Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp đã có đóng góp to lớn trong hiện đại hóa đất nước; ngân sách, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho lao động.
Xóa tư duy “không quản được thì cấm”
Hội nghị của Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới diễn ra vào ngày 10/2.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Doanh nghiệp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp khoảng 60% GDP, 98% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho khoảng 85% lao động cả nước.
“Trong năm 2025, phải bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm’, xây dựng pháp luật theo hướng ‘kiến tạo phát triển’; đề cao phương pháp ‘quản lý theo kết quả’, chuyển mạnh từ ‘tiền kiểm’ sang ‘hậu kiểm’ gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu và đưa ra nhóm giải pháp nhằm giải phóng nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy đột phá kinh tế năm 2025.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, xác định phát triển kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, xác định thể chế là “đột phá của đột phá”.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung sửa đổi, chính sách, tháo gỡ các điểm nghẽn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; đặc biệt, ưu tiên rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho các dự án…
Nghiên cứu mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại các địa phương và đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại…
Ngoài sự lãnh đạo, điều hành của Chính phủ, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực quản trị, tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế…
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mức tăng trưởng 2 con số thì khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm. Ông Dũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phát huy sứ mệnh trong phát triển kinh tế đất nước.
Huy động sức mạnh mọi nguồn lực
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, “bệ phóng” để phát triển kinh tế là khơi thông mọi nguồn lực. Lấy nguồn lực Nhà nước để khơi dậy, dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt, các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi, trung tâm dữ liệu quốc gia…
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Chính phủ có kế hoạch gặp gỡ các doanh nghiệp lần này là nhằm chia sẻ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp. Mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025, rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Thủ tướng chia sẻ, hiện nước ta đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân... Vì vậy, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn, mạnh.
Dẫn chứng, tại Dự án Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, Chính phủ đã giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, vừa qua đã đề nghị Tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và sắp tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao. Tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao. Tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn, Tập đoàn Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường…
Ngày 11/2, Chính phủ cũng đã làm việc với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, 11 ngân hàng TMCP tư nhân và Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.
“Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, với nhiều nhiệm vụ quan trọng: Tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ít nhất 8%, tạo đà, tạo thế, tạo lực để phấn đấu thời gian tới tăng trưởng 2 con số; tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy…”, Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc.
Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 năm 2025 của Chính phủ, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.
Giảm lãi suất cho vay; tập trung tín dụng cho các ngành nghề, chương trình ưu tiên; xử lý các ngân hàng yếu kém, kiểm soát nợ xấu. Đặc biệt, nghiên cứu chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, người thu nhập thấp có cơ hội mua nhà.
Bên cạnh đó, ngân hàng cần tích cực hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, các ngân hàng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để cùng phát triển, tháo gỡ các “điểm nghẽn”.
Theo Thủ tướng, chăm lo phát triển sản xuất, kinh doanh, sinh kế của người dân, doanh nghiệp vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ vừa là tình cảm, trái tim, lý trí của ngành ngân hàng. Các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần phát huy trách nhiệm xã hội, chia sẻ nhiều hơn doanh nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho đất nước.
Các chuyên gia kinh tế nhận định: Năm nay, ngân hàng cần chú trọng cho vay vào các dự án hạ tầng giao thông công cộng, các nhà ga, đô thị nhỏ và cho vay bất động sản để kích hoạt phát triển kinh tế.
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. Như vậy, sẽ có gần 2,5 triệu tỷ đồng được “bơm” vào nền kinh tế cả nước. Nếu tăng trưởng GDP lên đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%, tức ngân hàng sẽ phải “bơm” thêm cho nền kinh tế khoảng 2,8 - 3,1 triệu tỷ đồng.