Năm 2012, Lục Thị Khánh Chi tốt nghiệp khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và về công tác tại Báo Hải Dương. Năm 2015, Khánh Chi theo gia đình vào TP. Vũng Tàu sinh sống và “bén duyên” với Báo Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ tháng 12/2017 đến nay, Khánh Chi được Ban Biên tập phân công viết về lĩnh vực Giáo dục (GD).
Nói về việc lựa chọn loạt đề tài “Học sinh khuyết tật hòa nhập tại các trường phổ thông”, nhà báo Khánh Chi chia sẻ: Có thời điểm, các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” tại nhiều địa phương trên cả nước.
Khi tìm hiểu đề tài này, nhiều GV chia sẻ với tôi rằng, thực chất có rất nhiều trường hợp không phải học sinh ngồi nhầm lớp mà các em là học sinh bị khuyết tật (về thể chất, trí tuệ) đang học hòa nhập tại các trường phổ thông. Tôi đã chuyển hướng sang tìm hiểu đề tài HS khuyết tật học hòa nhập.
Tôi nhận thấy đây là đề tài còn khá mới mẻ, chưa có nhiều bài viết, nhất là những bài viết chuyên sâu về vấn đề này. Được sự định hướng, hỗ trợ tận tình từ phía Ban Biên tập Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tôi đã bắt đầu thực hiện đề tài.
Với loạt bài “Học sinh khuyết tật học hòa nhập tại các trường phổ thông” trước hết, tôi mong muốn mang đến cho độc giả cái nhìn chân thực về một chủ trương rất nhân văn của ngành Giáo dục.
Đó là việc việc tạo điều kiện cho HS khuyết tật được học tập tại những lớp học, trường học bình thường, giúp các em có cơ hội hòa nhập, phát triển khả năng bản thân để trở thành người có ích cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, loạt bài cũng phần nào giúp người đọc hiểu được tấm lòng vì học sinh cũng như những hi sinh thầm lặng của GV đứng lớp có HS hòa nhập. Loạt bài cũng nêu lên những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong việc học sinh khuyết tật học hòa nhập và đề xuất giải pháp để việc học tập của HS khuyết tật đạt được hiệu quả thực sự.
Trong quá trình thực hiện đề tài, tôi thực sự cảm thấy rất xúc động trước tấm lòng của những GV dạy học sinh học hòa nhập. Các thầy cô không chỉ là người thầy truyền dạy kiến thức mà còn giống như người cha, người mẹ tự tay chăm sóc các em từ những việc nhỏ nhất.
Điển hình là trường hợp của cô Song Thảo, GV Trường TH Nguyễn Thái Học (TP. Vũng Tàu). Cô Thảo đã nhiều năm giảng dạy lớp có học sinh hòa nhập. Có trường hợp, học sinh không chỉ khuyết tật nặng về ngôn ngữ, trí tuệ, mà còn mắc hội chứng tăng động giảm chú ý, không tự chủ được hành vi của mình.
Do em không có khả năng tự phục vụ bản thân nên cô Song Thảo và GV bộ môn của lớp vừa là giảng dạy, vừa làm bảo mẫu, phục vụ L. từ những việc rất nhỏ, ngay cả việc vệ sinh cá nhân cho em. Cô Thảo đã thuộc luôn cả thói quen sinh hoạt của em học sinh đó, thậm chí cô còn soạn “lịch sinh hoạt” cá nhân của em, dán trên bàn giáo viên để các thầy cô khác hỗ trợ em.
Tôi rất xúc động trước lời chia sẻ của cô Thảo: “GV chỉ kèm cặp HS khuyết tật 1 năm học trong khi cha mẹ em phải chăm sóc các em nhiều năm, thậm chí là suốt đời. Nghĩ như vậy nên bản thân tôi cũng như các GV khác đều cố gắng giúp các em HS khuyết tật học hòa nhập bằng tất cả tình thương và trách nhiệm. Tôi cũng rất vui mừng khi được biết một số học sinh đã có những tiến bộ vượt bậc từ những lớp học hòa nhập này. Có em đã thi đậu vào trường chuyên, tham gia và đoạt giải tại nhiều cuộc thi cấp tỉnh, thành phố…"
Nhà báo trẻ Khánh Chi chia sẻ: Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là một cuộc thi có ý nghĩa hết sức đặc biệt với những phóng viên viết về lĩnh vực giáo dục.
Cuộc thi đã tôn vinh những nhà báo, phóng viên, những tập thể có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về đề tài giáo dục để xã hội có cái nhìn sâu và rộng hơn về lĩnh vực này. Đó cũng là nguồn động lực to lớn để phóng viên mảng giáo dục như tôi nỗ lực hơn nữa nhằm đem đến cho độc giả những tác phẩm thực sự ý nghĩa.