Gìn giữ câu hát Then cổ nơi biên viễn

GD&TĐ - Hà Giang – địa đầu Tổ quốc, miền biên ải xa xôi lâu nay người ta chỉ nghe nói nhiều hơn là đi đến tận nơi.

Ông Bành đang hướng dẫn học sinh đánh đàn Tính.
Ông Bành đang hướng dẫn học sinh đánh đàn Tính.

Trong ngôi nhà sàn nép mình bên chân núi có một người đã gần 50 năm gắn bó với cây đàn Tính, với làn điệu Then cổ của người Tày.

Gìn giữ Then cổ...

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bành tâm huyết với nghệ thuật hát Then.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bành tâm huyết với nghệ thuật hát Then.

Ông Bành là người giữ lửa cho phong trào hát gìn giữ, bảo tồn và phát huy làn điệu Then nói riêng và phong trào văn nghệ của địa phương nói chung. Chính những người như ông Bành với niềm đam mê và nhiệt huyết đã và đang tiếp tục cố gắng đưa hát Then vào trong đời sống của nhân dân, trong trái tim của nhiều người, đặc biệt đối với thế hệ trẻ hôm nay để bảo tồn, phát triển một loại hình nghệ thuật dân tộc từ ngàn xưa để lại… Ông Cấn Văn Hiển - Phó Chủ tịch UBND  xã Phương Tiến.

Chúng tôi đến xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên của Hà Giang vào một buổi sáng cuối đông. Ngôi nhà sàn khang trang mang đặc trưng của đồng bào Tày của Nghệ nhân Nguyễn Văn Bành nằm cuối con đường bê tông ở thôn Nà Thài. Cây đào trước cổng nhà đang chuẩn bị đơm hoa chào đón các vị khách từ phương xa.

Vào mùa nông nhàn lại không có lịch đi diễn nên tìm gặp ông Bành cũng không mấy khó khăn. Trong căn nhà sàn lợp lá cọ, ông Bành dáng người nhỏ nhắn đang cặm cụi lắp các bộ phận của một chiếc đàn Tính.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Bành năm nay 58 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình dân tộc Tày trên mảnh đất “khói lửa một thời” Vị Xuyên. Ngay từ nhỏ, ông đã gắn bó với cây đàn Tính, với làn điệu Then cổ của dân tộc mình.

Cái sự mê mẩn với loại “đàn 3 dây” này cũng có xuất phát điểm từ gia đình ông. Được sống trong không khí linh thiêng của Then cổ và sự dìu dặt của Then mới, ông sớm nhận thức được trách nhiệm là phải tiếp nối những dòng cảm xúc của ông cha.

Theo ông Bành, đàn Tính là loại nhạc cụ độc đáo âm thanh ngọt ngào, có sức hấp dẫn, gắn chặt với đời sống tinh thần của dân tộc Tày bao đời nay. Đàn Tính thường có 3 dây; hộp đàn làm bằng vỏ quả bầu khô; cán làm bằng thân cây gỗ.

Đối với người Tày, đàn Tính là nhạc cụ kết nối tình yêu, là linh hồn trong dân ca, dân vũ và là biểu tượng văn hóa tinh thần đặc sắc. Tiếng đàn Tính cũng chính là tiếng lòng, là tâm tư, tình cảm của đồng bào nơi đây. Nhìn chiếc đàn Tính với cấu trúc đơn sơ, nhưng khi các nghệ nhân cất lên nhịp điệu thì vô cùng trong trẻo, mê đắm lòng người.

Ngôn ngữ, lời Then mộc mạc, gần gũi với cuộc sống của người dân, toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc, chứa đựng tình yêu thiên nhiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, con người mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt.

Gần 50 năm gắn bó với cây đàn Tính và 20 năm với nghề làm đàn, mỗi cây đàn ông làm ra đều chứa đựng tâm huyết của một nghệ nhân, cho dù phải mất 10 ngày, thậm chí cả tháng mới hoàn thành sản phẩm. Ông quan niệm, làm đàn là để văn hóa, hồn cốt người Tày không bị mai một theo thời gian.

Hiện nay, ông là một trong số ít những người tại Hà Giang có khả năng chế tác đàn Tính có chất lượng tốt về cả hình dáng và âm thanh. Ngoài chế tác đàn Tính, để lưu giữ được những giá trị văn hóa thiêng liêng của làn điệu Then, Nghệ nhân Nguyễn Văn Bành đã tỉ mỉ ghi chép lại những câu hát Then cổ và sáng tác những làn điệu Then mới.

Để có sự lan tỏa, ông cùng vợ mình tham gia vào Hội Nghệ nhân dân gian xã Phương Tiến. Tranh thủ những lúc nông nhàn, các thành viên trong Hội lại ngồi quây quần bên nhau say sưa tập luyện. Rồi, ông cùng các thành viên trong Hội tham gia giao lưu văn nghệ tại nhiều nơi, truyền lửa lại cho thế hệ trẻ với mong muốn giữ lại được nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Ở Phương Tiến, ngoài việc lưu giữ được nhiều lời Then cổ, Hội Nghệ nhân dân gian nơi đây còn tham gia đặt lời mới cho làn điệu Then… Những lời Then được dệt nên từ tấm lòng tri kỷ với văn hóa truyền thống của quê hương.

Lời Then mới hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc cầu cho mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh, ca ngợi sự đổi thay của quê hương, đất nước, cũng có khi là lời giáo dục cho con cháu về những điều hay, lẽ phải.

Bên cạnh đó, các thành viên còn tự tìm tòi sưu tầm, học hỏi từ cách hát Then của một số địa phương, như: Cao Bằng, Bắc Kạn hay các Hội hát Then, đàn Tính khác trên địa bàn huyện, tỉnh...

Nuôi dưỡng khát vọng

Ông Bành cho biết: Hát Then ngày xưa không phải là để đi biểu diễn, mà chỉ là hát trong lễ hội hoặc ngày xuân nhằm giao duyên với nhau. Then là một loại hình nghệ thuật truyền miệng, có một thời gian các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội, hát giao duyên không còn duy trì nên hát Then cứ dần ra khỏi đời sống của người dân.

Cũng bởi vậy, ông Bành hết lên núi cao lại về nơi bờ suối để sưu tầm những câu hát Then, tìm tòi những bài cúng mang ý nghĩa tâm linh của người bản Tày. Bởi theo ông, việc bảo tồn và phát huy Then là cần thiết, góp phần bảo lưu các phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của người Tày.

Đối với người đàn ông rất mực tài hoa của núi rừng Vị Xuyên này, trách nhiệm của nghệ nhân hát Then không dừng lại ở việc trau dồi kỹ năng và sáng tác, mà phải dùng vốn tri thức của mình để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ.

Ông Bành sợ, một ngày nào đó, khi thế hệ những người già như ông nằm xuống, thì tiếng đàn Tính, một nét văn hóa rất riêng biệt của vùng đất biên viễn này cũng bị “chôn” theo. Vậy nên suốt mấy năm nay, dù sức khỏe đã suy giảm đi nhiều, ông vẫn kỳ cụi đi truyền dạy đàn Tính, hát Then khắp các địa phương trong tỉnh.

Ông Bành cũng cho biết: Hát Then vừa khó lại vừa dễ, quan trọng là phải có hứng thú luyện tập. Đối với người đã biết sơ qua về đàn Tính, hát Then ông tìm cách góp ý, sửa đổi để họ đánh đàn và hát theo đúng điệu Then cổ truyền thống của địa phương.

Đội Nghệ nhân dân gian xã Phương Tiến tập luyện làn điệu Then.

Đội Nghệ nhân dân gian xã Phương Tiến tập luyện làn điệu Then. 

Tính đến nay, số học viên theo học với ông đã lên đến mấy trăm người, đủ mọi lứa tuổi, từ những người đã cơ bản biết đánh đàn, hát Then hay nhưng cô cậu học trò chưa từng làm quen với đàn Tính, câu Then.

Cứ có nơi mời dạy đánh đàn Tính, hát Then là ông Bành lại lên đường, không quản ngại đường sá xa xôi, mưa rét và cũng không đưa ra bất kỳ một mức học phí nào, tất cả đều là tự nguyện và đa phần là miễn phí.

“Những năm trước, rất nhiều nơi mời tôi đến dạy đàn, hát. Gần thì trong xã, xa hơn thì dưới huyện, trong thành phố. Nhiều nhất là lời mời của các trường học và các câu lạc bộ văn hóa của thôn, bản. Khoảng một năm trở lại thì ít hơn do tình hình dịch bệnh, nhưng mỗi khi có nơi nào liên hệ là tôi lại xin phép vợ mình ôm đàn, lên xe để đi dạy.

Vui nhất và cũng vất vả nhất là dạy đánh đàn và hát Then cho các cháu học sinh. Các cháu đa phần chưa tiếp xúc nhiều với cây đàn, văn hóa hát Then cổ. Chính vì giống như một tờ giấy trắng nên dễ truyền thụ và khai phá năng khiếu của các cháu hơn. Nhưng tuổi trẻ mải chơi, ít tập trung nên mình phải tìm cách uốn nắn và chỉ bảo từ từ” - ông Bành tâm sự.

Đến nay, ông Bành cũng không nhớ rõ cụ thể mình đã dạy cho bao nhiêu lớp học, bao nhiêu học sinh. Chỉ biết rằng, có rất nhiều em học sinh sau khi được ông Bành hướng dẫn đã có thể đệm đàn và hát được các bài Then cơ bản. Cũng có nhiều cháu học sinh có tố chất nên khi đi tham gia các hội diễn văn nghệ truyền thống đoạt giải cao, là hạt nhân văn nghệ của lớp, của trường. Điều đó làm ông Bành rất tự hào và mãn nguyện.

Một điều nữa làm ông Bành tâm đắc đó là, những năm qua huyện Vị Xuyên là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện Đề án đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học. Việc mở lớp học hát Then, đàn Tính trong các trường học, học sinh sẽ thấy gần gũi và nhanh chóng hiểu được giá trị cũng như ý nghĩa của văn hóa này.

Em Hoàng Hà Tuấn Dương, học sinh lớp 7, Trường THCS – THPT xã Phương Tiến, cho hay: Em rất thích lớp học đàn Tính và hát Then của ông Bành.

Sau một thời gian được ông Bành dạy bảo, hiện em đã thuộc lời, nhớ điệu nhiều bài hát Then, được tham gia biểu diễn tại Hội thi dân ca, dân vũ của trường. Em rất tự hào vì biết hát Then và khi tham gia biểu diễn, em rất tự tin được thể hiện các bài Then truyền thống của dân tộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.