Người thầy sáng tạo

GD&TĐ - Thầy giáo ra đề kiểm tra môn sử về chuyến công du của tổng thống Mỹ Donald Trump đến Việt Nam đã gây bất ngờ và thú vị trong phụ huynh mới đây. Bất ngờ vì đây là một vấn đề đang thời sự. Thú vị vì thấy con em họ chủ động tìm kiếm câu trả lời từ các nguồn thông tin, chứ không phải những kiến thức học thuộc lòng.

Người thầy sáng tạo

Theo truyền thông, đề sử kiểm tra 15 phút này do thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM), ra cho học sinh lớp 12.

Nội dung đề kiểm tra đặt câu hỏi: “Theo bạn, vì sao ông Trump lại chọn các quốc gia, trong đó có Việt Nam trong Asian tour của mình?”. Tuy là đề kiểm tra 15 phút nhưng học sinh được dành vài ba tuần để làm bài.

Được hỏi vì sao chọn cách ra đề mở như thế, thầy Nguyễn Viết Đăng Du cho biết, để xây dựng các kỹ năng tự học, kỹ năng tìm tài liệu, kỹ năng phân tích, tổng hợp… Với cách học này, các em sẽ nhớ lâu kiến thức.

Cũng từ đây, các em nhận ra môn sử không khô khan, không chỉ là bài học thuộc lòng với những con số xơ cứng mà là gần gũi cuộc sống, khiến các em thêm yêu thích môn học này.

Cũng mới đây, tại tỉnh Hải Dương, cô Nguyễn Thị Thúy Nga, giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, đã thử nghiệm giảng dạy môn địa bằng tiếng Anh. Học sinh tỏ ra thích thú.

“Học như vậy từ ngữ tiếng Anh thêm rõ nghĩa, nhớ lâu mà cũng nhờ đó hiểu sâu môn học địa lý”, các em nói với cô như thế. Đồng nghiệp và lãnh đạo nhà trường ủng hộ. Hỏi cô vì sao có ý tưởng này, cô Thúy Nga nói, trong môn tiếng Anh các em học có những từ, nội dung được nhắc trong môn địa, thế là cô thử nghiệm, không ngờ học trò hưởng ứng ngoài mong đợi.

Còn tại Trường THCS Diễn Hoàng, huyện Diễn Châu, Nghệ An có thầy giáo trẻ Đồng Viết Tạo đã một mình biên soạn ba cuốn sách viết về môn hóa được Nhà xuất bản Giáo dục chọn in, phát hành khắp cả nước. Đó là các cuốn “Bồi dưỡng học sinh giỏi Hóa học THCS”, “Thực hành Hóa học 8” và “Thực hành Hóa học 9”.

Ba câu chuyện kể trên cho thấy vai trò của giáo viên sáng tạo là vô cùng quan trọng. Nó quyết định không chỉ phương pháp học của trò mà còn góp phần vun xới năng lực, phẩm chất; biến các em thành những con người tích cực, năng động.

Rõ ràng giáo viên sáng tạo đã làm thay đổi chất lượng nền giáo dục. Các nhà nghiên cứu giáo dục từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng này và tạo mọi điều kiện tối đa cho người thầy sáng tạo.

Bản chất của sáng tạo là vô cùng. Vì vậy, để có người thầy sáng tạo, điều kiện tất yếu họ phải được tự do với nghề nghiệp của mình. Môi trường làm việc cũng phải thật sự dân chủ, cởi mở.

Tất nhiên, trong tình hình hiện nay, để có nhiều giáo viên sáng tạo đòi hỏi Nhà nước phải tiếp tục đầu tư hơn nữa. Chẳng hạn điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện làm việc phải được cải thiện. Ngoài ra, một đời sống khó khăn cũng có thể làm giảm nhiệt tình sáng tạo của giáo viên.

Ở nước ta, từ lâu nghề dạy học được xác định là nghề sáng tạo. Thủ tướng Phạm Văn Đồng sinh thời có nói câu rất nổi tiếng: “Nghề dạy học là một nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”.

Mới đây, Nghị quyết Trung ương 29 về đổi mới giáo dục lại một lần nữa nhấn mạnh Nhà nước tạo điều kiện tốt nhất để người thầy sáng tạo. Chủ trương này đã được cụ thể hóa ở nhiều địa phương: Trên cơ sở chương trình, giáo viên được tự lựa chọn tài liệu giảng dạy, biên soạn lại. Trong đó các bộ sách giáo khoa cũng là những nguồn tài liệu tham khảo.

Phát biểu tại Lễ tuyên dương gương người tốt, việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016 - 2017 mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã ghi nhận những tấm gương giáo viên không ngừng nỗ lực tìm tòi, đổi mới, sáng tạo.

“Đây chính là những nhân tố quan trọng, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của nước ta theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 29, đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận gần hơn với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới”, Bộ trưởng nói.

Vâng, sáng tạo thì không có giới hạn. Một nền giáo dục mà mỗi giáo viên là một chủ thể sáng tạo thì nền giáo dục ấy ắt phát triển không ngừng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...