Người tổng kiểm duyệt bộ chính sử lớn nhất triều Nguyễn

GD&TĐ - “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” là bộ chính sử quan trọng và quy mô nhất triều Nguyễn. Vua Tự Đức tin tưởng giao cho Phạm Thận Duật trọng trách tổng kiểm duyệt.

Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật được khởi xướng từ năm 2000.
Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật được khởi xướng từ năm 2000.

Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật kết hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vừa tổ chức lễ tưởng niệm 136 năm ngày mất danh nhân Phạm Thận Duật, và trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật cho những luận án tiến sĩ khoa học lịch sử đạt kết quả xuất sắc.

Nhà sử học xuất sắc

Chân dung Phạm Thận Duật.

Chân dung Phạm Thận Duật.

Phạm Thận Duật sinh năm 1825 ở làng Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc (Yên Mô - Ninh Bình) và mất cuối tháng 11/1885 trên đường đi đày từ Côn Đảo đến đảo Tahiti, do án lệnh của thực dân Pháp.

Xuất thân từ một gia đình Nho học nên từ nhỏ, Phạm Thận Duật đã thể hiện sự thông minh hiếu học. Ông là học trò xuất sắc của hai danh sĩ đương thời là Vũ Phạm Khải và Phạm Văn Nghị. Năm 1850, ông đỗ cử nhân và ra làm quan với chức Giáo thụ phủ Đoan Hùng, rồi làm Tri châu Tuần Giáo.

Trong 2 năm ngắn ngủi, Phạm Thận Duật đã biên soạn xong “Hưng Hóa ký lược” - cuốn địa chí tiêu biểu vùng Tây Bắc. Với vốn hiểu biết sâu sắc, “Hưng Hóa ký lược” vừa mang đậm chất kinh sử, vừa mang đậm bản sắc dân tộc.

Sau này, GS. Philippe Le Failler - Trưởng Đại diện Viện Viễn đông bác cổ Pháp tại Hà Nội (EFEO) đã rất ngạc nhiên khi đọc “Hưng Hóa ký lược”, vì thấy tác phẩm này hai câu chuyện cùng được diễn giải: Cách nhìn của một vị quan đại diện triều đình và những tri thức bản địa gắn với vùng miền được khảo cứu kỹ lưỡng. Cùng với đó là những ghi chép về địa hình, khí hậu, sinh học, dân tộc học… như phương pháp viết sử hiện đại.

Trong suốt thời gian làm các chức quan khác nhau, ông còn để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: “Vãng sứ Thiên Tân nhật ký”, “Quan Thành văn tập”, “Quan Thành tấu tập” và một số bài văn bia rải rác một số nơi.

Là nhà sử học uy tín, Phạm Thận Duật đã được Vua Tự Đức tín tưởng giao cho trọng trách tổng kiểm duyệt bộ chính sử lớn nhất triều Nguyễn “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”.

“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” là bộ chính sử lớn thứ hai của Việt Nam viết dưới thể văn ngôn. Bộ sách do vua Tự Đức chỉ đạo biên soạn vào năm 1856, do Phan Thanh Giản làm tổng tài, Phạm Thận Duật làm tổng kiểm duyệt.

Bộ chính sử này vừa tiếp thu được nhiều thành tựu của các sử gia đời trước, đồng thời có nhiều đóng góp riêng có giá trị. Các nhà nghiên cứu ngày nay đều coi “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” là hai bộ sử quan trọng làm điểm khởi phát để nghiên cứu các vấn đề liên quan.

Ngoài ra, Phạm Thận Duật còn được triều đình giao sửa lại bộ sử “Dực Anh Tông Hoàng đế thực lục chính biên”, tức là sách “Đại Nam thực lục - Đệ tứ kỷ”, một bộ sách ghi lại các sự kiện lịch sử dưới triều vua Tự Đức.

Thảo chiếu Cần Vương

“Trong thời gian Phạm Thận Duật đi sứ Trung Quốc, nước nhà có nhiều biến cố: Vua Tự Đức mất, vua Dục Đức lên ngôi được ba ngày thì bị phế, Pháp đánh chiếm cửa Thuận An… Phạm Thận Duật nổi lên hàng đầu và được phái kháng chiến tin cậy. Ông đã dâng biểu báo cáo hoàn thành bộ Quốc sử và công bố “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”” – Cố GS Đinh Xuân Lâm.

Phạm Thận Duật từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Tuần phủ Hà Nội, Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Tổng đốc Bắc Ninh - Thái Nguyên, Khâm sai hà đê sứ phụ trách trị thủy sáu tỉnh vùng tả ngạn sông Hồng, Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc Tử Giám, Cơ mật viện đại thần...

Không chỉ là một nhà sử học uy tín, Phạm Thận Duật còn là một nhà văn hóa lớn với tư tưởng nhân văn sâu sắc. Sự nghiệp văn hóa của ông để lại trên nhiều mặt hoạt động: Giáo dục, sử học, khoa học trị thủy, khảo cứu sưu tầm, ngôn ngữ, phong tục tập quán… Ông còn có vốn tri thức sâu sắc về quản lý hành chính, quân sự, chính trị, ngoại giao, hình luật và kinh tế.

Năm 1885, ông cùng Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị, thảo chiếu Cần Vương kêu gọi chống Pháp. Phạm Thận Duật bị Pháp bắt khi vua Hàm Nghi cử ông là Khâm sai đại thần ra Bắc để chiêu tập nghĩa sĩ. Ngày 29/11/1885, trên đường lưu đày từ Côn Đảo đến đảo Tahiti, ông qua đời trên biển.

Tương truyền, ông được liệm trong một bộ quần áo trắng, thi hài thả xuống biển khơi. Mấy năm sau, con cháu và người làng biết tin ông mất, đã lập mộ giả tại làng quê để tưởng niệm.

Trên nấm mộ có một tấm bia đá do Vũ Kế Xuân soạn, nói về hành trạng huy hoàng của Phạm Thận Duật, nhưng phải chôn sấp mặt bia để che mắt giặc Pháp. Năm 1961, sau 73 năm, bia mới được dựng lên để mọi người biết công trạng và tài đức của ông.

Từ năm 2000, Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật ra đời với mục đích góp phần động viên, khuyến khích các tài năng sử học, vinh danh các tiến sĩ sử học xuất sắc, góp phần vào sự nghiệp phát triển ngành khoa học lịch sử nước nhà.

Mùa giải thứ 22 vừa được tổ chức, có 6 luận án tiến sĩ sử học xuất sắc nhất đã được lựa chọn để trao Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật. Với các tiêu chuẩn khắt khe chấm giải, luận án “Giáo dục miền Nam Việt Nam dưới thời chính quyền Sài Gòn” của TS Nguyễn Kim Dung đã đạt giải Nhất.

PGS. Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đánh giá cao chất lượng và nội dung các luận án tiến sĩ được trao giải. Đặc biệt các nghiên cứu sinh và các cơ sở đào tạo đã rất nỗ lực vượt qua được nhiều khó khăn vì tác động ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.