Nhà thiết kế Viết Bảo - đạo diễn chương trình - cho biết: “Khoảng sân thoáng rộng của ngôi đình làng cổ được trang hoàng thành một sân khấu đặc biệt, với âm thanh tiêu chuẩn cao, bao phủ ánh sáng lung linh, phục vụ 500 khách tham dự.
Tổng thể sân khấu mang dáng dấp của chiếc thuyền nan. Lấy mái đình và bức bình phong long mã làm phông nền, thiết kế sân khấu khai thác các yếu tố trang trí từ vật dụng truyền thống, như hoa đăng, nón lá, hoa giấy Thanh Tiên nhưng không ảnh hưởng tới tổng thể cảnh quan di tích.
Ngoài ra còn có sắp đặt các cụm trang trí để nghệ sĩ tạo hình với các hoạt cảnh về đời sống tự nhiên ở một vùng quê, như đi chợ, mua rau, bán cá, sạp hàng hoa, đôi quang gánh…”.
Trong đêm nghệ thuật "Về miền Hương Ngự" diễn ra vào tối 2/5, khán giả được thưởng thức nét độc đáo của nhã nhạc cung đình Huế. Lần lượt các nghệ nhân dân gian lão làng đến các nghệ sĩ trẻ tài năng đã biểu diễn những bản đại nhạc, tiểu nhạc. Các bản Thập thủ liên hoàn (trích đoạn), Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long ngâm, Long đăng, Đăng đàn cung. Ca Huế cũng chọn những Tứ Đại Cảnh với lời ca “Tiếng Hương Bình”, Nam Bình “Nước non ngàn dặm”.
Đặc biệt điệu hát múa hầu văn do 24 học sinh trường THPH Nguyễn Huệ thành phố Huế thể hiện như là sự tiếp bước, kế thừa giá trị di sản truyền thống Huế đến với thế hệ trẻ.
"Chúng tôi xây dựng chương trình này hướng vào 3 giá trị cốt lõi làm nên văn hóa đặc thù của Huế, đó là văn hóa tâm linh, văn hóa cung đình, văn hóa dân gian với phong tục tập quán ở các làng nghề truyền thống. Chúng tôi dự kiến, sau Festival, "Huế dịu dàng – về miền Hương Ngự" vẫn tiếp tục được tổ chức để phục vụ khán giả khi tới thăm cố đô.
Điều quan trọng nhất đó là du khách đến Huế trong dịp lễ hội sẽ có một điểm đến tham quan, thưởng lãm hoàn toàn miễn phí, nhưng vẫn đươc thưởng thức một chương trình nghệ thuật chất lượng cao" - nhà thiết kế Viết Bảo tâm sự.
Một điểm nhấn của chương trình "về miền Hương Ngự" trong tối 2/5 là đêm hội áo dài và phần trình diễn thời trang của những người đẹp xứ Huế. Chương trình trình diễn 4 bộ sưu tập; trong đó có 3 bộ sưu tập áo dài, gồm áo dài nam giới, nữ giới, thiếu nhi với các tên gọi: “Thư họa”, “Về miền Hương Ngự”, “Quê hương trong mắt trẻ thơ”.
Bộ sưu tập áo dài nam lấy cảm hứng từ nghệ thuật thư pháp. Áo dài nữ có ý tưởng từ những bức tranh gương vẽ hình danh lam thắng cảnh Huế và hoa sen đã đem đến người xem nhiều nét mới trong trình dưỡng, thiết kế áo dài của nhà thiết kế Viết Bảo.
Ông Nguyễn Quê - Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - đánh giá: Chương trình đã khai thác các chất liệu, giá trị văn hóa nhằm tôn vinh, khơi dậy sức sống mới cho các di sản nghệ thuật truyền thống Huế. Người dân và du khách đã được xem một chương trình phù hợp với hơi thở cuộc sống mà không làm mất đi bản sắc cốt lõi văn hóa và di sản truyền thống Huế. Đồng thời, khơi gợi nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn bó với người Huế thông qua hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình với nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tế lễ, ca xướng, họp chợ được tái hiện lại trong các hoạt cảnh múa, diễn xuất.
Điều đặc biệt để lại ấn tượng trong lòng du khách khi tham gia chương trình nghệ thuật Huế dịu dàng – Về miền Hương Ngự là được tự mình tham gia các trò chơi dân gian, nhận những món quà thú vị dành cho người thắng cuộc, được thả những chiếc đèn hoa đăng xuống dòng Sông Hương, mang theo ước nguyện an lành bạn về một lần khám phá, trải nghiệm di sản văn hóa Cố đô Huế để lại ấn tượng đẹp không bao giờ quên.
Một số hình ảnh về trong đêm nghệ thuật "Về miền Hương Ngự" diễn ra vào tối 2/5 tại ngôi cổ đình Kim Long: