Phụ huynh nào cũng muốn con mình khỏe mạnh, cao lớn. Thế nên, không có gì khó hiểu khi ngày nay, vô số những loại thực phẩm bổ sung ra đời. Trong đó, vitamin D luôn là sự lựa chọn hàng đầu để tăng sức đề kháng cho trẻ.
Đa số các phụ huynh thường tự tìm hiểu và cho con sử dụng vitamin D. Song, trên hành trình tìm hiểu để cho trẻ bổ sung loại vitamin này, không ít người đã mắc sai lầm, bổ sung “bừa phứa” vitamin D cho trẻ, có thể đẩy trẻ đến tình trạng ngộ độc.
TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, lượng vitamin D cơ thể cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chủng tộc, tình trạng dinh dưỡng. Một số nghiên cứu cho thấy, những người Mỹ gốc Phi có lượng 25(OH)D thấp hơn người Mỹ da trắng.
Những người không phải là da trắng có nồng độ 25(OH)D thấp hơn so với những người cùng sắc tộc, nhưng ở vị trí địa lý khác. Những vitamin tan trong dầu như A, D và K luôn làm việc cùng nhau. Vitamin A và K có thể giúp chống lại các ảnh hưởng của việc thừa vitamin D.
“Dựa vào rất nhiều bằng chứng khoa học, chúng ta có thể xác định được liều lượng an toàn của 25(OH) là trong khoảng 35 - 60 ng/ml, và có đôi chút xê dịch giữa các quần thể dân số khác nhau”, chuyên gia cho biết. Để tối ưu hóa hấp thu vitamin D, TS Sơn khuyến cáo, người dân không bổ sung vitamin D một cách mù quáng.
Nếu nồng độ 25(OH) D của mọi người ở mức dưới 20 ng/ml, nên kết hợp giữa việc phơi nắng và dùng dầu gan cá tuyết, uống bổ sung vitamin D. Nồng độ này từ 25 - 30 ng/ml thì mọi người hãy kiểm tra PTH. Nếu PTH ở mức bình thường (<30pg/ml) thì việc bổ sung không cần thiết.
Từ 35 - 50 ng/ml, hãy tiếp tục với chế độ ăn và lối sống lành mạnh hiện tại. Khi nồng độ lớn hơn 50 ng/ml, mọi người nên giảm lượng vitamin D bổ sung về với mức đủ. Đồng thời, nạp thêm các chất béo tan trong dầu để tránh bị ngộ độc vitamin D. Việc kiểm tra nồng độ vitamin sau 3 - 4 tháng cũng cần thiết nếu muốn có mức vitamin D vừa đủ và ổn định.