Lớp học hát Then miễn phí
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Cao Bằng – cái nôi của nghệ thuật hát Then. Năm 2014, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc, cô gái Tày xinh đẹp Chu Hải Hậu (SN: 1990) có giọng hát hút hồn người nghe ấy về công tác tại Phòng Văn hoá huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Nên duyên chồng vợ với anh Triệu Kim Thăng ở xã Yên Ninh (Phú Lương) nên hai năm sau, cô Hậu theo chồng về Thái Nguyên.
Với niềm đam mê và mong muốn lan tỏa tình yêu với di sản văn hóa của của dân tộc, cô Chu Hải Hậu đã mở lớp dạy hát then miễn phí cho các em học sinh trong vùng tại xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương.
Cô Hậu cho biết: Tôi có tình yêu đặc biệt với hát then, bởi từ nhỏ đã được nghe ông bà, cha mẹ, những người lớn tuổi ở trong gia đình, thôn xóm hát then vào những dịp lễ, dịp tết. Lớp học hát then không chỉ là sân chơi, nơi giao lưu của những người đam mê và có tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc mà từ lớp học ấy, nghệ thuật hát then đã được lan tỏa nhiều chương trình, sự kiện cấp huyện, cấp tỉnh. Lớp học được diễn ra đều đặn trong suốt 5 năm qua còn học phí thì chỉ được tính bằng phần trả bài hoàn thiện của các em, trong mỗi câu hát Then, mỗi nhịp đàn Tính.
Cô giáo Chu Hải Hậu cùng học sinh tại lớp học hát then miễn phí. |
Hồi đầu mới mở lớp cũng có không ít khó khăn do các em học sinh sống ở vùng miền núi, ngày nghỉ phải ở nhà phụ giúp gia đình các công việc, nhiều gia đình do chưa hiểu nên không ủng hộ. Lúc đó, cô Hậu phải đến từng gia đình để trò chuyện mong các bậc phụ huynh tạo điều kiện cho con theo học.
Vừa vận động, thuyết phục gia đình, vừa động viên các em có năng khiếu để các em theo đuổi niềm đam mê. Ngoài thời gian dạy học trên lớp, cô Hậu còn cho các em mượn đàn về tập, bất cứ khi nào muốn học cô Hậu cũng luôn nhiệt tình, sẵn sàng chỉ bảo.
Em Lý Thị Ngọc Trâm, xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh chia sẻ: Em và các bạn đều rất thích học hát Then, đánh đàn Tính do cô Hậu giảng dạy. Lời hát then có ý nghĩa và có tính giáo dục rất cao. Thông qua những bài hát ca ngợi về quê hương, đất nước, tổ quốc với lời ca đầy ngọt ngào, sâu lắng em và các bạn thêm trân trọng văn hóa dân tộc.
Bên cạnh đó, nhờ tham gia vào lớp học hát then, em đã được lựa chọn và trở thành một trong những thành viên của Đội văn nghệ Nhà Trường, được phô diễn, lan tỏa những làn điệu then đã học đến mọi người xung quanh.
Em Triệu Kim Nhật Thành, xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh cho biết: Mặc dù mới tham gia lớp học hát then do cô Hậu dạy được ít buổi, nhưng em đã đánh được một vài bài. Nhờ đó, em cảm thấy thêm yêu quê hương, đất nước hơn.
Nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa
Trở về xóm Suối Bốc, xã Yên Ninh, huyện Phú Lương sinh sống, cô Hậu đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội, là Chi hội phó Chi hội Phụ nữ xóm, tham gia Ban Công tác Mặt trận xóm, Uỷ viên Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã…
Với những cống hiến của mình, năm 2017, Hậu được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đồng thời, cô Hậu cũng là hạt nhân tích cực được Phòng Văn hoá Thông tin huyện Phú Lương, thường xuyên được mời tham gia trong các hoạt động biểu diễn, bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu Then của dân tộc Tày trong và ngoài tỉnh.
Càng truyền dạy hát Then, đàn Tính, cô Chu Hải Hậu càng thấy đam mê và mong ước, mỗi nóc nhà nơi cô đang ở có một người biết hát Then, đàn Tính. Cô Hậu cũng muốn thành lập một câu lạc bộ văn nghệ nòng cốt ở địa phương để khi có các chương trình ngày lễ, câu lạc bộ sẽ lên biểu diễn, mang những lời ca, tiếng hát để phát huy bản sắc dân tộc Tày. Bởi, hát Then không chỉ là “đặc sản” của dân tộc Tày mà đã là di sản văn hoá phi vật thể của cả nhân loại.
Cô giáo Chu Hải Hậu bên cây đàn tính. |
Cô Hậu khẳng định: “Tôi thấy rằng việc nhân rộng mô hình dạy học sinh hát Then, đàn Tính sẽ rất ý nghĩa. Để một văn hóa được phát triển sâu rộng thì mỗi cá nhân phải cùng nhau chung sức, đồng lòng gìn giữ, trao truyền thì giá trị văn hóa mới được khôi phục và bảo tồn bền vững.
Chính bởi vậy, tôi rất mong muốn được các cấp ngành, chính quyền địa phương quan tâm cùng tổ chức thực hiện để từng bước đưa hát then vào trong trường dạy học giống như điệu nhảy Tắc xình đã được đưa vào các nhà trường trên địa bàn huyện để giảng dạy cho học sinh'.