Người thầy viết chữ bằng miệng

Phùng Văn Trường sống ở thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội). Kể về cuộc đời mình, anh không khỏi nghẹn ngào.

Từ một người tàn tật, Trường đã miệt mài khổ luyện để viết chữ bằng miệng và trở thành thầy giáo đặc biệt
Từ một người tàn tật, Trường đã miệt mài khổ luyện để viết chữ bằng miệng và trở thành thầy giáo đặc biệt

 "Sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường như bao trứa trẻ khác trong thôn Nhân Lý. Thế nhưng, đến năm lên 3 tuổi, tôi vẫn chưa thể đứng dậy được, tay chân bị liệt và không nắm được vật gì. Chạy vạy khắp nơi, gia đình đưa tôi tới bệnh viên khám thì được biết chân và tay của tôi đều bị liệt".

Lúc này, đôi tay anh vẫn cử động được nhưng rất yếu và cầm nắm các vật rất khó. Với nghị lực của bản thân và sự động viên của gia đình, Trường vẫn đi học bình thường. Năm lớp 8, vì khó khăn trên đường tới trường và các bạn đi học cùng đã tách lớp, không còn người dìu đi, anh đã nghỉ học.

Bản thân ham học, anh rất tiếc nuối khi phải bỏ dở việc tới trường. Với một cậu học sinh lớp 8 tật nguyền, việc phải dừng đến lớp khiến anh suy sụp.

Trường nhớ lại: “Ngày đó tôi vẫn cố gắng chống nạng tới lớp, nhưng tay và chân quá yếu, bị ngã thường xuyên. Đặc biệt, đôi tay không thể cầm được cây bút để viết chữ, bởi vậy mà việc học hành dang dở. Tôi rất buồn nhưng sức khỏe của mình không cho phép nên đành khép lại giấc mơ đến trường”.

Không chịu khuất phục trước số phận, Trường quyết tâm quay trở lại với từng trang sách. Công việc đầu tiên của anh là luyện cầm bút để viết. Trong lúc tuyệt vọng nhất, anh chợt có ý định ngậm bút vào miệng mà viết chữ, bắt đầu những ngày tháng khổ luyện.

Đến với lớp học của anh Trường, các cháu không những được học về kiến thức mà còn được nghe những bài học về nghị lực cuộc sống.

Đến với lớp học của anh Trường, các cháu không những được học về kiến thức mà còn được nghe những bài học về nghị lực cuộc sống.

Với những cố gắng không biết mệt mỏi, Trường đã viết chữ rất đẹp, nhìn vào khó có thể tin đó là những nét chữ được viết ra từ miệng của một người tàn tật như anh.

Cảm phục nghị lực của anh, một người phụ nữ thôn kế bên là chị Ngô Thị Hường đã quyết kết duyên cùng anh để chăm sóc anh và cùng anh vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Giữa năm 2012, đám cưới của anh chị được tổ chức giản dị trong sự chúc phúc của người dân thôn Nhân Lý.

Khi Trường viết chữ bằng miệng đã thành thạo, thấy anh viết chữ đẹp nên họ hàng gửi con nhờ dẫn viết chữ và kèm cho các cháu học. Dần dần, nhiều người trong thôn cũng mang con đến nhờ anh kèm cặp. Anh lấy đó làm niềm vui, vừa rèn chữ viết, vừa dạy cho các cháu học toán. 

Hằng ngày, những phép tính của môn toán được anh soạn cẩn thận để đến giờ học các cháu nhỏ ngồi làm. Sau đó anh chỉ bảo tận tình từng em học sinh để các cháu nhanh tiến bộ. Nhiều cháu nhỏ trong thôn đã tiến bộ rõ rệt nhờ sự kèm cặp chỉ bảo của anh.

Về công việc của mình, anh nói: "Là người tàn tật, thấy gia đình khổ sở chạy vạy chữa trị cho mình, tôi đau xót lắm. Dù còn một hơi thở tôi cũng cố gắng để là người có ích cho xã hội, làm được một công việc để bớt đi gánh nặng cho gia đình. 

Hơn nữa, việc kèm các cháu học cũng mang lại cho tôi biết bao niềm vui trong cuộc sống. Dù ngồi trên chiếc xe lăn, nhưng vẫn có các cháu đến với tôi hàng ngày, nghe tôi chỉ bảo về kiến thức, về những bài học trong cuộc sống. Như vậy là cuộc sống đã thêm phần ý nghĩa với một người tàn tật như tôi".

Theo Tri thức trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ