Người Việt Nam đầu tiên "mổ bụng" thủy lôi Mỹ

Người Việt Nam đầu tiên "mổ bụng" thủy lôi Mỹ

(GD&TĐ) - Chỉ với chiếc mỏ lết và thanh gỗ, những quả thủy lôi, bom từ trường hiện đại của đế quốc Mỹ đã bị "mổ bụng", giúp nghiên cứu ra nguyên lí hoạt động và chế tạo nên những thiết bị phá lôi đầu tiên của quân dân ta. Người làm nên kì tích đó là Đại tá Trương Thế Hùng, nguyên Đại đội trưởng đại đội 8 Công binh Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Ông Hùng đang gỡ thủy lôi
Ông Hùng đang gỡ thủy lôi
 

"Mổ bụng" thủy lôi bằng mỏ lết…

Đại tá Trương Thế Hùng nay đã 83 tuổi, sống tại Trần Phú, Hải Phòng. Ông vẫn còn tráng kiện và minh mẫn.

Ông nhớ rất rõ đêm 26 rạng 27/2/1967, Mỹ bắt đầu chiến dịch thả thủy lôi xuống các cửa sông, cửa biển miền Bắc, trọng điểm là 4 cửa sông lớn thuộc Quân khu 4 là sông Mã (Thanh Hóa), sông Gianh (Quảng Bình), cửa Hội (Nghệ An), sông Nhật Lệ (Quảng Bình).

Ngoài ra, địch còn thả thủy lôi ở 20 cửa sông khác ở miền Bắc, nhằm làm tê liệt đường vận chuyển trên sông biển của ta. Nhiệm vụ của công binh bấy giờ là phải "giáp mặt" với những vũ khí sát thương dưới nước đó, tìm ra nguyên lý hoạt động của nó để khống chế, rà phá, quét sạch nhằm khai thông tuyến đường thủy huyết mạch vận chuyển hàng hóa lương thực bạn bè quốc tế chi viện cho ta, đồng thời cũng là tuyến đường để ta chi viện cho miền Nam ruột thịt. Muốn vậy thì không còn cách nào khác là phải trục vớt, phải tháo ra nghiên cứu.

Lúc này, Bộ Tư lệnh Hải quân đã thành lập Đại đội 8 công binh chuyên làm nhiệm vụ nghiên cứu, rà phá thủy lôi. Khi đó ông Trương Thế Hùng giữ cấp bậc đại úy, được cử làm Đại đội phó, còn đồng chí Hoàng Lưu là Đại đội trưởng. Ông Hùng đã được Hải quân Việt Nam cử đi học chuyên ngành vũ khí dưới nước ở Trung Quốc từ năm 1955 nên đã có kiến thức về lĩnh vực này.

Khi có thông tin bộ đội Quảng Bình vớt được hai quả thủy lôi ở bãi sông ở gần bến phà Gianh, Bộ Tư lệnh Hải quân đã chỉ thị cho Đại đội 8 công binh cử ngay một tổ vào phối hợp với lực lượng tại chỗ để tìm cách tháo gỡ, rà phá. Cùng tổ công tác với ông Hùng lúc bấy giờ có ông Trần Thanh Hoài và ông Đào Kỳ (hiện đã mất).

Lúc đó chiến trường Quảng Bình đang rất khốc liệt, nếu để hai quả thủy lôi ở đó có thể không an toàn, vì thế đã được chuyển lên xe tải chở ra Nam Đàn – Nghệ An, dù đây cũng là việc hết sức nguy hiểm, vì thủy lôi có thể nổ bất cứ lúc nào.

Ông Hùng nhớ lại: “Ngày 3 - 3 - 1967, chúng tôi bắt đầu đi bằng xe đạp, vượt quãng đường 400 - 500 cây số từ Hải Phòng vào Nghệ An dưới bom đạn thời chiến. Chúng tôi đã xác định đây là loại thủy lôi chìm đáy, không chạm nổ, trong đó một quả là MK-50 (thủy lôi cảm ứng từ trường), MK-52 (thủy lôi cảm ứng âm thanh)”.

Khi đó, không ai bàn lùi cả mà chỉ mong sao tháo cho bằng được. Ngay từ đầu, đơn vị chúng tôi được xác định là đơn vị làm nhiệm vụ của người lính cảm tử. Nhưng có điều, khi đi làm nhiệm vụ, không ai dám nói với gia đình vì sợ gia đình sẽ lo lắng, sẽ gàn. Mọi người đều mang một tâm trạng rạo rực, quyết tâm. Tuy vậy, đó không phải là “điếc không sợ súng”. Là người được đào tạo, các ông đều biết rõ thủy lôi hết sức nguy hiểm nhưng không ai sợ.

Ngày 16/3/1967, hai quả thủy lôi được đặt cách xa nhau ở cánh đồng Nam Đàn đề phòng bất trắc có thể gây nổ “dây chuyền” sẽ ảnh hưởng đến công tác nghiên cứu. Trước khi từng người một luân phiên vào tháo gỡ, ông Hùng đã cẩn thận chụp ảnh thuỷ lôi đề phòng có nổ cũng còn hình ảnh lưu lại. Công cuộc "mổ bụng" hai quả thủy lôi này được tiến hành bằng một chiếc... mỏ lết thô sơ là dụng cụ sửa xe đạp. Bởi ít ai biết rằng, ngay cả các chuyên gia nước bạn được cử sang giúp đỡ chúng ta cũng chỉ "dạy chay" mà... chưa hề biết hình thù quả thủy lôi Mỹ nó ra làm sao.

Đó là một hành động khá liều lĩnh, bởi như ông Hùng nói: "Về mặt chuyên môn, chúng tôi cũng biết khi tháo thủy lôi phải sử dụng dụng cụ không nhiễm từ thì mới an toàn. Nhưng trong hoàn cảnh đó, không còn phương án khác.

Chúng tôi xác định phải liều, phải mạo hiểm. Nhưng là cái “liều” dựa trên cơ sở khoa học. Vì thứ nhất, thủy lôi được vận chuyển từ Quảng Bình ra bằng xe ô tô nhưng không hề kích nổ. Thứ hai, thủy lôi không chịu áp lực nước nên chứng tỏ chúng đang ở trạng thái bình thường. Đấy chính là cơ sở để chúng tôi quyết định “liều”.

Ông Hùng là người đầu tiên vào tháo còn hai ông Kỳ và Hoài đứng nấp cách xa vài chục mét. Ông Hùng nhấn mạnh: "Quan trọng nhất là cái ngòi nổ. May là cái ốc đó lại là ốc 6 cạnh nên dùng cái mỏ lết này được. Chúng tôi thống nhất đánh số thứ tự 8 con ốc ở ngòi nổ và quy ước khi tháo ốc nào thì phải hô to cho 2 người bên ngoài biết thứ tự từng ốc đang tháo. Làm như vậy thuỷ lôi có nổ còn biết nổ ở ốc thứ mấy".

Đó là một cuộc đấu trí căng thẳng, hồi hộp. Dù đã xác định tư tưởng cả rồi, nhưng khi đặt chiếc mỏ lết lên chiếc ốc ngòi nổ đầu tiên, ai nấy đều nín thở. Những con ốc dính đầy bùn đất, dụng cụ thì chỉ là chiếc mỏ lết bình thường, ông Hùng phải nhẹ nhàng nhích dần từng tí một. Vặn đến ốc nào, ông đều hô to để ở ngoài biết và đánh dấu. Cho tới con ốc số 8 - con ốc vít cuối cùng ở ngòi nổ rời khỏi khối thuốc ông thở phào.

Tuy vậy, ông Hùng vẫn nhớ rất rõ rất có thể kẻ địch xảo quyệt có thể cài bẫy bằng hơi độc, ông ấn chặt tay và từ từ tháo ngòi nổ ra. Lúc này đồng chí Đào Kỳ và Thanh Hoài ở ngoài đã vui mừng khôn xiết chạy lại, cả ba ôm chầm lấy nhau, ai cũng rơm rớm nước mắt...

Giải quyết được quả đầu tiên, quả thứ hai cũng tiến hành tương tự. Sau khi các ông Trương Thế Hùng, Trần Thanh Hoài, Đào Kỳ tháo được hai quả thủy lôi về, cán bộ, công nhân Xưởng 56 đã mổ xẻ, phanh phui, tìm hiểu tất cả những tính năng, chiến thuật của nó. Khoảng gần một tháng sau, sơ đồ mạch điện, nguyên lý nổ của thủy lôi được hoàn thành, chuyển về cho Nhà máy X46 Hải quân nghiên cứu sản xuất ra phương tiện rà phá thủy lôi.

Khống chế bom từ trường bằng thanh gỗ

Đến cuối năm 1968, ông Trương Thế Hùng cùng ông Trần Thanh Hoài và ông Đào Ngọc Tấn lại tiếp tục được giao nhiệm vụ tháo gỡ quả bom từ trường đầu tiên mà Mỹ thả xuống bến phà An Dương (Hải Phòng), đó là DST-36 mang đầu nổ MK-42.

Ông Hùng cho biết, DST-36 là loại vũ khí hết sức nguy hiểm, có tác dụng chiến đấu cả trên cạn và dưới nước. Đặc biệt, khi được thả từ trên máy bay xuống, bom từ trường chui sâu xuống đất, nước nên rất khó phát hiện và nếu phát hiện được cũng rất khó đưa lên khi nằm dưới nước nên mức độ nguy hiểm vô cùng lớn. Hơn nữa, đây là quả bom từ trường đầu tiên mà các ông được... sờ đến.

Lần này, nhóm của ông Hùng lại sáng chế ra một dụng cụ vô cùng đặc biệt đấy là những thanh gỗ tốt được gọt đẽo vừa khít với các ốc chìm trên thân quả bom rồi vặn tháo. Từ việc này, những thiết bị rà phá thủy lôi được chế tạo như HDL-9, HT-5, HT-6 và PĐ-67. Kết quả trong 2 năm (1967-1968), chúng ta đã rà phá được 8.851 quả thủy lôi và bom từ trường.

Khi Mỹ tuyên bố chấm dứt ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam (31/10/1968) thì 2 ngày sau lực lượng rà phá của Quân chủng Hải quân kiêm Quân khu khu Đông Bắc làm nòng cốt đã hoàn thành thông luồng để dẫn tàu 300 tấn chở hàng vào các cảng Bến Thủy, sông Gianh, Đồng Hới an toàn, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của đế quốc Mỹ trong phong tỏa bằng thủy lôi và bom từ trường lần thứ nhất trên sông biển miền Bắc nước ta.

Chưa chịu dừng lại, Mỹ tiếp tục tiến hành leo thang bắn phá miền Bắc lần thứ 2, bắt đầu từ ngày 27/8/1972. Khoảng 17.080 quả bom, mìn các loại, trong đó có 7.963 quả thủy lôi và bom từ trường phong tỏa các khu vực cảng, cửa sông, ven biển thuộc 10 tỉnh duyên hải từ Quảng Ninh đến Quảng Trị. Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã lại một lần nữa tin tưởng giao nhiệm vụ cho ông Trương Thế Hùng chỉ huy và hai cộng sự là ông Nguyễn Văn Huấn và Vũ Ngọc Vê tiến hành tổ chức lực lượng lặn mò tìm và tháo thủy lôi.

Các ông đã gặp "người quen cũ"- quả thủy lôi MK-52. Tuy vậy, ngay lập tức ông Hùng đặt ra trong đầu câu hỏi không biết sau 5 năm, loại thuỷ lôi này địch cải tiến như thế nào? Ông kể lại: "Nhìn bề ngoài tôi đã thấy ngay 8 chiếc ốc ở ngòi nổ ở quả thủy lôi MK-52 lần trước là ốc nổi, nay đã được địch “cải tiến” làm ốc chìm".

Dù đã có được những thiết bị tháo thủy lôi chuyên dụng hơn, nhưng ba ông vẫn tiến hành thận trọng những bước bắt buộc như chụp ảnh, tháo ốc nào hô to ốc đó... Khi quả thuỷ lôi được tháo thành công và đưa về đất liền, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng Trần Kiên đã đến tận Tràng Cát để nghe báo cáo. Sau đó đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện khen ngợi.

Với đóng góp đặc biệt này, năm 1976 Đội 8 Công binh vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Riêng ông Trương Thế Hùng cũng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, và Huân chương Chiến công hạng Ba.

Quả thủy lôi MK-52 đầu tiên tháo gỡ được trong giai đoạn 2 (1972-1973) tại cửa Nam Triệu (Hải Phòng) đã là cơ sở để ta nghiên cứu đưa vào sử dụng phương tiện rà quét như ống phóng từ 480, xuồng phóng từ 311, tàu phóng từ V412... để chúng ta rà phá hầu như toàn bộ số thủy lôi, bom từ trường Mỹ ném xuống sông biển miền Bắc.

Hoàng Mai

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ