Hiện các nguồn vắc-xin về Việt Nam rất chậm. Biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm hữu hiệu nhất vẫn là hạn chế tụ tập và cách ly.
Vắc-xin “song hành” cách ly
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang đối mặt với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta của SARS-CoV-2. Biến chủng này có khả năng lây lan nhanh và rộng. Do đó, một trong những ưu tiên phòng, chống Covid-19 của Việt Nam là sớm có vắc-xin phòng bệnh. Từ đó, thực hiện bao phủ tiêm chủng rộng hơn cho người dân.
Do đó, theo người đứng đầu ngành y tế, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan luôn nỗ lực tìm kiếm, đàm phán và trao đổi với các đối tác, nhà sản xuất, nhằm sớm đưa vắc-xin về Việt Nam. Đồng thời, tập trung phát triển trong nước để dần bảo đảm tự chủ vắc-xin. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia cơ chế cung ứng vắc-xin toàn cầu của COVAX.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực cố gắng tiếp cận các nguồn vắc-xin. Qua đó, bảo đảm từ nay đến cuối năm tiêm đủ 70% dân số nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Song, đến nay, các nguồn vắc-xin về Việt Nam rất chậm.
Về biện pháp cách ly trong dập dịch, Bộ trưởng Long cho rằng, đây là đặc trưng, cũng như bài học kinh nghiệm, chiến lược chống Covid-19 của Việt Nam.
“Một trong những bài học thành công của Việt Nam trong phòng, chống dịch là cách ly tập trung. Đối với đợt dịch này, chủng virus Delta có tính chất lây lan nhanh. Tất cả các thành viên trong gia đình (bao gồm cả người cao tuổi có bệnh mãn tính) có thể đều bị lây nhiễm nếu có nguồn lây trong gia đình. Do đó, chúng tôi chọn cách ly tập trung để ngăn chuỗi lây nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Hiệu quả khi đạt miễn dịch cộng đồng
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales (Australia) cho biết, mục đích chính của các vắc-xin hiện nay là phòng ngừa người mắc Covid-19 bị nặng, không phải ngăn ngừa lây nhiễm. Trong khi đó, chuyên gia này cho rằng, phương tiện ngăn ngừa lây nhiễm hữu hiệu nhất là hạn chế tụ tập.
“Hiệu quả là thước đo tác dụng của vắc-xin trong các nghiên cứu có kiểm soát. Tức là trong môi trường bệnh nhân được chọn lọc cẩn thận và theo dõi tốt. Còn hữu hiệu là thước đo về tác dụng của vắc-xin sau khi được triển khai trong cộng đồng - nơi nhà nghiên cứu không kiểm soát và cũng khó theo dõi các cá nhân dùng vắc-xin”, Giáo sư Tuấn giải thích.
Do đó, hiệu quả là trong thử nghiệm. Trong khi đó, hữu hiệu là trong triển khai. Theo chuyên gia này, hiện tại, những dữ liệu về sự hữu hiệu của vắc-xin trong cộng đồng đang thiếu. Bởi, chỉ một số ít quốc gia đã triển khai vắc-xin trong cộng đồng.
Trong khi đó, câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Nếu một người bị nhiễm và được tiêm vắc-xin, xác suất người đó tái nhiễm là bao nhiêu?
“Như có thể thấy qua các phân tích về sự hữu hiệu, vắc-xin không có tác dụng ngăn ngừa 100% các ca lây nhiễm. Độ hữu hiệu thấp hơn hiệu quả lúc thử nghiệm”, Giáo sư Tuấn nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, tiêm vắc-xin cũng không đồng nghĩa với việc không lây nhiễm. Kết quả này cho thấy, vắc-xin tuy rất quan trọng, nhưng không phải là “chìa khóa” chống virus SARS-CoV-2.
Do đó, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết, việc chống dịch hữu hiệu nhất cần dựa vào các phương cách y tế công cộng. Trong đó, bao gồm đóng cửa biên giới, giới hạn giao thông công cộng, phong tỏa toàn quốc, hạn chế tụ tập dưới 50 người... “Trong tất cả các phương pháp này, khoa học chỉ ra rằng, giới hạn tụ tập và hạn chế đi lại ở những vùng có ổ dịch là hữu hiệu nhất.
Giới hạn ở đây có nghĩa là trong một thời gian nhất định. Khi vắc-xin được triển khai cho khoảng 70% dân số, các biện pháp y tế công cộng sẽ giảm đến mức tối thiểu”, chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, các vắc-xin lưu hành trên thế giới vẫn có tác dụng với biến thể virus.
“Vắc-xin không thể bảo vệ chúng ta 100% khỏi bị nhiễm. Ở những quốc gia tiêm chủng trên 40% dân số, tôi thấy vắc-xin bắt đầu phát huy tác dụng có lợi. Tỷ lệ nhiễm virus giảm rất nhiều ở cả số ca nhập viện và tử vong. Những người đã tiêm đủ hai mũi khi mắc bệnh sẽ được bảo vệ để không bị nặng”, bác sĩ Phúc nhấn mạnh.
Ngược lại, bác sĩ Phúc dẫn chứng, những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, trong đó có Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, đang phải vật lộn với dịch bệnh. Tại những khu vực này, trong tương lai sẽ còn làn sóng tàn phá cả về sức khỏe và tính mạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế. Ngoài ra, “khủng hoảng kép” cũng có thể xảy ra.
“Việt Nam đang trong hoàn cảnh rất eo hẹp về vắc-xin, nguồn cung có hạn. Trong khi đó, vắc-xin nội địa vẫn đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Ở giai đoạn này, tôi cho rằng, việc tiêm chủng phải nhắm đến những nhóm ưu tiên với sự tính toán rất kỹ, cả về tính mạng lẫn bảo vệ hệ thống y tế, cũng như nền kinh tế không bị đổ vỡ”, bác sĩ Phúc nhận định.