Người vẽ Hà Nội qua những con chữ

GD&TĐ - “Tôi chỉ cảm thấy nuối tiếc một điều là Hà Nội đứt gãy và mất đi một thứ mà khó lòng phục hồi được là cách ứng xử xưa không còn nữa”. Đó là chia sẻ của họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn trong buổi ra mắt 4 tập tản văn của ông về Hà Nội: “Bâng quơ một thời Hà Nội”, “Đi chơi Bờ Hồ”, “Ngẫm ngợi phố phường”, “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội” trong khuôn khổ Ngày Sách Việt Nam. 

Nhà văn Đỗ Phấn (ngồi giữa) giao lưu với độc giả
Nhà văn Đỗ Phấn (ngồi giữa) giao lưu với độc giả

Ông là tác giả đầu tiên được lựa chọn “mở hàng” cho tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” do NXB Trẻ tổ chức.

Hà Nội với những mất - còn

Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, với hơn 40 năm theo nghiệp vẽ, Đỗ Phấn đã có cho mình một gia tài hội họa đáng kể. Viết văn khi chuẩn bị đi ngang ngưỡng tuổi 50, tất cả tác phẩm của ông chỉ xoay quanh một đề tài duy nhất: Thị dân và đời sống đô thị. Với mắt nhìn của một họa sĩ, cảm thức về Hà Nội được Đỗ Phấn diễn đạt theo một lối riêng - “Vẽ Hà Nội qua những con chữ”.

Hơn 60 năm sống ở Hà Nội, thăng trầm cùng Hà Nội, với đầy đủ những trải nghiệm của một cá nhân hay một thế hệ, Đỗ Phấn tự cảm thấy có trách nhiệm lưu giữ những vẻ đẹp mình từng trải qua, cố định chúng lại bằng câu chữ trước muôn mặt đổi thay của đời sống phố thị.

Nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ: “Tôi chỉ cảm thấy nuối tiếc một điều là Hà Nội đứt gãy và mất đi một thứ mà khó lòng phục hồi được là cách ứng xử xưa không còn nữa. Cách ứng xử của người Hà Nội giờ lộn xộn, bát nháo.

Bây giờ chúng ta ra đường không còn có cảm giác người trẻ, người già, người trên, người dưới, người sang, người hèn... Chúng ta không còn có cảm giác gì nữa về phân tầng trong xã hội.

Là người con Hà Nội, tôi thấy mình cần có trách nhiệm phải lưu giữ những nét đẹp của Hà Nội mà mình đã may mắn được nếm trải, nay đang dần phai nhạt”.

Tuy nhiên, nhà văn Đỗ Phấn cho rằng, “chất” Hà Nội vĩnh viễn không bao giờ mất đi, chỉ có lúc đậm đặc hay pha loãng...

Tìm lại những ký ức mang vẻ đẹp hoài cổ

Có mặt trong buổi giao lưu, Phạm Ngọc Tiến chia sẻ, dù có nhiều người viết về Hà Nội thành danh, nhưng điều đặc biệt với Đỗ Phấn là ông có trí nhớ tuyệt vời về Hà Nội. Ông viết về Hà Nội khéo léo và tài tình đến mức, dù không có 1 chữ nào nói tới Hà Nội nhưng người đọc vẫn cảm nhận rõ từng hơi thở của thành phố nghìn năm lịch sử này.

Theo nhà văn Đỗ Phấn, bốn cuốn sách là sự thay đổi rất hay của Hà Nội từ xưa đến nay. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nên ông hiểu rõ từng góc phố, từng con ngõ nhỏ và văn hóa đời sống của Hà Nội trong ký ức.

Nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ: “Nhiều người cho rằng, vẽ không liên quan gì đến văn chương, nhưng thực tế thì vẽ với văn chương có liên quan rất nhiều. Vẽ cần ký ức để chuyển tải thành hình ảnh, văn chương cần ký ức để chuyển tải thành lời. Tôi dùng ký ức của mình để sáng tác mặc dù khai thác thế giới hình ảnh dễ hơn khai thác chữ nghĩa đối với tôi nhưng chính hình ảnh đã tạo nên cách viết của tôi”.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý – đại diện NXB Trẻ cho biết, trong nhiều năm qua, NXB Trẻ đã có dịp xuất bản nhiều đầu sách về Hà Nội của các nhà nghiên cứu, nhà văn như Nguyễn Vinh Phúc, Trần Chiến, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tiến, Đỗ Phấn… Mặc dù in ấn rải rác, nhưng vệt sách về Hà Nội này cũng tạo thành một vệt lấp lánh.

Năm nay, bằng việc ra mắt tủ sách “Hà Nội trong mắt một người”, NXB Trẻ hi vọng sẽ đón nhận thêm nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà nghiên cứu về Hà Nội không chỉ ở thế hệ 5X, 6X mà cả những thế hệ 8X, 9X viết về Hà Nội với những góc nhìn và trải nghiệm mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ