“Con nhà nòi” nên dạy Toán cũng như dạy Văn
Trải qua biết bao thăng trầm trong nghề nghiệp, nhưng TS Hoàng Nam Hải (SN 1962, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), giảng viên cao cấp của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng vẫn luôn nhiệt huyết, đam mê với sự nghiệp trồng người.
Thầy Hải tâm sự: “Gia đình tôi có “truyền thống” nghề giáo, ông nội tôi là một trong 2 người chữ đẹp viết chỉ dụ cho vua Bảo Đại. Hai bác và ba tôi đều là những Nhà giáo uy tín đã đào tạo nên biết bao thế hệ học trò thành đạt, có tiếng tăm trong xã hội. Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ tôi đã luôn ước mơ sau này lớn lên sẽ nối nghiệp gia đình trở thành một nhà giáo như ba tôi”.
TS Hoàng Nam Hải đang giảng dạy cho học viên lớp cao học. |
Tốt nghiệp THPT, năm 1981, thầy Hải thi đỗ vào Khoa Sư phạm Toán, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Sau 4 năm “dùi mài kinh sử”, năm 1985, thầy được nhận về công tác tại Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải 2 Đà Nẵng. Đến năm 2014, thầy chuyển công tác về giảng dạy tại Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng.
Để mang lại những giờ học bổ ích và lí thú, thầy Hải cho rằng, ngoài chuyên môn vững vàng, tài năng sư phạm, người thầy cần phải biết truyền cảm hứng, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê, khát khao tri thức cho người học. 38 năm qua, thầy Hải vẫn luôn là “ngọn Hải Đăng” định hướng, dẫn dắt và truyền cảm hứng trong chuyên môn nghề nghiệp cho hàng ngàn học viên, sinh viên ở miền Trung – Tây Nguyên. Nhiều thế hệ học trò của thầy đã thành công trong cuộc sống.
“Tôi là một người con trong một gia đình có truyền thống văn chương, nên trong tôi luôn thấm đẫm một chất nghệ sĩ, nhưng tôi lại yêu môn Toán, chính vì thế tôi đã chọn ngành học là Sư phạm Toán để theo đuổi đam mê. Nhiều thế hệ học sinh đều cho rằng học toán vừa khó vừa khô khan, trừu tượng nhưng với tâm hồn văn chương, tôi đã giúp các em hình dung ra. Ví dụ khái niệm trừu tượng của giới hạn toán học được nhà thơ Xuân Diệu mô tả rất tài tình “Có một lần em ngồi xa tôi quá, tôi bảo em xích lại gần tôi chút nữa tôi hờn” hay “cái khoảng cách giữa chúng mình là gió, nhưng gió có bao giờ có khoảng cách đâu em”... Với cách truyền cảm hứng như vậy, các tiết học toán đã trở nên lôi cuốn, hấp dẫn người học, các em vừa có hình ảnh trực quan để tiếp nhận những khái niệm khó khăn, trừu tượng của toán học vừa thấu hiểu vẻ đẹp lãng mạn của toán học trong cuộc sống thực tiễn.
Ngoài ra, trong mỗi tiết dạy và trước mỗi bài giảng, tôi suy nghĩ, trăn trở làm sao tạo động lực, truyền được cảm hứng khi học các kiến thức toán học khô khan cho các em. Và càng suy nghĩ, tôi càng nảy ra những ý hay, cách làm mới, sáng tạo trong thiết kế những tình huống có vấn đề để học trò tích cực, chủ động khám phá bài học”, thầy Hải chia sẻ.
TS Hải là “ngọn Hải Đăng” định hướng, dẫn dắt và truyền cảm hứng trong chuyên môn nghề nghiệp cho hàng ngàn học viên. |
Theo thầy Hải, người thầy phải hiểu được tâm lý của học trò, biết các em cần gì để thay đổi cách dạy cho phù hợp, mỗi tiết dạy là một tiết trình diễn nghệ thuật sư phạm.
“Thế hệ sinh viên giờ đây rất năng động và sáng tạo, bởi vì thế người thầy phải biết khơi gợi tâm tư, tạo động lực cho các em, luôn luôn học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp cho bản thân để thích ứng với sự đổi mới của giáo dục trong giai đoạn hiện nay”, thầy Hải tâm sự.
Truyền “ngọn lửa đam mê” đến sinh viên
38 năm làm nghề dạy học luôn có những áp lực nhất định trong cuộc sống và công việc. Thế nhưng, thầy Hải đã bình thản đón nhận và giải quyết những áp lực đó như việc hết sức bình thường của cuộc sống.
Thầy Hải cho rằng, đào tạo sinh viên ngành sư phạm phải tuân thủ những nguyên tắc khắt khe của nó, vì thế đôi lúc không tránh khỏi áp lực cho cả người dạy lẫn người học. “Nhưng mỗi thầy cô giáo đều biết cách vượt qua khó khăn áp lực đó, và mỗi giảng viên đều tự xây dựng cho mình một triết lí giáo dục, một thương hiệu riêng của bản thân. Mỗi cách làm đều nhắm đến mục đích cuối cùng là sự hạnh phúc, thành công của sinh viên. Với tôi, tôi luôn làm những gì tối ưu nhất, tốt nhất cho các em. Tôi luôn tâm niệm: Thành công của người học là hạnh phúc của người thầy!”, thầy Hải bộc bạch.
TS Hoàng Nam Hải cùng các học viên lớp cao học K43. |
Về Trường Đại học Sư phạm gần 10 năm, thầy Hải được xem là “cánh chim đầu đàn” của Khoa Giáo dục Tiểu học, bởi trong những năm qua thầy đã cùng các đồng nghiệp của mình tạo nên những kì tích, nâng tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ lên 62%, tổ chức bồi dưỡng Chương trình GDPT 2018 cấp Tiểu học cho TP phố Đà Nẵng và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Bên cạnh giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo, còn mở mới thêm được 2 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ, 1 chuyên ngành đào tạo đại học. Bản thân thầy là Trưởng Ban xây dựng Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên cấp Tiểu học đã được Bộ GD&ĐT nghiệm thu, cùng với đó phát triển được 6 Chương trình đào tạo giáo viên Tiểu học đáp ứng Chương trình GDPT 2018, đã được Bộ GD&ĐT nghiệm thu; tổ chức triển khai biên soạn 12 giáo trình cốt lõi trong nhiệm vụ ETEP; xuất bản 2 sách chuyên khảo, 3 giáo trình phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo; công bố được 5 bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín; hướng dẫn hơn 30 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cấp trường…
Trong công tác Đảng, thầy Hải là một Bí thư Chi bộ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm dám nghĩ dám làm, sáng tạo trong lãnh đạo, tập thể đơn vị đoàn kết, đồng thuận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà nhà trường giao phó.
Cùng với các sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học. |
Thầy Hải đã tham gia học tập nâng cao trình độ chức danh nghề nghiệp từ Giảng viên chính lên Giảng viên cao cấp, được Bộ GD&ĐT bổ nhiệm ngạch Giảng viên cao cấp vào tháng 6/2023.
“Khi được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Giảng viên cao cấp, tôi rất vui và vinh dự. Ngay từ ngày đầu học sư phạm, tôi đã tự nhủ rằng cho dù chỉ còn 1 giờ lên lớp tôi vẫn đem hết khả năng làm tốt công việc của mình, để truyền ngọn lửa đam mê của mình đến các thế hệ sinh viên”, thầy Hải bộc bạch.
“Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và tri ân đến tất cả đồng nghiệp, nhất là các thầy cô công tác tại nơi còn khó khăn. Vì họ đã cùng làm rạng rỡ thêm cho nghề đưa đò thầm lặng mà cao quý. Xin nhắn với đồng nghiệp một lời chia sẻ, hãy luôn giữ vững ngọn lửa đam mê, xin đừng để ngọn lửa đam mê đó vụt tắt!”, thầy Hoàng Nam Hải nhắn nhủ.