Với 6 năm tuổi nghề nhưng Thắng có tới 37 sáng kiến kinh nghiệm làm giàu cho công ty. Kỹ sư trẻ đang nuôi khát vọng đứng trên bục giảng để truyền đạt những gì mình biết cho lớp trẻ.
Kỹ sư trẻ nhiều sáng kiến
Sinh ra và lớn lên ở Điện Bàn (Quảng Nam), bố là thương binh, mẹ là giáo viên nhưng anh Thắng sớm vào Sài Gòn để học cấp 3 chuyên Toán tại Trường Phổ thông năng khiếu - ĐHQG TPHCM, thi đỗ và học ĐH Bách khoa TPHCM - Đại học quốc gia TPHCM, chuyên ngành Điện - Điện Tử.
Sau khi ra trường năm 2010, Phan Văn Hồng Thắng đi tu nghiệp tại 3 quốc gia ở châu Âu là Ý - Áo - Đức, chuyên ngành Quản lý sản xuất và Công nghệ tự động trong ngành thép. Được sự ủng hộ của gia đình, Thắng quay về Việt Nam và vào làm Công ty Cổ phần thép tấm lá Thống Nhất từ năm 2012, lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ quản lý thiết bị máy móc công nghệ châu Âu và Mỹ.
Trong 6 năm công tác, kỹ sư Thắng có 37 sáng kiến được ứng dụng vào thực tiễn và được đánh giá cao. Trong số đó, tiêu biểu nhất là sáng kiến: Hệ thống bảng tính, so sánh và thống kê và thu nhập số liệu các thông số kỹ thuật thiết bị: Đảm bảo quá trình theo dõi đánh giá quá trình hoạt động của nhà máy. Đây là căn cứ quan trọng để tiến hành cải tiến thiết bị và năng suất.
Anh Thắng cho biết, sáng kiến này xuất phát từ vấn đề thực tiễn của nhà máy. Vấn đề chi phí trong sản xuất đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, vấn đề chi phí cho điện năng đóng vai trò rất lớn trong giá thành sản phẩm. Việc tiết kiệm điện sẽ giúp giảm giá sản phẩm bán ra, gia tăng cạnh tranh. Tuy nhiên, để làm sao tối ưu hoá quá trình sản xuất là việc không phải dễ dàng.
Lãnh đạo đơn vị từng có dự định thuê chuyên gia xây dựng bảng phân tích đánh giá các tiêu hao các quá trình để cải tiến hệ thống sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu cải tiến hệ thống sản xuất tối ưu hoá thiết bị mình đã đăng ký học cao học kinh tế và bách khoa. Trong đó kinh tế phục vụ cho các kiến thức về quản trị sản xuất, quản trị chất lượng. Bách Khoa phục vụ cho các kiến thức tối ưu hệ thống điện và năng lượng.
Từ kiến thức về quản trị sản xuất trong quá trình học kỹ sư trẻ Hồng Thắng bắt đầu khảo sát phân tích đánh giá từng khâu trong quá trình sản xuất. Từ cơ sở đó mình xây dựng “hệ thống bảng tính, so sánh và thống kê và thu nhập số liệu các thông số kỹ thuật thiết bị” như một phần trong mục tiêu chung đánh giá tổng quát các quá trình. Nhờ có sáng kiến này mà nhiều khâu quá trình sản xuất không phù hợp đã bị loại bỏ. Hiệu suất lao động được nâng cao. Tỷ lệ tiêu hao sai sót của các bộ phận do con người gây ra giảm thiểu xuống còn 3,5% so với trước.
Giải thưởng chỉ là động lực thúc đẩy bản thân!
Khi nhận được tin nằm trong 65 thanh niên trên toàn quốc được tuyên dương tại buổi lễ “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2018, do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ LĐ, TB&XH tổ chức, Phan Văn Hồng Thắng vô cùng hãnh diện và tự hào, vui vì những cố gắng của mình đã được ghi nhận, đồng nghiệp sẽ có thêm động lực tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo hơn nữa. “Nhưng niềm vui qua đi nhanh chóng bởi vì đó chỉ là một ghi nhận của mọi người đối với những nỗ lực của mình. Ngoài kia còn có rất nhiều người hơn mình giỏi hơn mình. Những gì mình làm chỉ là một giọt nước giữa đại dương mênh mông. Giải thưởng này chỉ là một động lực để thúc đẩy mình cố gắng hơn. Cố gắng cố gắng từng ngày để góp nhiều công sức hơn cho công ty” - Thắng khiêm tốn chia sẻ.
Trong giây phút được tuyên dương, được ngồi giao lưu với mọi người, anh Thắng đã nghĩ đến gia đình. Anh cho rằng nếu không có gia đình, không có người cha người mẹ tần tảo sớm hôm dạy dỗ, tạo hết điều kiện cho mình học tập nên người, nếu không có người vợ hết lòng chăm sóc ủng hộ, chung vai đấu cật đối mặt với mọi khó khăn gian khổ chia ngọt sẻ bùi, người em luôn quan tâm thương yêu lo lắng động viên, người cậu, ông bà chỉ dạy tư vấn hướng dẫn thì sẽ không có anh của ngày hôm nay.
“Trong tương lai mình sẽ tiếp tục học tập tìm tòi, cố gắng cải tiến thiết bị nâng cao năng suất hơn nữa. Đồng thời, mình cũng sẽ tiếp tục theo học các khoá bồi dưỡng kiến thức nâng cao năng lực công tác và kinh nghiệm.
Bản thân mình đã từng mong muốn được đứng trên bục giảng chia sẻ kinh nghiệm. Mình cũng có tìm một trường đại học nộp đơn tuyển dụng để tham gia giảng dạy. Đây là cơ hội để mình có thể học hỏi trao đổi thêm kinh nghiệm về chuyên môn từ đó phục vụ tốt hơn cho công việc hiện tại, xa hơn là tìm kiếm cơ hội hợp tác chia sẻ kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất với mọi người trên cả nước” - Anh Phan Văn Hồng Thắng chia sẻ.