Người thầy mù chữ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Catherine ‘Katy’ Ferguson là nhà giáo mù chữ và là người thành lập Trường Chúa nhật đầu tiên tại New York (Mỹ).

Trường Chúa nhật là mô hình giáo dục cho trẻ em nghèo không thể đến trường.
Trường Chúa nhật là mô hình giáo dục cho trẻ em nghèo không thể đến trường.

Là người da màu với hoàn cảnh sống khó khăn nhưng Katy luôn cố gắng cưu mang và dạy dỗ những đứa trẻ vô gia cư để chúng có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuổi thơ cơ cực

Tranh vẽ Catherine Ferguson.

Tranh vẽ Catherine Ferguson.

Năm 1774, trên một chiếc thuyền chở nô lệ từ bang Virginia đến New York, một người phụ nữ da màu đã hạ sinh một bé gái, đặt tên là Catherine Ferguson. Sau này, bé gái đó đã trở thành một trong những nhà giáo dục da màu mang lại những đóng góp đặc biệt cho nền giáo dục Hoa Kỳ nói chung và giáo dục trẻ em dễ bị tổn thương nói riêng.

Khi chiếc thuyền cập bến New York, mẹ của Catherine được bán cho gia đình ông Bruce giàu có để làm giúp việc. Khi đó, bà Bruce đã đổi tên Catherine thành Katy vì cho rằng cái tên Catherine “không phù hợp với một người da màu”.

Dẫu vất vả nhưng mỗi ngày, sau khi hoàn thành công việc cho gia đình ông chủ, bà vẫn dành thời gian đọc Kinh thánh cho con gái. Những câu Kinh thánh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tuổi thơ đầy thiếu thốn của Katy, dù cô bé không được học đọc, viết.

Biến cố xảy ra khi Katy lên 8 tuổi. Mẹ cô bị gia đình Bruce bán cho một gia đình giàu có khác. Kể từ đó, Katy đảm nhận phần lớn công việc của mẹ, từ việc nhà đến chăm sóc những đứa con của ông bà Bruce. Những năm 1770, Hoa Kỳ vẫn duy trì chế độ nô lệ, trong đó, việc sở hữu nô lệ là tài sản, chủ yếu người châu Phi và người Mỹ gốc Phi, được cho là hợp pháp.

Khi 12 tuổi, Katy được đi học giáo lý với hai người con cả của nhà Bruce. Cô giáo cho phép Katy ngồi sau và lắng nghe. Tại đây, chính những lời giảng của cô giáo về Kinh thánh đã giúp Katy nguôi ngoai niềm thù hận với gia đình ông Bruce hay những người Mỹ giàu có đã chà đạp mẹ con cô.

Katy bắt đầu mong ngóng mỗi ngày được đến nhà thờ, dù cô bé chỉ được ngồi cuối lớp, không được lên tiếng hay đặt câu hỏi. Với Katy, thời gian ở nhà thờ nghe giảng là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong tuần.

Lâu dần, Katy thu hết can đảm và tìm gặp mục sư của nhà thờ trò chuyện. Cô bé chia sẻ ước mơ mở một trường học dành cho trẻ em nghèo và dạy chúng những bài học tốt đẹp mà cô được lắng nghe. Mục sư rất ủng hộ ước mơ của cô bé da màu bé nhỏ, bất chấp nhiều người da trắng lẫn da màu khác tỏ ra khinh thường điều đó.

Ước mơ mở trường dạy học

Đến năm Katy 15 tuổi, cô bé được một người bạn của mẹ trong cộng đồng nô lệ da màu động viên học chữ. Lớp học do cộng đồng tự tổ chức trong một doanh trại bỏ hoang.

Ông Bruce cho phép Katy đi học với điều kiện cô bé phải nướng bánh cho cửa hàng của ông và làm thêm cho gia đình một người bạn của ông vài tiếng mỗi ngày. Dẫu công việc bận rộn, Katy vẫn cảm thấy hạnh phúc vì cô được đến lớp, lần đọc từng con chữ.

Sau một thời gian chăm chỉ làm việc, Katy cũng tiết kiệm đủ tiền để mua lại sự tự do của mình. Khi cầm “giấy tờ tự do” trên tay, dù chưa đọc thông viết thạo, Katy đã cảm thấy tiến gần hơn đến giấc mơ thành lập trường học.

Rời khỏi nhà ông Bruce, Katy dọn đến ở trong doanh trại và làm việc tại một tiệm bánh. Mỗi ngày, cô dậy từ sớm để nướng bánh tart, sau đó thu dọn sách vở và đến lớp. Tan học, cô nhận dọn dẹp doanh trại để kiếm thêm thu nhập.

Tại đây, thiếu nữ Katy gặp gỡ và làm quen với John Ferguson, một người đàn ông da màu. Chính John đã động viên và hỗ trợ Katy công việc để cô có thể tập trung cho việc học tập. Năm 1789, hai người kết hôn.

Tuy nhiên, thời điểm đó, vì lớp học dành cho người da màu do họ tự tổ chức nên việc học chưa thực sự bài bản. Katy vẫn chưa thể đọc và viết sõi trước khi kết hôn. Sau khi lấy chồng, cô đành tạm gác việc học để chăm lo cho gia đình.

Cặp vợ chồng mới cưới dựng một căn nhà nhỏ trong doanh trại. Là một người nhân hậu và tốt bụng, John thường dẫn những đứa trẻ da trắng lẫn da màu bị bỏ rơi về nhà chăm sóc. Một số sẽ ở lại cùng cặp đôi cho đến khi John tìm được gia đình nhận nuôi chúng.

Trong thời gian đó, Katy sẽ tắm rửa, nấu ăn, chăm sóc lũ trẻ và dạy các em những câu chuyện trong Kinh thánh. Cô mong muốn những câu chuyện ý nghĩa trong Kinh thánh sẽ gieo mầm tốt đẹp cho mỗi đứa trẻ vốn sinh ra và lớn lên trong điều kiện thiếu thốn.

Nhưng chẳng bao lâu, bi kịch lại ập đến. Sau khi con gái đầu lòng Abigail ra đời, cặp đôi buộc phải rời khỏi doanh trại. Khi Katy mang thai người con thứ hai, John bị giết khi đang làm việc tại bến tàu New York.

Nỗi buồn khiến Katy mất đi người con thứ hai. Chỉ vài năm sau, bệnh vàng da hoành hành tại New York đã cướp đi Abigail bé bỏng. Katy gần như sụp đổ và không muốn sống tiếp. Tuy nhiên, giấc mơ mở một trường học dành cho trẻ em nghèo đã giúp Katy vực lại tinh thần.

Trường Chúa nhật dạy trẻ em những bài học nhân văn, tốt đẹp về cuộc sống. Ảnh minh họa

Trường Chúa nhật dạy trẻ em những bài học nhân văn, tốt đẹp về cuộc sống. Ảnh minh họa

Cống hiến lặng thầm

Năm 1793, Katy bắt đầu mở trường học đầu tiên. Dù không biết đọc biết viết, cô đã thuộc lòng những câu chuyện trong Kinh thánh nên có thể dành hàng giờ say sưa kể cho lũ trẻ những bài học, ý nghĩa ẩn sau từng câu chữ.

Mỗi tuần, vào ngày Chủ nhật, Katy đưa gần 50 đứa trẻ sống lang bạt trên đường phố về nhà và dạy những bài học trong Kinh thánh lẫn kỹ năng thực tế trong cuộc sống. Cô tiếp tục thay chồng cưu mang những đứa trẻ không nơi nương tựa và cố gắng tìm nhà cho họ.

Sau này, khi quy mô lớp học được mở rộng, một mục sư tại nhà thờ địa phương đã đề nghị Katy mở lớp dưới tầng hầm nhà ông. Ông cũng kêu gọi một số thành viên của nhà thờ đến làm trợ lý thay Katy dạy lũ trẻ đọc, viết.

Kể từ đó, Katy chính thức mở ngôi trường nhỏ của riêng mình, gọi là Trường Sabbath Phố Muray. Nó tiếp tục hoạt động trong 40 năm và là trường Chúa nhật đầu tiên tại New York.

Trường Chúa nhật là tên gọi ban đầu của một loại hình giáo dục tôn giáo thường được tổ chức vào cuối tuần. Kể từ sau khi Katy mở trường đầu tiên, mô hình này đã được lan rộng và phát triển mạnh mẽ tại New York. Đó là những ngôi trường đầu tiên dành cho trẻ em nghèo, trẻ em vô gia cư vì hoàn cảnh mà không thể đến trường.

Ban đầu, những ngôi trường này là do mục sư, con chiên tại các nhà thờ tổ chức nhưng dần dà được các mạnh thường quân ủng hộ. Họ thường dành những ngày cuối tuần đến quan sát lũ trẻ học bài. Khoản trợ cấp được dành để thuê giáo viên về dạy một cách bài bản.

Sau khi biết chữ, học viên được khuyến khích về hướng dẫn bố mẹ, thường là những người nghèo khó không được đến trường. Vì vậy, ở New York, Trường Chúa nhật còn được coi là mô hình hỗ trợ người nghèo, giúp cải thiện trình độ giáo dục và cơ hội việc làm của họ.

Với niềm tin rằng mọi đứa trẻ đều tiếp cận được giáo dục và an toàn, Katy không chỉ dạy những đứa trẻ vô gia cư về Kinh thánh mà còn hướng dẫn các em nhiều kỹ năng sống như cách chăm sóc bản thân, cách hành xử với mọi người xung quanh...

Ngôi nhà Katy Ferguson đi vào hoạt động từ năm 1920 tại Mỹ.

Ngôi nhà Katy Ferguson đi vào hoạt động từ năm 1920 tại Mỹ.

Cô không phân biệt những đứa trẻ là da trắng hay da đen mà hỗ trợ các em như nhau. Mỗi buổi học, cô đều nói đến sự khác biệt, tôn trọng sự khác biệt nhằm xoá đi định kiến phân biệt chủng tộc trong những đứa trẻ.

Thời điểm đó, hầu hết các trường học tại Mỹ đều chia ra là trường dành riêng cho người da trắng hoặc trường dành cho người da màu gồm người châu Phi, người Mỹ gốc Phi, người Mexico... Tuy nhiên, lớp học của Katy có những màu da khác nhau và các em được dạy phải đối xử hoà đồng, yêu thương lẫn nhau.

Lớp học chủ yếu gồm ghi nhớ các bài thánh ca, Kinh thánh; học và thực hành những điều tốt đẹp được dạy trong Kinh thánh; trau dồi kỹ năng sống… Ngoài nỗ lực giáo dục những điều nhân văn cho trẻ em, Katy còn tổ chức các buổi cầu nguyện 2 lần một tuần để dạy lũ trẻ về lòng biết ơn, sự chia sẻ, cảm thông. Gần 50 đứa trẻ mà Katy thu nạp từ đường phố dần dần được cô tìm cho và gửi gắm đến những ngôi nhà phù hợp.

Katy Ferguson qua đời năm 1854 ở New York. Đến năm 1920, thành phố quyết định thành lập một trung tâm dành cho những bà mẹ chưa chồng và đặt tên là Ngôi nhà Katy Ferguson. Đây là nơi cưu mang, hỗ trợ và kết nối những người phụ nữ một mình nuôi con để họ cùng nhau san sẻ khó khăn, gánh nặng khi không có chồng ở bên.

Vì mù chữ, Katy không thể chia sẻ trải nghiệm của bản thân với công chúng nên bà hiếm khi được các nhà sử học nhắc đến. Sau này, khi Katy đã qua đời và những cống hiến âm thầm của bà được ghi nhận, người ta mô tả bà là “phục vụ nhu cầu của người nghèo trong thời đại mà người nghèo bị bỏ quên một cách triệt để”.

Cuộc đời của Katy không chỉ tạo tiếng vang từ việc thành lập Trường Chúa nhật đầu tiên tại New York mà còn đến từ việc cung cấp cho người nghèo nền tảng giáo dục cơ bản. Bà cũng là một trong những người đầu tiên chăm sóc những đứa trẻ vô gia cư, những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn phải lang bạt trên đường phố và ăn trộm thức ăn. Bà giáo dục những đứa trẻ bằng tình yêu thương, sự tâm huyết bất chấp hoàn cảnh là một người không biết đọc, biết viết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.