Bảo tồn di sản hát Then trong trường học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thời gian qua, việc bảo tồn di sản hát Then trong trường học tiếp tục được đẩy mạnh và thu hút được đông đảo học sinh tham gia.

Bảo tồn di sản hát Then là hoạt động được các nhà trường rất quan tâm.
Bảo tồn di sản hát Then là hoạt động được các nhà trường rất quan tâm.

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc

Hát then là một loại hình văn hóa diễn xướng đặc sắc, tiêu biểu và độc đáo của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chính vì vậy việc bảo tồn và phát huy di sản hát Then là nhiệm vụ quan trọng cần sự chung tay cả cộng đồng.

Trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang được biết đến là điểm sáng trong việc lưu giữ và phát huy truyền thống hát Then trong trường học. Từ năm 2009, trường đã thành lập câu lạc bộ hát Then với hơn 30 thành viên, trong suốt quá trình hoạt động câu lạc bộ đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các em học sinh.

Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, Trưởng Ban văn hóa thể thao trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang cho biết: Việc thành lập câu lạc bộ hát Then nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Các bài Then cổ khi được khai thác, sưu tầm sẽ giúp các em học sinh hiểu được ý nghĩa và vốn từ tiếng Tày, nhớ lời hát, tiếp thu lời ăn tiếng nói, hát đúng làn điệu Then. Những ngày đầu mới thành lập CLB còn thiếu thốn về nhạc cụ nhưng với tinh thần cố gắng, nỗ lực các em học sinh đã dần làm quen và hào hứng hơn với hoạt động.

Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, Trưởng Ban văn hóa thể thao trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang bên cây đàn tính.

Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, Trưởng Ban văn hóa thể thao trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang bên cây đàn tính.

Em Nguyễn Thị Thu Huyền học sinh lớp 11D trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Từ nhỏ em đã được nghe các bà các mẹ hát Then nên em rất yêu các làn điệu Then quê mình, giờ đi học lại được tham gia câu lạc bộ hát Then của trường em cảm thấy rất vui vì nhờ đó em hiểu rõ hơn về giá trị truyền thống, nét văn hoá của cha ông, có ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và gìn giữ nét văn hoá độc đáo này.”

Cần được quan tâm, đầu tư

Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng chia sẻ thêm: Hầu hết học sinh và các thầy cô giáo trong trường đều có chung một niềm yêu thích đặc biệt với nghệ thuật hát Then truyền thống. Do đó, việc tổ chức dạy hát Then trong nhà trường nhiều năm nay vẫn luôn nhận được sự ủng hộ và quan tâm của ngành giáo dục, phụ huynh học sinh và các tổ chức khác trên địa bàn.

Từ khi thành lập đến nay, CLB đã truyền dạy các làn điệu hát Then cho nhiều thế hệ học trò. Trong quá trình hoạt động, nhà trường đã mời các Nghệ nhân ở địa phương về giảng dạy, nội dung chủ yếu là những bài hát Then, cách đệm đàn và một số điệu múa dân tộc cho các em học sinh. CLB sinh hoạt định kỳ mỗi tuần 1-2 lần và tham gia biểu diễn trong các chương trình của trường, của tỉnh. Tuy chưa được chuyên nghiệp như các nghệ nhân nhưng đã mang đến một không gian trường học đầy màu sắc với những làn điệu dân ca ấm áp và giàu bản sắc.

Nghệ nhân Hoàng Thị Chanh (xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên) cho biết: "Mỗi làn điệu hát Then mang một ý nghĩa rất riêng, có thể là những quan niệm sống mà đồng bào Tày đã gửi gắm, hay là những câu hát ca ngợi tình yêu lứa đôi. Cũng có thể đó là chủ đề ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu. Bằng âm điệu và lời ca ngọt ngào hát Then ngày càng có sức hút rất lớn đối với cộng đồng. Bởi vậy, cho đến ngày nay tại những lễ hội, không gian nhà sàn hay lễ cưới, hàng chục, hàng trăm người vẫn cùng nhau nhảy múa, biểu diễn cùng một làn điệu Then”.

Hiện nay, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về bảo tồn, gìn giữ và phát triển hát Then trong các nhà trường là rất cần thiết. Do đó, để phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa của nghệ thuật hát Then, Nhà trường cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa để xây dựng đội ngũ truyền dạy hát Then, đầu tư kinh phí, trang thiết bị...

Hát then dần trở thành nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc tại Trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang.

Hát then dần trở thành nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc tại Trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang.

Đồng thời, lồng ghép khéo léo nghệ thuật hát Then vào các hoạt động ngoại khóa để không chỉ đem lại kiến thức, hiểu biết về giá trị tinh hoa của dân tộc mà còn góp phần truyền cảm hứng, tạo sự hứng khởi cho các em học sinh. Từ đó các làn điệu Then sẽ trở nên gũi hơn, thấm sâu hơn vào tâm hồn thế hệ tương lai của đất nước, góp phần quan trọng trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật Then truyền thống của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ