Nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người mua nhà xã hội ở TPHCM

GD&TĐ -Nhà nước hỗ trợ nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người mua nhà xã hội ở TPHCM như cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...

Họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, ngày 15/8. (Ảnh: Thành Nhân).
Họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM, ngày 15/8. (Ảnh: Thành Nhân).

Chiều 15/8, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM thông tin về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2024.

Hỗ trợ 350 tỷ đồng cho 100 khách hàng

Theo ông Lệnh, về chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, trong 7 tháng năm 2024, trên địa bàn TPHCM thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp với số tiền đạt trên 350 nghìn tỷ đồng cho hơn 100 nghìn khách hàng.

Đây là chương trình hoạt động và giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng TP đối với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Chương trình này do NHNN chi nhánh TPHCM phối hợp cùng Sở Công thương và các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện với hình thức hỗ trợ do các ngân hàng thương mại (NHTM) tự nguyện giảm lãi suất, cho vay mới lãi suất phù hợp và tăng hạn mức tín dụng.

Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố có thể liên hệ Phòng Kinh tế, Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức để nắm bắt thông tin về các NHTM đang thực hiện gói tín dụng này, từ đó tiếp xúc trực tiếp với cán bộ ngân hàng để tìm hiểu thêm các quy định, tiêu chí cụ thể.

3. Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP (2).JPG
Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM. (Ảnh: Thành Nhân).

Tiếp đó, chương trình cho vay bình ổn thị trường do sở Công thương chủ trì phối hợp NHNN chi nhánh TPHCM. Đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ theo chương trình đạt khoảng 4.400 tỷ đồng, cho vay đối với 15 doanh nghiệp bình ổn và 19 doanh nghiệp nghiệp trong chuỗi cung ứng.

Đối tượng của chương trình là một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh một số mặt hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường; lãi suất được ưu đãi thấp hơn lãi suất cho vay thông thường trên thị trường do một số ngân hàng tham gia tự nguyện ưu đãi lãi suất.

Các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia chương trình bình ổn thị trường TP liên hệ Sở Công thương để tìm hiểu, nắm bắt thông tin chi tiết.

6 dự án cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân

Đối với chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, hiện nay trên địa bàn có 6 dự án được UBND TP Hồ Chí Minh công bố theo danh mục (đợt 1). Trong đó, 1 dự án đã giải ngân theo gói tín dụng này, hạn mức đạt 680 tỷ đồng, dư nợ đến cuối tháng 6/2024 đạt 170,14 tỷ đồng.

Đây là chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng do NHNN Việt Nam chủ trì triển khai, trong đó chủ lực là 4 NHTM vốn Nhà nước (Agribank, BIDV, VCB, Vietinbank). Năm 2024, bổ sung thêm các ngân hàng tham gia chương trình với nguồn vốn là 5.000 tỷ đồng/ngân hàng, gồm các NHTM cổ phần.

Đối tượng vay vốn là các pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định, gồm: Khách hàng là chủ đầu tư dự án; khách hàng là người mua nhà ở tại dự án.

Lãi suất áp dụng thực hiện theo thông báo của NHNN, mức lãi suất cho vay của NHTM áp dụng đối với các khoản cho vay đối với khách hàng đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ cho giai đoạn từ ngày 1/7/2024 - 31/12/2024.

3ba268f26a35ce6b9724 (1).jpg
Một khu nhà ở xã hội ở tỉnh Bình Dương. (Ảnh: M.T).

Cụ thể, lãi suất cho vay đối với khách hàng là người mua nhà ở tại các dự án là 6,5%/năm; lãi suất cho vay đối với khách hàng là chủ đầu tư dự án là 7%/năm. Thời gian giải ngân của chương trình đến khi doanh số giải ngân sách đạt gói của chương trình, nhưng không quá 31/12/2030.

Chủ đầu tư và người mua nhà các dự án nêu trên có thể liên hệ chi nhánh của các thương hiệu ngân hàng nêu trên trên địa bàn để tìm hiểu thêm thông tin và tiếp cận chương trình.

Theo ông Lệnh, ngoài các chương trình, gói tín dụng nêu trên còn có gói tín dụng lâm sản, thủy sản 15 nghìn tỷ đồng (năm 2024 quy mô gói đạt 30 nghìn tỷ đồng); Tháng 6/2024, doanh số giải ngân lũy kế từ đầu chương trình đạt 2.843 tỷ đồng, dư nợ của các NHTM đến cuối kỳ báo cáo đạt 1.440 tỷ đồng với 2.015 khách hàng.

Đối tượng vay vốn của chương trình này là khách hàng có dự án/phương pháp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1% - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

“NHTM cho khách hàng vay vốn để thực hiện chương trình bằng nguồn vốn tự huy động của ngân hàng; có trách nhiệm xem xét, thẩm định, quyết định cho vay đối với khách hàng theo quy định của pháp luật về cho vay và tự chịu trách nhiệm về quyết định cho vay của mình; thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay thuộc chương trình này theo quy định hiện hành. Khách hàng thuộc đối tượng vay vốn chương trình này đến các chi nhánh NHTM thuộc các thương hiệu nêu trên để được tư vấn, giải đáp”, ông Lệnh thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ