(GD&TĐ)-Sáng nay (18/5), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khai mạc trưng bày “Người Việt với di sản văn hóa Biển”. Số lượng lớn hiện vật đặc sắc cùng tài liệu khoa học phụ quan trọng tại triển lãm là những tài liệu chứng minh cho hoạt động giao thương của Việt Nam trong nhiều thế kỷ, đồng thời cũng khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
|
Ảnh: gdtd.vn |
Trưng bày được mở rộng trên diện tích 200m2 với những hiện vật đặc sắc ở ba giai đoạn khác nhau: Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ thời tiền sử tới thế kỷ X; Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII và Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ thế kỷ XIX đến hiện đại.
Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ thời tiền sử tới thế kỷ X, hiện vật trưng bày tập trung vào bản đồ di tích khảo cổ hậu kỳ đá mới – sơ kỳ đồ đồng vùng duyên hải và một số đảo, quần đảo Việt Nam; bản dập hoa văn hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn. Hiện vật khảo cổ học các di chỉ Hạ Long, Quỳnh Văn, Xóm Ốc (đảo Lý Sơn). Bản đồ con đường gia vị thời cổ đại; đồ gốm, đồ đồng thời Bắc thuộc, thời Đường; đồ gốm, thủy tinh màu Islam; trang sức thủy tinh, mã não; quả cân đồng, Ấn Độ thế kỷ 7 – 9…
|
Hiện vật trưng bày tại triển lãm: Ảnh: gdtd.vn |
Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, chú trọng hiện vật độc bản, như đồ gốm loại hình nước ngoài, đồ dùng thủy thủ đoàn, đồ gốm Việt Nam xuất khẩu TK 15 tìm thấy ở vùng biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam, Hồng Đức bản đồ....Cùng một số tài liệu khoa học phụ như liên quan tới chủ quyền Biển Đông: bản phục chế Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (trang ghi chép về việc lập và hoạt động của Hải đội Hoàng Sa và Hải đội Bắc Hải); Bản đồ Tonquin của Daniel Tavenier, 1684; Thư từ trao đổi cấp quốc gia của Chúa Trịnh với VOC, nhật ký VOC, Bản đồ trong Toản tập An Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá Công Đạo...
|
Di sản văn hóa Biển Việt Nam từ thế kỷ XIX đến hiện đại trưng bày những tài liệu khoa học quan trọng như bản in sao Đại Nam nhất thống toàn đồ triều Minh Mệnh, bản in sao An Nam đại quốc hoạ đồ của Đức giám mục Jean- Louis Taberd, bản in sao Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Minh Mạng 19 (1838) về việc đo đạc, cắm mốc và vẽ bản đồ Hoàng Sa; bản số hóa Châu bản triều Nguyễn niên hiệu Bảo Đại 13 (1939) về Hoàng Sa; bản in trang nội dung trong Đại Nam thực lục về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và ngoại thương hàng hải thời Nguyễn... Bên cạnh đó là những hình ảnh, tài liệu về chủ quyền biển đảo VN từ 1945- 1975; đặc biệt là những tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến công tác biên giới, lãnh thổ của nước CHXHCNVN...
Giới thiệu một số hình ảnh hiện vật quý tại triển lãm:
|
Dấu in hoa văn: Gốm cách ngày nay khoảng 4000-3000 năm - Văn hóa Hoa Lộc. Ảnh: gdtd.vn |
|
Hạt chuỗi, khuyên tai hai đầu thú, đá quý, thủy tinh cách ngày nay khoảng 2500-2000 năm – Di chỉ Gồng Cá Vồ.Ảnh: gdtd.vn |
|
Chân đèn hình người quỳ (đồng) cách đây 2500-2000 năm – Văn hóa Đông Sơn. Ảnh: gdtd.vn |
|
Tiền kim loại thế kỷ 5-6, văn hóa Ốc Eo. Ảnh: gdtd.vn |
|
Bình trang trí thiên nga và phong cảnh gốm hoa lam triều Lê sơ thế kỷ XV.Ảnh: gdtd.vn |
| |
Đĩa chữ Thọ - gốm Hoa Lam đời Minh – Vạn Lịch (1573-1620) - ảnh trái và Đĩa trang trí phượng - gốm Hoa Lam đời Minh – Vạn Lịch (1573-1620) - phải. Ảnh: gdtd.vn |
| |
Lọ nước hoa, hộp, thủy tinh bọc bạc thế kỷ XIX, XX – sưu tập cổ vật cung đình Nguyễn.Ảnh: gdtd.vn |
Hải Bình