Thu hút nguồn lực chất xám bên ngoài

GD&TĐ - Mới đây, Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu bổ nhiệm 100 giáo sư thỉnh giảng trong giai đoạn 2025 - 2030...

Ảnh minh họa INT.
Ảnh minh họa INT.

Đại học Quốc gia TPHCM cũng đặt mục tiêu riêng các năm 2025, 2026 mời và bổ nhiệm được 50 người.

Những cá nhân được mời tham gia chương trình là các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có thành tích nổi bật, hoài bão, khát vọng và mong muốn đóng góp, xây dựng, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cho đại học này nói riêng và cho đất nước nói chung. Đây được xem là sáng kiến có tầm nhìn chiến lược trong việc thu hút nguồn lực chất xám bên ngoài.

Nguồn lực chất xám bên ngoài có vai trò quan trọng đối với các cơ sở giáo dục đại học, không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động mà còn góp phần thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế.

Quan trọng vậy nên trong quy định về cơ cấu của tổ chức đứng đầu nhà trường - Hội đồng trường, Luật Giáo dục đại học cũng yêu cầu phải thu hút thành viên bên ngoài trường, với tỷ lệ tối thiểu 30%, gồm đại diện lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, doanh nhân, cựu học sinh…

Ở mỗi đơn vị, Luật Giáo dục còn cho phép thực hiện chế độ giảng viên thỉnh giảng để thu hút nhà giáo, doanh nhân, nhà khoa học trong nước, nhà khoa học là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đến giảng dạy tại cơ sở giáo dục.

Thời gian qua, thông qua cơ chế thành viên hội đồng trường, giảng viên thỉnh giảng…, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã tăng cường thu hút nguồn lực chất xám từ bên ngoài khá hiệu quả, nhờ vậy có điều kiện nâng chất đội ngũ, chất lượng đào tạo, thúc đẩy hội nhập.

Tuy vậy, thực tiễn thu hút chất xám bên ngoài hiện còn nhiều rào cản cần tháo gỡ. Chẳng hạn như với thành viên hội đồng trường bên ngoài nhà trường vẫn thiếu những quy định phù hợp về tiêu chí lựa chọn, cơ chế hoạt động, cách thức giám sát và đánh giá hiệu quả. Vì thế đã xảy ra tình trạng có thành viên từ bên ngoài “hữu danh vô thực”, hoặc chưa đủ uy tín để đại diện cho nhà trường, có thành viên còn vi phạm pháp luật.

Tình hình cũng tương tự với cơ chế thỉnh giảng. Đa số trường gặp khó khăn khi mời giảng viên thỉnh giảng từ doanh nghiệp, bởi bị vướng mắc bởi các quy định về bằng cấp và trình độ giảng viên đại học.

Theo quy định, giảng viên thỉnh giảng phải có bằng thạc sĩ khi giảng dạy trình độ đại học và bằng tiến sĩ khi giảng dạy ở bậc sau đại học. Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nhân có kinh nghiệm thực tiễn phong phú từ các doanh nghiệp, lại không đáp ứng được các yêu cầu về bằng cấp học thuật tương ứng. Do vậy, nhà trường khó tận dụng nguồn lực tri thức từ các doanh nghiệp để đưa vào giảng dạy, làm giảm tính thực tiễn của chương trình đào tạo.

Liên quan đến Chương trình Giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc gia TPHCM, cũng có một số ý kiến bày tỏ về việc cần hoàn thiện hành lang pháp lý bổ nhiệm giáo sư thỉnh giảng, cần triển khai thế nào để đừng mang tiếng vì lý do tăng số lượng công bố quốc tế nhằm mục đích tăng hạng trên các bảng xếp hạng đại học.

Trong tọa đàm lấy ý kiến đóng góp về chương trình này, đại diện Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, cần có các văn bản chi tiết, chặt chẽ hơn về chương trình để triển khai thuận lợi và dễ dàng.

Chất xám đại học tiếp tục được đánh giá là động lực chủ đạo của chính sách phát triển quốc gia. Tăng cường thu hút nguồn lực chất xám từ bên ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế là hướng đi bắt buộc của các cơ sở đại học trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Để hoạt động này được triển khai hiệu quả, thực chất, bên cạnh nỗ lực tự thân của mỗi đơn vị, cơ chế, chính sách liên quan vấn đề này cần được xem xét bổ sung và điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ