Người trẻ lan tỏa nét đẹp di sản đạo học

GD&TĐ - 70 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi vẽ tranh 'Tiếng vang lịch sử' được trưng bày tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Nông Quỳnh Nha (giữa) đoạt giải Nhì với tác phẩm 'Bia hiếu học'.
Nông Quỳnh Nha (giữa) đoạt giải Nhì với tác phẩm 'Bia hiếu học'.

Những câu chuyện ý nghĩa đằng sau tác phẩm của những người trẻ tham gia cuộc thi vẽ tranh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã truyền cảm hứng mạnh mẽ về giá trị tinh hoa đạo học.

Người trẻ với di sản xưa

70 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi vẽ tranh “Tiếng vang lịch sử” được trưng bày tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đang thu hút đông đảo công chúng trong và ngoài nước đến tham quan và chiêm ngưỡng những vẻ đẹp từ góc nhìn của người trẻ.

TS Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, cuộc thi “Tiếng vang lịch sử” nhằm khơi gợi đam mê, sáng tạo của các bạn trẻ. Đồng thời khuyến khích học sinh, sinh viên quan tâm, tìm hiểu về di sản đạo học nói riêng và di sản văn hóa nói chung.

Sau gần 4 tháng hoạt động sôi nổi, cuộc thi vẽ tranh về Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã kết thúc và thu nhận những kết quả bất ngờ, khi ban tổ chức nhận được gần 200 tác phẩm hội họa với các chất liệu đa dạng từ sơn dầu, lụa, khắc gỗ, bút sắt đến acrylic và màu nước…

Các tác phẩm dự thi thể hiện sự đa dạng về góc nhìn, câu chuyện, ý tưởng cũng như chất liệu biểu đạt. Các hình tượng kiến trúc như cổng Văn Miếu, Khuê Văn Các, Nhà bia Tiến sĩ cùng các họa tiết đặc trưng như đầu đao, long, phượng, quy… trở thành những nguyên liệu để các thí sinh khai thác và thể hiện tác phẩm.

Mỗi tác phẩm đều thể hiện những nội dung riêng biệt, nhưng đều chứa đựng tinh thần sáng tạo và tình yêu dành cho Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Dưới góc nhìn của thế hệ Gen Z, di sản đạo học không chỉ tỏa sáng tinh thần học tập thời xưa, mà còn nhắc nhớ về sứ mệnh tiếp nối của thế hệ ngày nay.

70 tác phẩm đẹp nhất lọt vào chung kết đã được trưng bày, không chỉ với tinh thần của một cuộc triển lãm hội họa thông thường, mà còn nhấn mạnh các giá trị kết nối giữa truyền thống với đương đại, giữa đạo học xưa với đạo học nay, giữa góc nhìn của người trẻ với công chúng để thổi bùng sức sống mới của tinh hoa đạo học – tinh hoa Việt Nam.

“Các tác phẩm phản ánh rất đa dạng cung bậc cảm xúc, góc nhìn của các bạn trẻ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cùng với các chương trình, các tour trải nghiệm thì cuộc thi chính là cầu nối giữa quá khứ và cuộc sống đương đại, giữa các bạn trẻ với di sản, để mỗi người thêm hiểu, thêm yêu, thêm trân trọng các giá trị cha ông”, TS Lê Xuân Kiêu cho hay.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cũng đánh giá đây là sự kiện hay và ý nghĩa, không chỉ gieo nơi người trẻ các giá trị về di sản, mà còn lan tỏa và thúc đẩy lòng tự hào và ý thức bảo tồn, phát huy, quảng bá di tích đến đông đảo công chúng.

nguoi-tre-lan-toa-net-dep-di-san-dao-hoc-1.jpg
Tác phẩm 'Dòng sử' của họa sĩ trẻ Nguyễn Anh Tài đoạt giải Nhất cuộc thi.

Tái hiện tinh thần cốt lõi của đạo học

Triển lãm các tác phẩm cuộc thi “Tiếng vang lịch sử” không chỉ thu hút công chúng trong nước, mà khách tham quan nước ngoài cũng rất thích thú với các họa phẩm sáng tạo từ tinh cốt di sản. Anh Adrien và chị Sue đến từ Vương quốc Anh cho biết, rất ấn tượng các tác phẩm và thấy được Văn Miếu dưới nhiều góc nhìn đa sắc, thú vị. Du khách Lucas đến từ Đức thổ lộ rằng, anh đặc biệt thích bức tranh “Bia hiếu học”. Dưới những nét vẽ đầy nghệ thuật, di sản hiện ra thật sinh động và ấn tượng.

Tác giả “Bia hiếu học” là Nông Quỳnh Nha – sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, giành giải Nhì cuộc thi. Tác phẩm được thể hiện trên chất liệu đồ chơi hoạt hình in nổi - một chất liệu khá mới lạ đối với công chúng, nhưng lại mang đặc trưng sáng tạo của thế hệ Gen Z.

Quỳnh Nha nói rằng, tuy chất liệu mới lạ và ít người biết tới, nhưng vật liệu làm nên tác phẩm lại khá thân thuộc – đó là đồ chơi xếp hình bằng nhựa. Cô đã sử dụng một tấm đế và các loại mảnh ghép khác nhau về hình dáng cũng như kích thước. Sau đó, ghép các mảnh ghép theo ý đồ trên tấm đế để tạo hình tác phẩm và thực hiện lăn mực in lên giấy.

nguoi-tre-lan-toa-net-dep-di-san-dao-hoc-3.jpg
70 tác phẩm lọt vào chung kết đang được trưng bày tại Tiền đường - Nhà Thái học (Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám).

Ý tưởng để Quỳnh Nha thực hiện tác phẩm “Bia hiếu học” xuất phát từ chính các di sản mộc bản in sách từng được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tuy nhiên, sáng tạo không thể rập khuôn, nên bản thân cô gái trẻ muốn tìm một cách chuyển tải tinh thần và thông điệp theo cách của người trẻ, cách của đời sống hiện đại. Vì vậy, Quỳnh Nha đã sử dụng đồ chơi xếp hình thay cho các bản in thông thường.

“Bia Tiến sĩ được dựng lên với mục đích biểu dương và lưu danh nho sĩ hiển đạt, khuyến khích học hành thi cử và khẳng định vai trò, giá trị của nhân tài đối với quốc gia. Những bia Tiến sĩ đó đã tồn tại vài trăm năm, tiếng thơm vẫn còn mãi theo thời gian, được các thế hệ ngày nay tiếp tục phát huy.

Tuy nhiên, thời hiện đại mô hình giáo dục thay đổi, kéo theo các dụng cụ học tập cũng biến đổi, từ bút lông, đèn dầu trở thành bút chì, bút bi, đèn bàn… nhưng những thay đổi đó chỉ là hình thức bên ngoài, còn cốt lõi bên trong là tinh thần hiếu học, là khao khát chinh phục tri thức. Vì thế mà tác phẩm “Bia hiếu học” ra đời”, Quỳnh Nha cho hay.

Nguyễn Anh Tài (sinh năm 1999) đoạt giải Nhất với tác phẩm “Dòng sử”. Trong từng nét vẽ, họa sĩ trẻ đã thổi hồn vào không gian lịch sử của Văn Miếu – Quốc Tử Giám qua lăng kính sáng tạo đầy cảm hứng, tôn vinh vẻ đẹp cổ kính qua hình ảnh lều chõng.

“Câu chuyện tôi muốn truyền tải là câu hỏi vì sao Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn được gìn giữ, phát huy tới ngày nay? Đó là do sự đóng góp của những con người, những nhân tài của đất nước. “Dòng sử” kể về hành trình học tập, đỗ đạt của một sĩ tử, ước mong được đem tài năng và đức hạnh phụng sự đất nước, tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông”, họa sĩ Nguyễn Anh Tài cho hay.

“Tuy là sáng tạo nhưng vẫn cần đến sự cẩn thận, chính xác, dựa trên các nguồn sử liệu chính thống, tránh các sai lệch đáng tiếc. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, thông tin rất nhiều, rất phong phú nhưng cũng đầy những lệch lạc nên phải thẩm định rất kỹ, về các khoa thi lẫn dụng cụ học tập thời xưa, sau đó mới chuyển hóa thành các biểu tượng để hiện diện trên tác phẩm”, tác giả Nông Quỳnh Nha cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ