Giữ hồn hát Then nơi xứ Lạng:

Người truyền lửa

GD&TĐ - Hát Then nét đẹp văn hóa của bà con người Tày, Nùng ở Lạng Sơn. Để gìn giữ các làn điệu Then, người dân Lạng Sơn đã thành lập nhiều câu lạc bộ.

Nhiều trường học ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn tổ chức dạy hát Then, đàn tính. PT.
Nhiều trường học ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn tổ chức dạy hát Then, đàn tính. PT.

Muốn được gìn giữ điều Then của quê nhà

Vốn sinh ra ở huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, từ nhỏ cô giáo Nông Thị Hường – giáo viên Trường THPT Lương Văn Tri – huyện Văn Quan – tỉnh Lạng Sơn đã được nghe bà, mẹ hát Then. Những làn điệu Then đã nuôi lớn tâm hồn tuổi thơ của cô Hường và các bạn cùng trang lứa.

Sau khi đã trở thành một cô giáo, cô Hường càng ý thức cần phải gìn giữ các nét đẹp văn hóa của địa phương trong đó có hát Then, đàn tính.

Cô Hương trải lòng: “Khi xã hội ngày càng phát triển, nhiều thể loại âm nhạc ra đời du nhập vào giới trẻ, dần dần những điều dân ca truyền thống trong đó có hát Then, đàn tính có nguy cơ bị mai một.

Bản thân là một cô giáo dạy môn Lịch sử, ngoài truyền dạy kiến thức trong sách giáo khoa cho học sinh, tôi muốn dạy cho các em hiểu và biết trân trọng giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại.

Bên cạnh đó, hát Then, đàn tính là nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội của người dân tộc Tày, dân tộc Nùng”.

Từ những thực tế đó, ngay khi báo Giáo dục và Thời đại phát động Cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam cô Hường đã quyết định viết bài dự thi nói về câu lạc bộ Bjoóc Vẹn ở huyện Văn Quan.

Cô Hương chia sẻ: “Mẹ tôi và rất nhiều người lớn tuổi trong câu lạc bộ Bjoóc Vẹn hàng tuần vẫn thường sinh hoạt, cùng nhau tập hát, đánh đàn với mong muốn gìn giữ các điệu Then. Tôi muốn qua bài thi này, có thể góp tiếng nói để thế hệ trẻ có ý thức cùng nhau bảo tồn các làn điệu hát Then UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (năm 2019).

Cô giáo Nông Thị Hường – giáo viên Trường THPT Lương Văn Tri – huyện Văn Quan – tỉnh Lạng Sơn.

Cô giáo Nông Thị Hường – giáo viên Trường THPT Lương Văn Tri – huyện Văn Quan – tỉnh Lạng Sơn.

Bà Cam Thị Phay – mẹ của cô giáo Nông Thị Hường chia sẻ: "Hiện nay, Lạng Sơn đang duy trì và bảo tồn các làn điệu dân ca trong đó có hát Then, đàn tính. Tại nhiều địa làng, xã đã hình thành câu lạc bộ tại để tập hát, đánh đàn. Trong các buổi chợ phiên hiện nay nhiều câu lạc bộ đã đưa hát Then, đàn tính biểu diễn cho bà con xem”.

"Tôi thực sự rất hạnh phúc khi vinh dự được nhận giải tại cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc ta. Tác phẩm tôi dự thi năm nay viết về câu lạc bộ Bjoóc Vẹn – góp phần giữ lửa hát Then, đàn tính trên quê hương Văn Quan”.

Tôi mong rằng bài viết của tôi góp phần lan tỏa tình yêu các nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương mình đặc biệt là hát Then, đàn tính của người dân tộc Tày, dân tộc Nùng ở Lạng Sơn”- cô Nông Thị Hường chia sẻ

Tạo hứng thú cho học sinh học lịch sử

Không chỉ muốn gìn giữ nét đẹp của các làn điệu Then đàn tính, mà trong tiết học dạy của mình cô Hường luôn cố gắng lồng ghép các hoạt động trải nghiệm như đóng kịch, tái hiện lại khung cảnh lịch sử để tạo sự hứng thú cho học sinh và thêm yêu lịch sử nước nhà.

“Học môn Lịch sử kiến thức khá nặng, nếu chỉ nghe cô giáo giảng, ghi chép sẽ tạo sự nhàm chán, không hứng thú cho học sinh. Do đó trong mỗi bài giảng của mình, tôi cố gắng tìm những tư liệu bằng video hoặc các tài liệu thực tế để giảng dạy.

Các tiết học, tôi tạo nhiều hoạt động để học sinh nghiên cứu và phát biểu nhằm tạo không khí cho lớp học sôi nổi. Như vậy, học sinh không còn cảm giác sợ hãi đối với học sinh khi nghĩ đến môn Lịch sử là các mốc sự kiện...

Bên cạnh đó, chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên phải lấy học sinh là trung tâm, yêu cầu giáo viên phải đổi mới sáng tạo trong giảng dạy để có những tiết học hiệu quả.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Lạng Sơn hiện có trên 60 câu lạc bộ và nhóm người hát then, đàn tính với khoảng 1.500 thành viên tham gia.

Các CLB hát then, đàn tính được thành lập với vai trò của Hội Bảo tồn Dân ca tỉnh đã góp phần đưa hát Then, đàn tính phát triển sâu rộng trong cộng đồng và trở thành một phần quan trọng trong di sản “Thực hành Then” được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (năm 2019).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ