình hình mọi chi phí tăng cao như hiện nay. Ở trên, tôi cũng đã đề cập đến, doanh thu bán SGK hàng năm khoảng 510 tỷ đồng, số lỗ theo tình hình chi phí, giá cả hiện nay dự kiến là 100 tỷ đồng. Nếu không điều chỉnh tăng, không những vốn Nhà nước không được bảo toàn mà NXBGD VN cũng sẽ không còn khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xuất bản – phát hành SGK đầy đủ, đồng bộ phục vụ sự nghiệp giáo dục. Thực ra, việc điều chỉnh giá bán SGK chỉ là 1 trong 2 phương án chúng tôi đã nghiên cứu và đề xuất lên Chính phủ, trước khi lựa chọn phương án điều chỉnh tăng với mức bình quân 16,9% mà Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính thông qua như anh đã biết. Cụ thể đối với phương án 1, chúng tôi đã tính đến việc đề nghị Nhà nước cấp ngân sách bù lỗ SGK. Phương án này có ưu điểm là ổn định giá bán SGK nhưng nhược điểm là không phù hợp với tình hình thị trường, không phù hợp với quy định quản lý giá hiện hành (theo Pháp lệnh Giá và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện), thêm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do đó, sau khi nghiên cứu kỹ, chúng tôi đã quyết định lựa chọn phương án điều chỉnh tăng và có lẽ đây là phương án tối ưu mà chúng ta có thể có, có thể thực hiện được.

Phóng viên: Vẫn biết việc điều chỉnh tăng giá SGK năm 2011 là bất khả kháng và mức tăng bình quân 16,9% là mức tăng thấp nhất trên cơ sở cân đối các yếu tố chi phí của NXB. Tuy nhiên như câu hỏi ở trên chúng tôi có đề cập, liệu việc tăng giá này có làm ảnh hưởng tới con em các gia đình khó khăn, gia đình chính sách khi phải tăng thêm chi phí cho SGK giữa tình hình giá cả tăng cao như hiện nay?

NGƯT Ngô Trần Ái: Đây là điều không phải bây giờ chúng tôi mới tính đến khi quyết định đề xuất điều chỉnh tăng giá sách. Thực tế trong nhiều năm qua và nhất là trong năm nay, NXBGD VN song hành với việc xuất bản – phát hành SGK vẫn luôn duy trì các hoạt động chính sách xã hội, hướng về con em các gia đình chính sách và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, trước thềm mỗi năm học, chúng tôi luôn triển khai xuống các địa phương tổ chức cấp phát miễn phí SGK cho mỗi HS là con thương binh, liệt sĩ. Các bộ sách này được trao tận tay các em, không thông qua một kênh gián tiếp nào. Đối với HS khuyết tật được mượn SGK để học tập; HS gia đình nghèo, HS vượt khó học giỏi được giảm giá SGK từ 10 đến 12%/bộ/em.

Bên cạnh đó, hàng năm NXBGD VN đều tổ chức vận động quyên góp SGK cũ còn tốt để tặng cho HS vùng khó; tổ chức mua lại SGK cũ để bán lại cho HS có nhu cầu với giá gần ngang giá mua (thường dưới 30% so với giá bìa khi mua vào và cộng thêm 5% chi phí vận chuyển khi bán ra). Đặc biệt, từ lâu NXBGD VN đã xây dựng và thường xuyên củng cố hệ thống tủ SGK dùng chung trong thư viện các trường học để HS mượn hoặc thuê SGK, góp phần tiết kiệm cho xã hội và chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng chi phí cho gia đình các em HS. Chủ trương của chúng tôi là không để em học sinh nào thiếu SGK, dù là một cuốn, khi tới trường, và HS phải được phát, được mua SGK một cách trực tiếp đến tận các trường học với một giá duy nhất trên bìa sách chung cho toàn quốc, chứ không thông qua bất cứ một “kênh” đại lý hay nhà phân phối bên ngoài nào.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Nhất Nguyên (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ