Thầy giáo có sáng kiến dạy học hay, hiệu quả

GD&TĐ - Gần 30 năm trực tiếp đứng trên bục giảng, thầy Lương Phước Hùng - Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân - Mỹ thuật, Trường THCS Quang Trung (thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) trở thành một tấm gương sáng về sự tận tụy, tâm huyết với nghề của ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam. 

Thầy giáo Lương Phước Hùng.
Thầy giáo Lương Phước Hùng.

Không chỉ được lãnh đạo ngành, đồng nghiệp ghi nhận, phụ huynh, học sinh kính phục, mà bản thân thầy được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Thủ tướng, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Nam vì những đóng góp to lớn, hiệu quả cho ngành GD&ĐT địa phương.

Không ngừng học hỏi để xả thân cống hiến!

Tâm sự về nghề, thầy Lương Phước Hùng cho biết điều mà thầy tâm đắc nhất là người giáo viên phải biết phấn đấu “biết 10 để dạy 1”. Bởi vậy, trong suốt gần 30 năm dạy học, thầy luôn tự nhủ khi mình không thể biết 10 thì cũng cần “biết 2 dạy 1”, bởi vì “biết 2 dạy 1” vẫn tốt hơn là “biết 1 dạy 1”. 

Nhất là trong điều kiện hiện nay, học sinh có điều kiện và dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn tri thức, nên bản thân người thầy phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và kiên trì học hỏi để hoàn thiện mình.

Khiêm tốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm giảng dạy, cùng với ý thức tự học, nghiên cứu và sáng tạo, thầy đã đề xuất nhiều giải pháp đổi mới phương pháp giảng dạy áp dụng vào thực tiễn dạy và học, góp phần thay đổi chất lượng dạy học của nhà trường. 

Các sáng kiến kinh nghiệm dạy học trong môn Địa lý của thầy được ngành GD&ĐT Quảng Nam giới thiệu, áp dụng rộng rãi trong ngành và được đồng nghiệp hưởng ứng, đánh giá cao.

Chừng ấy vốn liếng đủ để chứng minh sự vững vàng về chuyên môn của thầy nắm giữ và đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng tổ chuyên môn Sử - Địa lý – Giáo dục công dân – Mỹ thuật. 

Hơn thế nữa, trong nhiều năm liền, thầy được Sở GD&ĐT Quảng Nam tín nhiệm cử tham dự các lớp tập huấn giáo viên cốt cán do Bộ GD&ĐT tổ chức điều đó cũng góp phần làm giàu thêm kiến thức chuyên môn của thầy.

Bỏ tiền túi làm nghiên cứu chuyên môn

Hầu hết các giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm dạy học của thầy Lương Phước Hùng đều được Hội đồng khoa học ngành xếp loại A, B và được chọn lựa làm nội dung báo cáo tham luận tại các hội nghị của Bộ, Sở và ngành GD&ĐT địa phương.                                                                                               Nhiều bộ đồ dùng dạy học do thầy sáng tạo ra như: “Bản đồ thế giới”, “Bộ thẻ từ dùng trong dạy học Địa lý”… được đồng nghiệp đánh giá là tiện dụng, hữu ích và có thể sử dụng trong nhiều bài dạy môn học khác.   

Mặc dù từ khi làm Tổ trưởng chuyên môn Sử - Địa – Giáo dục công dân – Mỹ thuật của nhà trường, thầy phải đảm nhận một mảng chuyên môn khá rộng, tuy nhiên, thầy vẫn dành thời gian thích đáng để nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy môn Địa lý. 

Nhiều sáng kiến kinh nghiệm chuyên sâu về giảng dạy môn Địa lý của thầy được ngành GD&ĐT địa phương triển khai áp dụng như: “Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học Địa lý lớp 7 và lớp 9”, “Kinh nghiệm biên soạn kế hoạch bài dạy có ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học Địa lý”, “Nâng cao hiệu quả thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá trong dạy học Địa lý cấp THCS”…

Từ sự vận dụng linh hoạt các tri thức sư phạm, công nghệ thông tin, thầy đã sáng tạo vận dụng biên soạn kế hoạch bài dạy có ứng dụng công nghệ thông tin tại nhà trường, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy học. 

Thành quả của sự sáng tạo này đã được Sở GD&ĐT Quảng Nam, VVOB trao tặng giải thưởng cao tại các hội thi. Chia sẻ bí quyết dẫn đến những thành công này, thầy Hùng thành thật cho biết: 

“Để đáp ứng các yêu cầu của công việc, trong suốt quá trình giảng dạy, tôi luôn chú trọng việc nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn với phương pháp: Học – Hỏi – Hiểu – Hành. 

Với tôi để tăng hiệu quả của nguyên lý 4 chữ này, cần thêm 1 chữ N – đó là chữ Nghiệm! Nghiệm từ những hành vi ứng xử, nghiệm từ những việc làm, biện pháp đã đưa đến thành công hay dẫn đến thất bại trong công việc để vận dụng phù hợp hơn”.

Chọn nghề giáo, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục, gần 30 năm dạy học, thầy không chỉ “lao tâm, khổ tứ” vì học sinh, mà nhiều khi phải “nhịn ăn, nhịn mặc” tiết kiệm từng đồng lương ít ỏi của một giáo viên để làm đồ dùng dạy học, đầu tư chi phí cho hoạt động sáng tạo chuyên môn, các đề tài sáng kiến chuyên môn, nghiên cứu khoa học… 

Tâm sự về nghề, thầy chia sẻ: “Trong quá trình tập trung vào công việc, bản thân tôi không hề nghĩ mình làm là vì để có thành tích. Nhưng những kết quả đó đã được các cấp quản lý ghi nhận, đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh yêu quý… càng tạo thêm động lực mạnh mẽ cho tôi trong công việc”.

Hầu hết các giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm dạy học của thầy Lương Phước Hùng đều được Hội đồng khoa học ngành xếp loại A, B và được chọn lựa làm nội dung báo cáo tham luận tại các hội nghị của Bộ, Sở và ngành GD&ĐT địa phương. 

Nhiều bộ đồ dùng dạy học do thầy sáng tạo ra như: “Bản đồ thế giới”, “Bộ thẻ từ dùng trong dạy học Địa lý”… được đồng nghiệp đánh giá là tiện dụng, hữu ích và có thể sử dụng trong nhiều bài dạy môn học khác.

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử dễ, cầm quyền khó

GD&TĐ - Những nghi lễ nhậm chức trang trọng không còn lạ lẫm với ông Vladimir Putin khi chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5 ở nước Nga.