Người thương binh hơn 20 năm "làm báo" không "nhuận bút"

GD&TĐ - Qua tuổi 80, tóc bạc trắng, đôi chân đi lại không còn nhanh nhẹn nhưng ông Nguyễn Văn Tích vẫn miệt mài đi dán báo, viết bản tin hay khẩu hiệu...

Ông Nguyễn Văn Tích hướng dẫn dán và đọc báo cho các em học sinh.
Ông Nguyễn Văn Tích hướng dẫn dán và đọc báo cho các em học sinh.

Hơn 20 năm qua, việc làm của ông góp phần duy trì nếp sống văn hóa ở khu dân cư số 12 phường Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội)…

Đẹp những bảng tin

Dẫn đường vào nhà ông Tích “dán báo”, Bí thư kiêm Tổ trưởng tổ dân phố số 23 phường Trung Liệt – Cao Văn Ngạc chỉ cho chúng tôi “góc sản phẩm” mà ông Tích dày công chăm sóc, duy trì suốt hơn 20 năm. Đó là khu bảng tin, rộng chừng 4m2 đặt ngay tại ngách 3/24 phố Thái Hà.

“Ở tuổi đã hơn 80, tóc bạc trắng, đôi chân đi lại không còn nhanh nhẹn, lại là thương binh, phơi nhiễm chất độc da cam dioxin ở chiến trường nên mỗi khi trái gió trở trời, ông lại bị bệnh hành hạ đến thở cũng khó.

Tuy nhiên, người lính dũng cảm trong chiến đấu năm nào vẫn hàng ngày làm việc không lương để duy trì nếp văn hóa khu dân cư được tổ dân phố tín nhiệm, nhân dân yêu mến…”, ông Ngạc chia sẻ.

Góc bảng tin của tổ dân phố số 23 gồm hai dãy bảng, trong đó có hai bảng treo báo, hai bảng treo ảnh và sơ đồ khu dân cư. Xen giữa là bảng tin viết bằng phấn cập nhật thông báo các hoạt động của Đảng, chính quyền, MTTQ và sinh hoạt trong chính khu dân cư này. Bảng chỉ rộng chừng 4m2 nhưng đầy đủ thông tin, đủ các bài báo từ thời sự, thể thao, sức khỏe cho tới những trang thơ hay.

Ông Cao Văn Ngạc cho biết, với hơn 1.400 nhân khẩu, khu dân cư cần nhiều không gian phát triển văn hóa đọc. Trong đó, bảng thông tin là cách tiếp cận phù hợp nhất. Bởi lẽ, không phải ai cũng đến thư viện đặt tại nhà văn hóa để đọc trong khi chỉ cần đi ngang qua bảng tin là có thể đọc một cách dễ dàng.

“Khoảng 80% cư dân là bộ đội nên chính quyền bố trí 4 bảng tin ở các vị trí dễ nhìn, đầu ngõ, giao cắt ngã 3 để người dân tiếp cận các thông tin, chính sách của Đảng và Nhà nước…”, ông Ngạc chia sẻ.

Các em học sinh hào hứng đọc báo tại bảng tin ngách 3/24 phố Thái Hà.
Các em học sinh hào hứng đọc báo tại bảng tin ngách 3/24 phố Thái Hà.

Ý tưởng thì hay nhưng khi tổ bắt đầu dán báo, viết các nội dung tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước thì có lời ra tiếng vào vì “ít thông tin và hình ảnh đơn điệu”.

“Một số gia đình ở gần bảng tin chỉ muốn “xóa sổ” cái bảng tin toàn chữ, nhàm chán ấy. Trong khi đó, khu phố thì họp lên họp xuống về việc thuê người duy trì bảng tin ấy cho hấp dẫn nhưng không có ai nhận…”, ông Cao Văn Ngạc bộc bạch.

Từng là cán bộ tuyên huấn rồi làm cán bộ Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam), ông Nguyễn Văn Tích thấu hiểu việc xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phải có “nền móng” là văn hóa đọc. Do vậy, ông không ngần ngại xung phong đảm nhận duy trì hoạt động của bảng tin. Công việc mà mọi người hay đùa vui là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Ông Tích cho biết, 24 năm trong quân đội, bản thân ông hiểu rõ sức mạnh của việc truyền thông tin qua sách báo, nên điều này càng thôi thúc ông đều đặn dán báo trên bảng tin. “Cập nhật báo lên bảng tin không chỉ là đưa thông tin cho nhân dân khu phố, mà còn gián tiếp giáo dục văn hóa đọc cho bà con, nhất là lớp trẻ…”, ông Tích nói.

Theo ông Tích, công nghệ ngày càng phát triển, nhiều người thay đổi thói quen, chuyển sang đọc báo điện tử, song vẫn còn đông đảo người dân vẫn thích đọc báo giấy vì những thông tin được chọn lọc, chi tiết, rõ ràng hơn về một vấn đề, sự việc, sự kiện.

“Nhiều khi bà con đọc báo để kiểm chứng thông tin có đúng không, sự thật ra sao vì nhiều thông tin lan truyền trên Internet không do phóng viên, nhà báo chắp bút”, ông Tích chia sẻ.

Là người hết mình với công việc, ông Tích còn cất công đi tìm nguồn cung cấp báo từ bạn học, đồng nghiệp cũ, những người có chế độ cấp báo để bảng tin có thêm nhiều “món mới”.

Những dịp có hội báo, ông thường tới tham dự khai mạc để mang những tờ báo đặc biệt này về. Có lần tham dự Hội Báo Xuân, ông xin được rất nhiều báo, đến mức phải đóng thùng để chở về.

Có lần do sức khỏe yếu, ông phải nằm viện nhưng không quên nhờ vợ con “thay mình” dán những tờ báo mới lên bảng thông báo. Theo lời bà con xóm giềng, ông Tích là một người ham nghiên cứu, ham đọc, luôn tìm tòi cái mới, cái đẹp để trình bày những khẩu hiệu, cổ động lên bảng tin sao cho hấp dẫn người xem nhất.

Còn những trăn trở

Ông Nguyễn Văn Tích duy trì việc dán báo ở bảng tin hàng ngày.
Ông Nguyễn Văn Tích duy trì việc dán báo ở bảng tin hàng ngày.

Để có được nhiều “món ngon” phục vụ bà con, ông Tích trăn trở làm sao để bảng tin đẹp hơn. Nhiều người dân không thích nội dung quá hàn lâm, đa phần bà con mong tin cần thiết, câu chuyện hay, đa dạng về các vùng miền cả nước.

Tâm niệm “làm sao để bà con đọc được thông tin chính thống”, ông Nguyễn Văn Tích phải lật giở, đọc kĩ càng và lựa chọn những trang báo phù hợp nhất trong hàng chục tờ báo giấy.

Bên cạnh đó, để thu hút bạn đọc, trên bảng tin còn có nhiều trang bóng đá để phục vụ thanh niên; trang truyện cổ tích, trang thơ phục vụ các em thiếu niên, nhi đồng… Đến những ngày có sự kiện, phong trào như Ngày sinh Bác Hồ, Ngày Tết Thiếu nhi, bầu cử Quốc hội, các trang báo, hình ảnh đẹp, nổi bật nhất sẽ được dán lên.

Cùng với bảng báo, bảng ảnh còn được ông Tích trang trí rất tỉ mỉ. Ông dùng máy ảnh gia đình chụp các buổi sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt hè hoặc Tết Trung thu của các cháu, sau đó đem in thành ảnh, ép plastic để trưng bày.

Ông Tích vui vẻ khoe: “Bây giờ công nghệ hiện đại, chỉ cần lưu các ảnh đẹp vào USB, sau đó in thành tấm bìa khổ lớn treo lên, vừa rẻ lại vừa đẹp. Vui nhất đó là bảng tin thường xuyên có người đến đọc và xem”.

Những hình ảnh lưu niệm về những thành tích trong học tập, văn nghệ của các cháu học sinh trong khu phố cũng được “trưng lên” nhằm tuyên dương, động viên những bạn cùng cố gắng.

“Đồng hành” với ông Tích vào những ngày nghỉ, em Nguyễn Khánh Thư – học sinh lớp 7, Trường THCS Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) - bày tỏ rất thích được đi cùng ông Tích để dán báo và đọc những thông tin mới trên bảng tin.

“Việc đọc sách báo, thông báo ở bảng tin giúp chúng em biết các sự kiện và hoạt động ở khu dân cư. Do nghỉ hè không đến trường, vì vậy em chọn bảng tin khu dân cư để đọc sách báo duy trì việc học tập…”, Khánh Thư chia sẻ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Thao Hùng - Chủ tịch UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) - nhấn mạnh, việc dán báo của ông Nguyễn Văn Tích không chỉ góp phần làm đẹp khu dân cư, mà con lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

“Tổ dân phố số 23 phường Trung Liệt học tập bác Tích rất nhiều về cách sống, nếp sống. Những bài báo hay, bài thơ viết được bác Tích đưa lên bảng tin còn là sân chơi bổ ích để lan tỏa văn hóa đọc trong khu dân cư…”, ông Hùng chia sẻ.

Theo ông Hùng, công nghệ 4.0 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đọc báo giấy. “Cùng với báo mạng, phường Trung Liệt vận động các ban, ngành, đoàn thể duy trì phát huy truyền thống văn hóa đọc sách báo. Ông Nguyễn Văn Tích chính là tấm gương sáng về người lính cụ Hồ gương mẫu, một đảng viên kiên trung với Đảng, tận tụy với nhân dân...”, ông Hùng nhấn mạnh.

Ngoài việc duy trì bảng tin, ông Nguyễn Văn Tích còn là tác giả của nhiều bài viết hay trong Cuộc thi phát hiện, viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt quận Đống Đa. Năm 2017, ông vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ