Người xưa 'cầu may' cách nào để 'vượt vũ môn'?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Sĩ tử xưa không bao giờ tin vào quan niệm sờ đầu rùa để lấy may. Vậy để vượt vũ môn, họ “cầu may” theo cách nào?

Xưa kia, sĩ tử và ngay cả các giám sinh học tập tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng không có quan niệm sờ đầu rùa lấy may.
Xưa kia, sĩ tử và ngay cả các giám sinh học tập tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng không có quan niệm sờ đầu rùa lấy may.

Trước hết phải khẳng định rằng, việc “cầu may” trước ngày thi không phải là xấu. Phát xuất từ quan niệm “có thờ có thiêng” và “học tài thi phận” nên việc “cầu may” đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng.

Tuy nhiên, việc sờ đầu rùa ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại là hành vi phản văn hóa và đi ngược với tín ngưỡng người xưa.

Đến Văn Miếu tỏ lòng thành kính

Các sĩ tử xưa chú trọng tri thức - thể hiện lòng thành kính với bậc Thánh Nho, ít mê tín. Ảnh minh họa: IT.

Các sĩ tử xưa chú trọng tri thức - thể hiện lòng thành kính với bậc Thánh Nho, ít mê tín. Ảnh minh họa: IT.

Nhà thư pháp, TS Cung Khắc Lược là người rất gần gũi với Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sự gần gũi ấy của ông, phần vì công việc nghiên cứu Hán Nôm và viết thư pháp mỗi dịp lễ tết. Nhưng phần lớn hơn, bởi tình yêu của một thầy đồ đối với nền Nho học đã một thời vang bóng.

Bởi vậy từng ngóc ngách, bia đá, gốc cây trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám khiến ông rất xúc động. Ông cũng là người rành rọt từng câu chuyện xưa cũ, từng sự tích và thậm chí là những giai thoại về các vị Tế tửu, Tư nghiệp từng phụ trách Văn Miếu.

Tuy nhiên, trong tất cả các huyền tích lẫn các quan niệm dân gian về sĩ tử “cầu may”, TS Cung Khắc Lược không thấy bất cứ một sách nào nói về việc sờ đầu rùa. “Thời tôi còn trẻ, không bao giờ thấy ai nói sờ đầu rùa sẽ may mắn đỗ đạt, và cũng không ai làm thế”, ông Cung Khắc Lược khẳng định.

Từ xa xưa, nơi thờ phụng các bậc Thánh Nho như Khổng Tử, Chu Văn An, cùng các bậc hiền Nho khác ở nước ta luôn là địa chỉ để các sĩ tử tìm đến thắp hương, dâng lễ bày tỏ lòng thành và sự cung kính của kẻ học trò.

Thời Lý chính sách khuyến học được thể hiện rõ nét nhất là sự kiện xây dựng Văn Miếu ở kinh thành Thăng Long vào năm 1070 làm nơi thờ các vị Tiên thánh, Tiên hiền Nho học và cho Hoàng thái tử đến học.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: “Mùa thu tháng 8, dựng Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đây học”.

Năm 1075 vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi tuyển “Minh kinh bác học” đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Một năm sau vua lại cho mở Quốc Tử Giám dạy học cho con em quý tộc. Sau này dưới triều Trần, Quốc Tử Giám mở rộng dần quy mô, thu nạp cả những học trò ưu tú bình dân.

Triều Lê, khoa cử quy củ, phát triển thịnh trị. Quốc Tử Giám trở thành trung tâm đào tạo nhân tài lớn nhất nước. Đặc biệt thời Lê sơ đã lập bia đề danh Tiến sĩ để vinh danh người đỗ đại khoa.

Rùa là một trong tứ linh, và còn là con vật tượng trưng cho sức sống trường thọ. Vì thế, đặt bia đá trên lưng rùa mang ý nghĩa mong cho tên tuổi các vị tiến sĩ được khắc trên đó sẽ mãi mãi vang danh.

Giống như ngày nay, trước mỗi kỳ thi các sĩ tử xưa thường đến Văn Miếu thắp hương trước ban thờ Khổng Tử, Chu Văn An... tỏ lòng thành kính, gửi gắm ước nguyện đăng khoa.

Sau khi hành lễ, sĩ tử thường chiêm ngắm hàng bia Tiến sĩ nhằm khơi dậy sự quyết tâm ghi danh bảng vàng. Tuyệt đối không ai sờ đầu rùa, mình hạc, sờ bia Tiến sĩ hay vái lạy cả tấm bia Hạ mã để cầu may một cách mù quáng.

Tục “cầu mộng”

Tệ nạn sờ đầu rùa cầu may trước ngày thi là hành vi phản văn hóa.

Tệ nạn sờ đầu rùa cầu may trước ngày thi là hành vi phản văn hóa.

Trong lịch sử khoa bảng Việt Nam, giai thoại về một số vị tiến sĩ được truyền lại liên quan đến việc cầu mộng và báo mộng. Tuy thực – hư câu chuyện số nhiều do dân gian thêu dệt, nhưng hậu thế lại tin đó là sự thực.

Ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn cùng một số đền miếu thờ thần cũng điểm tâm linh được nhiều sĩ tử xưa tới cầu mộng. Đền Ngọc Sơn là nơi thờ phụng thần Văn Xương Đế Quân là ngôi sao chủ việc văn chương khoa cử.

Người Trung Quốc cho rằng, đó là vì tinh tú nắm giữ công danh và văn vận của thế nhân. Do đó, người ta tin rằng, sĩ tử có sao Văn Xương chiếu mệnh sẽ trở nên thông minh, ngòi bút sắc bén liên quan đến văn chương.

Dân gian Việt Nam thì tin rằng, ai được Văn Chương chiếu mệnh thì sẽ công thành danh toại. Chính bởi quan niệm này mà sau đến đời nhà Nguyễn, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu đã cho dựng “đài nghiên, tháp bút” trước cổng đền Ngọc Sơn làm phong phú quan niệm dân gian này.

Bên cạnh đó, ngay trước cổng vào đền Ngọc Sơn, có hai bức tường một bên là bảng Long (rồng), một bên là bảng Hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ, khiến cho các sĩ tử đi qua càng gắng công học hành.

Hai bên có hai câu đối: “Bát đảo, mặc ngân hồ thủy mãn/ Kình thiên, bút thế thạch phong cao”. Nghĩa là: “Tràn quanh đảo ngấn mực đầy hồ/ Chạm bầu trời, thế bút ngất núi”.

Không chỉ tới đền miếu để gửi gắm ước vọng đỗ đạt, các sĩ tử thời xưa trước khi thi thường đến những nơi kể trên để cầu mộng. Trước khi cầu mộng, họ thường tắm rửa sạch sẽ, ăn chay 3 ngày và ngủ lại nơi đền miếu để mong thần thánh báo cho mộng lành.

Chuyện được báo mộng mà đỗ đạt phải kể đến Thám hoa Nguyễn Minh Triết (đỗ khoa Tân Mùi 1631). Chuyện kể rằng, bấy giờ có khá nhiều người hay đến các đền đài cầu mộng khoa cử.

Nguyễn Minh Triết không đỗ thi Hội đã đến ngôi chùa trong vùng để cầu mộng. Hôm đó, ông mơ thấy có một vị Thần đến nói rằng: “Độc thư đáo lão vị thành danh”. Tuy nhiên, ông không hiểu lời nói ấy có nghĩa gì.

Sau khi đỗ, Nguyễn Minh Triết mới hiểu “độc thư đáo lão vị thành danh” mang ý nghĩa đọc sách đến già, năm “mùi” thì mới thành danh. Chữ “vị” còn có nghĩa là năm Mùi. Trong tất cả khoa thi, không năm nào trúng năm Mùi cả, chỉ đến khoa thi năm Tân Mùi 1631 thì mới đỗ.

Một số vị tiến sĩ nữa như Nguyễn Duy Thì, Nguyễn Trật… cũng có những giai thoại tương tự. Tuy nhiên, các giai thoại chủ yếu là “mộng tiên báo” chứ không hẳn là “mộng thấy đề bài” như một số người vẫn lầm tưởng. Điều đó chứng tỏ tài học và ý chí thi cử rất quyết liệt của các sĩ tử thời phong kiến.

Dưỡng thể và dưỡng trí

Thay vì sờ đầu rùa, sĩ tử nên tỏ lòng thành kính các bậc tiên hiền Nho học.

Thay vì sờ đầu rùa, sĩ tử nên tỏ lòng thành kính các bậc tiên hiền Nho học.

“Khoảng từ năm 2000, một số người sờ đầu rùa lấy may. Chẳng biết có may không, nhưng một người làm thì mười người theo, rồi theo thói a dua và “có hơn không” nên hình thành tệ nạn phá hoại di tích. Các quan niệm, kể cả “cầu mộng” thực ra cũng chỉ là những giai thoại mà người đời thêu dệt. Đỗ đạt hay không, phụ thuộc vào tri thức, trí tuệ và bản lĩnh của sĩ tử; không phụ thuộc vào đầu rùa, cũng không phải cứ cầu mà thấy”. Nhà thư pháp, TS Cung Khắc Lược

Không chỉ mong thánh thần phù hộ, báo mộng soi sáng, các sĩ tử xưa còn chăm lo đến các phương pháp ăn uống để tinh thần được sảng khoái, trí óc được minh mẫn. Có được một cơ thể khỏe mạnh, trí nhớ mới mẫn tiệp, làm bài mới thông suốt.

Theo quan niệm dân gian, một số đồ ăn có tác dụng bồi bổ cơ thể - làm tăng tiến tinh thần và yếu tố tâm linh may mắn, như: Đỗ, đậu, ngô, hạt sen. Đặc biệt, món cá chép thường được nhiều sĩ tử lựa chọn bởi họ tin cá chép sẽ có thể vượt vũ môn hóa rồng.

Đồng thời, các sĩ tử xưa cũng được cho ăn những món vận dụng theo thuyết âm dương ngũ hành, theo mệnh của từng người. Một số món được liệt kê, như: Xôi gấc, đầu cá, cháo đậu, đường, mật. Ngoài ra, các món như: Chân giò lợn hầm đu đủ, đùi gà tiềm sâm… cũng được sĩ tử ưa dùng.

Bên cạnh những món ăn mang lại may mắn, sĩ tử xưa cũng kiêng một số món được cho là đem lại rủi ro. Họ kiêng ăn lạc vì đồng âm với từ “lạc đề”. Kiêng ăn chè đỗ đen hay thậm chí mang đồ dùng có màu đen vào trường thi là cấm kỵ với sĩ tử - vì màu đen tương đồng với “vận đen” và xui xẻo.

Kiêng ăn chuối, bởi thí sinh lo sợ đi thi “trượt vỏ chuối” tức là thi trượt. Kiêng ăn mực vì có câu “đen như mực”. Kiêng ăn cá mè, thịt vịt là những món ăn được dân gian cho là xui xẻo, không đem lại may mắn.

Sử liệu Việt Nam không ghi cụ thể các vấn đề ngoài trường thi, nên việc các sĩ tử ăn uống như thế nào cũng chỉ là theo quan niệm dân gian. Tuy nhiên, Việt Nam chịu ảnh hưởng khá sâu sắc văn hóa Trung Quốc, nên việc ăn uống các món bổ dưỡng và đem lại may mắn, cũng như kiêng khem các món ăn tiềm ẩn nhiều rủi ro - khá tương đồng với sĩ tử phương Bắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.